Còn đó nỗi trăn trở từ dòng kênh Ka La

05:06, 12/06/2020

Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, công trình thủy lợi Ka La, xã Bảo Thuận (Di Linh) đã đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân...

Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, công trình thủy lợi Ka La, xã Bảo Thuận (Di Linh) đã đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mà công trình thủy lợi mang lại thì việc khai thác, sử dụng công trình thủy lợi Ka La vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả.
 
Người dân dùng máy bơm để bơm dẫn nước về các đồng ruộng.
Người dân dùng máy bơm để bơm dẫn nước về các đồng ruộng
 
Những hiệu quả mang lại
 
Năm 2004, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka La từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Với tổng mức đầu tư trên 120 tỷ đồng, công trình được thiết kế, xây dựng từ đầu nguồn dòng suối Dà Riàm (Đạ Riàm) hiền hòa với các hạng mục: cụm công trình đập đầu mối; hệ thống tuyến kênh mương gồm tuyến kênh chính dài 10 km, 20 km kênh cấp 1, cấp 2, trên 33 km tuyến kênh mương nội đồng và 2 trạm bơm... Diện tích mặt hồ ứng với mực nước dâng bình thường trên 300 ha, dung tích 19 triệu m 3 nước, khi đưa vào sử dụng hồ chứa nước Ka La sẽ cung cấp nước tưới cho 2.206 ha đất canh tác, trong đó tưới tự chảy ổn định cho 1.800 ha, đồng thời tạo nguồn và tưới động lực cho 400 ha cây trồng.
 
Đến năm 2008, một niềm vui đến với Nhân dân huyện Di Linh khi công trình thủy lợi hồ chứa nước Ka La đã được hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện, mang về những dòng nước tươi mát cho hàng ngàn hécta cây trồng của các xã: Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Lạc, Tân Nghĩa và thị trấn Di Linh. “Trước kia bà con trên địa bàn xã chỉ sản xuất một vụ lúa, nhưng từ khi có công trình hồ chứa nước Ka La, người dân chúng tôi đã sản xuất lúa 2 vụ. Mặt khác, bà con còn chủ động nguồn nước tưới, chống hạn cho cây trồng”, ông K’ Sép, thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận phấn khởi. 
 
Trao đổi với ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, được ông cho biết: Từ khi đưa công trình thủy lợi Ka La vào sử dụng đã giải quyết được vấn đề mấu chốt cho người dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện trong thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất và cải thiện đời sống. Ngoài việc chủ động nguồn nước trong phát triển sản xuất, công trình thủy lợi Ka La còn phát huy hiệu quả trong việc nuôi trồng thủy sản, kết hợp với tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và cải thiện môi trường sinh thái ở khu vực hồ và các vùng phụ cận. 
 
Dòng suối Dà Riàm hiền hòa ngày nào nay đã được khoác trên mình chiếc “áo mới” mang dòng nước về tưới những cánh đồng vốn trước đây chỉ sản xuất được một vụ lúa và những triền đồi nơi mà cây cà phê luôn chịu “khát” trong mùa khô hạn. Dòng nước ấy đã và đang khơi nguồn, mở ra tiềm năng mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Di Linh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở một số xã, thị trấn trong huyện nói riêng.
 
Một số bất cập và giải pháp khắc phục
 
Để phát huy tối đa hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất cho người dân ở một số xã, thị trấn, năm 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư trên 21,5 tỷ đồng thi công trên 33,1 km tuyến kênh mương nội đồng, đồng thời xây dựng 2 trạm bơm trên địa bàn xã Tân Nghĩa và thị trấn Di Linh. Bên cạnh một số tuyến kênh mang lại hiệu quả, thì việc thiết kế, thi công một số đoạn kênh mương còn có những bất cập ảnh hưởng không nhỏ trong việc dẫn nước phục vụ sản xuất của người dân. 
 
Theo thống kê của cán bộ nông lâm thủy xã Bảo Thuận, toàn xã có khoảng 15 km tuyến kênh mương chính N1, N2, kênh mương phụ, nội đồng; trong đó có khoảng 1,6 km kênh mương nội đồng được thiết kế thấp hơn so với mặt ruộng. “Việc sản xuất lúa của người dân ở khu vực này còn có khó khăn nhất định. Muốn dẫn nước vào cánh đồng, nhất là trong mùa khô hạn bà con phải huy động máy bơm để bơm nước từ dưới mương lên cho đồng lúa, nếu không cây lúa sẽ thiếu nước dẫn đến sinh trưởng, phát triển kém và cho năng suất thấp...”, ông K’ Bim ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận cho biết.
 
Còn ông K’Bêl ở tổ dân phố Ka Ming, thị trấn Di Linh, phản ánh: Do bất cập trong việc thiết kế thi công, nên từ ngày đưa vào sử dụng (khoảng 10 năm nay), 2 trạm bơm tại thị trấn Di Linh và xã Tân Nghĩa chưa phát huy hết hiệu quả và chỉ dẫn nước tối đa khoảng 500 m, gây khó khăn trong việc cấp nước phục vụ sản xuất của người dân, nhất là vụ Đông xuân và chống hạn cho cây trồng trong mùa khô. 
 
Theo thiết kế, công trình trạm bơm N9 cung cấp nước tưới cho 112,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ mới đáp ứng được khoảng 46 ha, gồm 44 ha lúa và 2 ha cà phê, đạt 41,4% so với năng lực thiết kế. Còn trạm bơm N13 sẽ cung cấp nước tưới cho 94,2 ha đất canh tác. Tuy nhiên, hiện tại trạm bơm này cũng chỉ hoạt động được khoảng 2 giờ đồng hồ thì hết nước, nên chỉ bơm tưới phục vụ được khoảng 40 ha, gồm 15 ha lúa và 25 ha cà phê, đạt 42% so với thiết kế. Nguyên nhân do kênh dẫn vào trạm bơm có lưu lượng thực tế nhỏ hơn lưu lượng yêu cầu của trạm bơm; máy bơm có công suất nhỏ nên lưu lượng bơm không đủ để đáp ứng yêu cầu tưới...
 
Trước thực trạng trên, tại buổi tiếp xúc với cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, đại diện cử tri huyện Di Linh đã phản ánh, kiến nghị về một số điểm bất cập tuyến mương dẫn nước của công trình hồ chứa nước Ka La, xã Bảo Thuận như: thiết kế chưa phù hợp, đặc biệt hai trạm bơm trên tuyến kênh N9 và N13 sử dụng máy bơm có công suất nhỏ hơn thiết kế, không đảm bảo lưu lượng nước tưới làm ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa vụ Đông xuân và chống hạn cho cây trồng của người dân. 
 
Để làm sáng tỏ những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời đảm bảo việc cấp nước đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng (NN& PTNT) đã đến kiểm tra thực tế và đề ra giải pháp khắc phục. Theo đó, Sở NN&PTNT đã đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 2 trạm bơm N9, N13 để phục vụ sản xuất cho người dân. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương và bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa 2 trạm bơm trên với tổng kinh phí khoảng 8,43 tỷ đồng (Tờ trình 56/TTr-SNN ngày 3/4/2019). Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất kinh phí để thực hiện (Văn bản 1948/UBND-NN ngày 8/4/2019). Tuy nhiên, qua rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được bố trí hết, không còn nguồn để bố trí cho dự án. Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có Văn bản số 3694/UBND-TH2 ngày 18/6/2019 gửi Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT về việc đề nghị thống nhất xử lý kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi còn thừa sau quyết toán năm 2018, trong đó đề nghị bố trí 3 tỷ đồng/7,72 tỷ đồng còn dư cho sửa chữa 2 trạm bơm trên kênh N9 và N13 thuộc hệ thống thủy lợi kênh Ka La. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chấp thuận. 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để khắc phục sửa chữa 2 trạm bơm trên kênh N9 và N13 thuộc hồ chứa nước Ka La đảm bảo cấp nước cho 206,7 ha đất canh tác, phòng chống hạn hán, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân; Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để 2 công trình trên sớm được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng được nguyện vọng phát triển sản xuất của người dân huyện Di Linh.
 
NDONG BRỪM