Giữ màu xanh của rừng

05:06, 10/06/2020

Trong tổng số hơn 116 ngàn ha diện tích đất lâm nghiệp, diện tích đất có rừng ở Lạc Dương lên đến trên 111 ngàn ha...

Trong tổng số hơn 116 ngàn ha diện tích đất lâm nghiệp, diện tích đất có rừng ở Lạc Dương lên đến trên 111 ngàn ha. Để duy trì độ che phủ rừng đạt trên 85% là kết quả trong quá trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị. 
 
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên được điều động luân chuyển để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm thường xuyên được điều động luân chuyển để nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ rừng.
 
Nhiều năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn là vấn đề mà huyện Lạc Dương đặc biệt quan tâm. Theo số liệu thống kê từ UBND huyện Lạc Dương, giai đoạn 2011-2016, hầu hết diện tích rừng của huyện được giao khoán theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho trên 3 ngàn hộ dân và 13 đơn vị tập thể. Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện đã chủ động rà soát các diện tích đất trống, diện tích sau giải tỏa để đưa vào thiết kế trồng rừng hằng năm. Giai đoạn này đã có trên 350 ha rừng được trồng mới. Các diện tích rừng nghèo kiệt được quan tâm quản lý, bảo vệ chặt chẽ để rừng tự phục hồi bằng phương thức tái sinh tự nhiên. 
 
Việc quản lý, bảo vệ rừng càng được huyện Lạc Dương chú trọng, nhất là sau khi có Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo ông Lê Chí Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, để hiện thực hóa Chỉ thị 30, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về nội dung này và triển khai thực hiện đến các địa phương. Để Chỉ thị 30 phát huy hiệu quả, công tác tuyên truyền vẫn là yếu tố hàng đầu. Theo đó, hàng năm Hạt Kiểm lâm Lạc Dương, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và các địa phương đều tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy chữa cháy rừng. Huyện Lạc Dương cũng thường xuyên thực hiện việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức của ngành lâm nghiệp trong huyện, nhằm phát huy hết vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng được thực hiện thường xuyên để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những lơ là, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, lực lượng tuần tra truy quét phòng chống phá rừng của huyện tăng cường hoạt động chú trọng vào các điểm nóng và ngày lễ, tết. Nhờ vậy, số vụ phá rừng giảm dần qua từng năm, đến cuối năm 2019 giảm còn 53 vụ. Đây là một sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập thể cán bộ, công chức các cơ quan quản lý lâm nghiệp trong huyện.
 
Để nâng cao hiệu quả giữ rừng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, lãnh đạo huyện thực hiện việc kiểm tra rừng tại thực địa với cường độ trung bình 2 lần/1 tháng; lãnh đạo UBND cấp xã thực hiện việc kiểm tra rừng tại thực địa với cường độ trung bình 4 lần/1 tháng; lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện và các đơn vị chủ rừng thực hiện việc kiểm tra rừng tại thực địa với cường độ trung bình từ 15-20 lần/1 tháng. Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Chí Quang Minh, tần suất lãnh đạo huyện, xã đi rừng thường nhiều hơn quy định. Chính điều này đã giúp lãnh đạo địa phương nắm chắc các vụ việc vi phạm để xử lý kịp thời, góp phần mang lại hiệu quả răn đe cao. Việc thực hiện Chỉ thị 30 đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong lãnh, chỉ đạo. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đã thật sự quan tâm, thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn, trách nhiệm của chủ rừng. Từ đó, diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất được bảo vệ nghiêm ngặt, công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện. Các dự án phát triển kinh tế đã chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
 
Song song với bảo vệ, công tác phát triển rừng cũng được chú trọng để nâng độ che phủ rừng. Từ năm 2015 đến 2019, trên địa bàn huyện đã trồng được 18.390 cây phân tán và trên 421 ha rừng... 
 
Bên cạnh đó, việc khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng cũng được thực hiện. Diện tích rừng nghèo kiệt được quan tâm bảo vệ nhằm cho rừng phục hồi tự nhiên, tái sinh tự nhiên để nâng cao chất lượng rừng, cải thiện khả năng phòng hộ của rừng và giữ vững đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen và điều hòa khí hậu. Hiện phần lớn diện tích rừng ở Lạc Dương được giao cho người dân nhận giao khoán, quản lý và bảo vệ rừng.
 
Theo nhận định của huyện Lạc Dương, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện sẽ còn nhiều áp lực khi: Tình trạng di cư tự do từ các tỉnh miền Trung, huyện giáp ranh vào huyện Lạc Dương tiếp tục tăng cao; tình trạng vi phạm về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi, phức tạp; các đối tượng vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng manh động, tình trạng chống đối người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng còn diễn ra, gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của lực lượng trực tiếp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng... Điều này đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong đó, việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30, mạnh tay trong xử lý các đối tượng vi phạm và kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu là những biện pháp được Lạc Dương lựa chọn để giữ màu xanh của rừng.
 
NGỌC NGÀ