Kiểm soát, quản lý cây xanh đô thị, trường học trong mùa mưa bão

05:06, 18/06/2020

Mùa mưa bão mới lại đến, trước những diễn biến thất thường của thời tiết, thành phố Đà Lạt và các trường học trên địa bàn đã có những biện pháp để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy, đổ cây xanh; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, học sinh, du khách…

 

Mùa mưa bão mới lại đến, trước những diễn biến thất thường của thời tiết, thành phố Đà Lạt và các trường học trên địa bàn đã có những biện pháp để chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy, đổ cây xanh; đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân, học sinh, du khách…
 
Cần tăng cường công tác kiểm soát, quản lý và có biện pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng để không xảy ra những vụ việc cây gãy đổ tại đô thị và trường học trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Cần tăng cường công tác kiểm soát, quản lý và có biện pháp xử lý kịp thời, nhanh chóng để không xảy ra những vụ việc cây gãy đổ tại đô thị và trường học trên địa bàn thành phố Đà Lạt
Ngày 28/6/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 39/2017/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, UBND thành phố Đà Lạt cùng các phòng, ban, ngành và Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt đã có những phương án về quy hoạch, trồng, chăm sóc cây xanh đô thị; quản lý, lập hồ sơ quản lý cây xanh đô thị… Trong Chương II, Quyết định của UBND tỉnh; Điều 10 nêu rõ về Quản lý cây nguy hiểm trong đô thị, yêu cầu đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị phải thường xuyên kiểm tra để xác định cây có nguy cơ gãy đổ, kịp thời chặt hạ, tỉa cành, cắt nhánh hoặc di chuyển cây trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn. 
 
Theo đó, thời gian qua, Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Kinh tế đã tích cực tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quy hoạch, lập hồ sơ cây xanh đô thị. Bên cạnh đó, cùng với UBND thành phố và các đơn vị, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt tăng cường công tác kiểm soát, quản lý cây xanh đô thị, nhất là trong mùa mưa bão.
 
Ông Phạm Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết: Công ty quản lý, bảo dưỡng hệ thống giao thông nội thị, quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng, hoa - cây xanh công viên, đường phố. Hiện công ty đang quản lý trên 10.000 cây xanh đô thị, trên 23.000 m 2 hoa. Cây xanh trên địa bàn thành phố Đà Lạt chủ yếu là cây cho hoa nên thấp và nhỏ như: hoa ban, mai anh đào, sò đo cam, phượng tím. Có một số tuyến cây đã trưởng thành, chiều cao khoảng 8 đến 10 m thuộc cây đại mộc như: uy li mộc, long não...; cần được khống chế tán và chiều cao ở các đường Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh…
 
Trước mùa mưa bão, Công ty đã lập kế hoạch và tiến hành cắt tỉa cây khô, tổ chức cắt tỉa cành để khống chế tán cây. Phân công trực trong những ngày mưa bão tại đơn vị. Tập trung giải phóng mặt bằng khi có trường hợp cây xanh đường phố ngã đổ. Tăng cường kiểm tra và có biện pháp chống đỡ cây xanh mới trồng, nơi đất yếu. Phối hợp với Điện lực Đà Lạt xử lý các vị trí khi có sự cố ngã cây xanh làm hư hỏng hệ thống điện và chiếu sáng.
 
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Lạt, trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020: 1 cây uy li mọc tại Phường 2 gãy đổ làm gãy 1 trụ điện, hư hại 1 xe máy, 1 xe ô tô. Tại Phường 3: 2 nhà dân bị sập do cây gãy đổ, 2 cây thông ngã đổ ở đường đèo Prenn. Phường 9: 2 cây gãy đổ làm hư hại nhà kính. Trong năm đã thực hiện 110 quyết định chặt 268 cây các loại, cắt 6 ngọn cây, tỉa 53 cành cây. 
 
Theo UBND thành phố Đà Lạt, để chủ động ứng phó với những diễn biến thất thường của thời tiết, UBND thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng Lâm Viên phối kết hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, các phường nội thị, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt tiến hành kiểm tra, xác minh, đề xuất UBND thành phố cho phép chặt hạ cây, chặt tỉa cành, nhánh. Xử lý khẩn cấp, chặt hạ khẩn cấp các cây khô mục, cây nguy hiểm có nguy cơ ngã đổ trong nội ô thành phố. 
 
Không chỉ tiến hành kiểm soát, quản lý cây xanh ở đô thị; các cây xanh trong các trường học cũng được thành phố tăng cường kiểm tra để phòng, chống, hạn chế nguy cơ gãy đổ, ảnh hưởng đến tính mạng học sinh và đội ngũ giáo viên, cũng như tài sản của nhà trường.
 
Thầy giáo Trần Đức Minh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt cho biết: Từ vụ việc cây đổ trong trường học đáng tiếc xảy ra ở địa phương khác làm thiệt mạng, gây thương tích đối với học sinh và cũng để chủ động trước mùa mưa bão; Phòng đã có thông báo gửi các trường mầm non, tiểu học cơ sở, trung học cơ sở trực thuộc đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong mùa mưa bão. Trong đó đề nghị rõ phối hợp với các đơn vị để tiến hành đánh giá nguy cơ đổ, ngã của các cây cổ thụ trong khuôn viên trường, có biện pháp gia cố hoặc báo cáo thành phố để tiến hành đào bỏ, cắt tỉa cành cây. Hiện nay trong báo cáo gửi về của 49 trường trên địa bàn thì có 2 trường có đề nghị đào bỏ, cắt tỉa cây là Trường Trung học cơ sở Quang Trung và Trường Tiểu học Lê Lợi.
 
Tại Trường Trung học cơ sở Quang Trung, trong báo cáo của trường có nêu rõ, tại trường có nhiều cây cao trên 15 mét có nguy cơ gãy đổ. Qua kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt vào ngày 3/6/2020 thì biên bản ghi rõ thông nhất đề nghị UBND thành phố nhổ bỏ 1 cây phượng vĩ đã mục gốc, cắt 8 cành của cây ngân hoa và xà cừ. Qua trao đổi vào chiều 15/6/2020, thầy giáo Võ Ngọc Hưởng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Trung cho biết cây phượng vỹ ở trường vẫn chưa nhổ bỏ và trường vẫn đang dùng dây khoanh lại khu vực nguy hiểm quanh cây này để học sinh, giáo viên không đến gần. 
 
Còn tại Trường Tiểu học Lê Lợi, nhà trường báo cáo tại trường có nhiều cây cổ thụ được trồng từ lâu, cây cao và có nguy cơ gãy cành gây nguy hiểm. Nhà trường cũng thông tin rằng ngày 29/5/2020, sau khi học sinh ra về hết thì có một cành cây bạch đàn trên cao bị gãy và đổ xuống ngay lối lên của khu xây dựng mới.
 
Để kiểm soát, quản lý cây xanh đô thị trong mùa mưa bão thì công tác phòng, chống và chủ động thực hiện trước như cắt tỉa cành, cắt bỏ cây khô là cần thiết, để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản. Và tại các trường học cũng cần phải nhanh chóng, kịp thời có các biện pháp thích hợp để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa những ngày qua.
 
ĐỨC TÚ