Lạc Dương: Nông dân thoát nghèo từ nhiều chính sách ưu đãi

06:06, 16/06/2020

Trong nhiều năm qua, ở Lạc Dương đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo...

Trong nhiều năm qua, ở Lạc Dương đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vươn lên thoát nghèo. Điều này chứng tỏ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã thực sự phát huy tác dụng, có hiệu quả, là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo.
 
Đồng bào DTTS Lạc Dương sản xuất hoa nhà kính có thu nhập cao
Đồng bào DTTS Lạc Dương sản xuất hoa nhà kính có thu nhập cao
 
Tập trung chuyển đổi cây trồng hiệu quả
 
Đạ Sar là một xã thuần nông có đông bà con DTTS Tây Nguyên sinh sống. Song song với việc vận động người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, xã còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ bà con nghèo sản xuất. Sự vận động này bà con hưởng ứng nhiệt tình, xã đã tiến hành thực hiện hỗ trợ cho 120 hộ đồng bào DTTS nghèo chuyển đổi được 31,93 ha cà phê già cỗi sang trồng rau, hoa công nghệ cao. Đặc biệt, là chuyển đổi sang trồng atiso với Công ty Cổ phần sản xuất Dược liệu Lâm Đồng, bước đầu đã mang lại hiệu quả lớn, giúp tăng thu nhập của người dân; qua đó cũng thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, tạo đầu ra ổn định, xóa đói giảm nghèo thành công. 
 
Gia đình ông Liêng Jrang Ha Tang, Thôn 4, trước đây chủ yếu trồng cà phê nhưng năng suất không cao, thu nhập bấp bênh. Từ khi được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây rau hoa, ông đã mạnh dạn vay vốn và phá bỏ 6 sào cà phê sang trồng atiso, mang lại 200 triệu đồng mỗi năm. Ông cho biết, trồng cà phê ngày càng thâm nợ, chuyển sang trồng rau vừa trả được nợ vừa lại được căn nhà. Trước đây, tưới nước bằng tay cũng hơi mệt, nhưng được Nhà nước đối ứng hỗ trợ hệ thống tưới béc đỡ vất vả hơn rất nhiều.
 
Sau mười năm tập trung cho nông nghiệp, nông thôn, Lạc Dương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ nền nông nghiệp chủ yếu thuần cây cà phê, người dân đã biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang sản xuất rau, hoa cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, không chỉ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự liên kết, thông thương hàng hóa, mà đòi hòi phải có cơ chế để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Từ các chương trình dự án, Trung tâm Nông nghiệp đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa cúc trong nhà kính (hộ ông Ha Toang ở xã Đa Nhim), trồng cây dược liệu như atisô, đương quy (hộ ông Lơ Mu Ha Simly ở xã Đa Nhim), trồng cây che bóng mát cho cà phê… Từ các mô hình có hiệu quả đó, nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đưa một số loại cây có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như cây dâu tây (trồng ngoài trời), cây atiso, cây rau, trồng nấm hương với 23 hộ/33 nhà nấm,… để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Tính đến nay, diện tích chuyển đổi sang trồng rau, hoa của đồng bào DTTS là 74 ha/315 hộ.
 
Người dân được tiếp cận nguồn vốn 
 
Để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, huyện Lạc Dương đã triển khai lồng ghép các cơ chế, chính sách đang áp dụng trên địa bàn như: Chương trình 30a, 135; chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách tín dụng ưu đãi… Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần không ỷ lại của đồng bào. Nhờ đó, công tác chuyển đổi giống cây trồng tiếp tục được triển khai nhân rộng theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế gắn với chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. 
 
Việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, đã tạo được sự đồng thuận, thống nhất của người dân, đặc biệt đối với các hộ có khả năng thoát nghèo hàng năm tại các xã đặc biệt khó khăn. Thông qua các chương trình, dự án, hầu hết người dân thuộc đối tượng thụ hưởng đều được tiếp cận trực tiếp với các chính sách. 
 
Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, đa số người nghèo đều có vốn để đầu tư cho sản xuất, họ mạnh dạn hơn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên. Đây chính là yếu tố quan trọng mang lại kết quả giảm nghèo bền vững trong Nhân dân. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn là 6.219 triệu đồng. 
 
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, để nâng cao đời sống của bà con, huyện tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời hỗ trợ bảo quản, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Hiệu quả của chương trình này được minh chứng bằng việc đầu năm 2016 số hộ nghèo toàn huyện là 847 hộ, chiếm tỷ lệ 14,5%, đến đầu năm 2020, số hộ nghèo toàn huyện là 224 hộ, chiếm tỷ lệ 3,3%. 
 
Từ đó, đưa Lạc Dương thành huyện có số đồng bào DTTS có thu nhập cao và ổn định nhất tỉnh. 5 năm về trước có thôn bà con còn đói ăn, thì nay, không khó để tìm thấy nhà lầu, xe hơi trong các gia đình người DTTS. Nhiều điển hình nổi lên trong sản xuất kinh doanh cũng là con em các đồng bào DTTS, nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng cuộc sống và đặc biệt là sự đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội đã dần được nâng cao. 
 
HOÀNG YÊN