Lùm xùm khiếu kiện tại Siêu thị Du lịch Làng nghề

05:06, 04/06/2020

Khởi công công trình từ tháng 7/2016, Dự án Siêu thị Du lịch Làng nghề (số 10, đường Phan Chu Trinh, Phường 9, TP Đà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sớm đi vào hoạt động, khai thác thế mạnh của các làng nghề Việt Nam...

Khởi công công trình từ tháng 7/2016, Dự án Siêu thị Du lịch Làng nghề (số 10, đường Phan Chu Trinh, Phường 9, TP Đà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sớm đi vào hoạt động, khai thác thế mạnh của các làng nghề Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề do lao động nông thôn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam làm ra. Thế nhưng, dự án này tới giờ chưa thể đi vào hoạt động do vướng vào lùm xùm kiện tụng từ các bên liên quan.
 
Dự án Siêu thị Du lịch Làng nghề tại số 10 Phan Chu Trinh tới giờ vẫn chưa thể đi vào hoạt động do phát sinh tranh chấp kéo dài
Dự án Siêu thị Du lịch Làng nghề tại số 10 Phan Chu Trinh tới giờ vẫn chưa thể đi vào hoạt động do phát sinh tranh chấp kéo dài
 
Dự án Siêu thị Du lịch Làng nghề được khởi công vào ngày 20/7/2016 tại số 10, đường Phan Chu Trinh (trước đây là số 7, đường Phan Chu Trinh, Phường 9) là một công trình cao 5 tầng không kể tầng hầm với mức đầu tư được xác định ban đầu là 56 tỉ đồng. Dự án trên do Trung tâm Nhân ái Đại Hưng Phát (đơn vị trực thuộc Công ty TNHH SX-TM-XNK Đại Hưng Phát, có trụ sở tại TP Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên) là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, chuyên nuôi dưỡng, đào tạo nghề cho người khuyết tật và các hoạt động nhân đạo làm chủ đầu tư. Phía Trung tâm Nhân ái Đại Hưng Phát (Trung tâm ĐHP) đã hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Cổ phần xây dựng Á Châu (Công ty Á Châu) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh để thực hiện dự án trên. 
 
Tuy nhiên, tới tháng 7/2019, ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Á Châu, do phát sinh về hợp đồng giữa hai bên đã đâm đơn kiện Trung tâm ĐHP lên Toà án nhân dân TP Đà Lạt và được tòa thụ lý giải quyết trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng góp vốn, yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
 
Trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng, Toà án nhân dân TP Đà Lạt đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”. Quyết định này được đưa ra ngày 24/10/2019, có hiệu lực thi hành ngay và được gửi đến đương sự - tức Công ty Á Châu và Trung tâm ĐHP, cùng Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt.
 
Theo trình tự, Chi cục Thi hành án dân sự TP Đà Lạt (THA Đà Lạt) sẽ tiến hành tống đạt quyết định đến các đương sự. Đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để thi hành quyết định “cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp” nếu các đương sự không chấp hành. Ngày 25/10/2019, tức chỉ 1 ngày sau khi có quyết định từ tòa án, THA Đà Lạt đã ra quyết định thi hành án và giao chấp hành viên của THA Đà Lạt thực hiện. Thế nhưng, phải đến ngày 17/1/2020, chấp hành viên mới thực hiện quyết định nói trên, tức chậm gần 4 tháng.
 
Trong khoảng thời gian chậm trễ triển khai quyết định nói trên, chủ đầu tư là Trung tâm ĐHP đã tiếp tục xây dựng thêm nhiều hạng mục trong Dự án Siêu thị Du lịch Làng nghề.
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm ĐHP, thừa nhận vào thời điểm tòa thẩm định trước khi ra quyết định cấm thay đổi hiện trạng thì công trình chỉ mới có phần cột và sàn tương ứng với 5 tầng nổi và 1 tầng hầm. Bà Vân cho biết, bà có nhận được quyết định của tòa án nhưng bà không chấp hành do tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp không đúng. “Phía Công ty Á Châu liên tục vi phạm nên đơn phương chấm dứt hợp đồng. Về việc Á Châu khiếu kiện, yêu cầu phía Trung tâm ĐHP là không đúng đối tượng” - bà Vân nói.
 
Theo giải thích từ bà Vân, hợp đồng góp vốn (Phía Trung tâm ĐHP 70% và Công ty Á Châu 30%) và đây là hợp đồng hợp thức hóa để phía Công ty Á Châu vay vốn ngân hàng bằng hạn mức tín dụng. Nguyên nhân là phía Trung tâm ĐHP là đơn vị nhân đạo, không có báo cáo thuế, không thể vay vốn và nhận thầu xây dựng dự án, không nhận tiền góp vốn 30%. 
 
“Tài sản đang tranh chấp là tài sản của Đại Hưng Phát (Công ty TNHH SX-TM-XNK Đại Hưng Phát) chứ không phải của Trung tâm ĐHP. Trung tâm chỉ là người thực hiện dự án theo ủy quyền của Đại Hưng Phát. Vì vậy, phía Á Châu kiện sai đối tượng, nên Trung tâm chúng tôi không có nghĩa vụ thực hiện” - bà Vân giải thích.
 
Theo Toà án nhân dân TP Đà Lạt, phía bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm ĐHP từng có văn bản khiếu nại quyết định của tòa. Tuy nhiên, khiếu nại của bà Vân được Tòa án nhân dân TP Đà Lạt cho rằng không có căn cứ nên đã bác đơn.
 
Trong khi đó, theo đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng, phía Công ty Á Châu cho rằng, việc bị đơn là Trung tâm ĐHP không tuân thủ biện pháp khẩn cấp tạm thời đang có hiệu lực thi hành thể hiện việc xem thường pháp luật. Việc tiếp tục thi công khi đang có tranh chấp sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xét xử vụ án, đồng thời gây nguy cơ xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của khách hàng tham gia dự án. 
 
CHÍNH THÀNH