Là xã ở vị trí cuối cùng của huyện Cát Tiên, có 11 dân tộc thiểu số, trong đó 61% dân tộc gốc Tây Nguyên, nhưng Phước Cát 2 đạt chuẩn "Nông thôn mới" (NTM) năm 2017...
Là xã ở vị trí cuối cùng của huyện Cát Tiên, có 11 dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó 61% dân tộc gốc Tây Nguyên, nhưng Phước Cát 2 đạt chuẩn “Nông thôn mới” (NTM) năm 2017. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân người/năm đạt 65-70 triệu đồng và năm 2024 là một trong 2 xã của huyện đạt chuẩn “NTM nâng cao”.
|
Cầu kiên cố nối đường nhựa 721 từ Phước Cát 2 sang tỉnh Bình Phước đang thi công |
Chúng tôi đến xã Phước Cát 2 sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa kết thúc. Đây là Đảng bộ thứ 3 ở huyện Cát Tiên “nhất thể hóa” vì đã đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết như Bí thư Huyện ủy Ngô Xuân Hiển chia sẻ. Phước Cát 2 có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.833 ha; trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 1.600 ha, chiếm 10,9%, còn chủ yếu đất lâm nghiệp với hơn 13.717 ha, chiếm gần 87,3%... Có vị trí nằm dọc đường liên huyện 721, nối từ Quốc lộ 20 và sắp tới với Quốc lộ 14, Phước Cát 2 có diện tích rừng đặc dụng rất lớn (hơn 12.785 ha, chiếm 86,6% tổng diện tích tự nhiên). Cùng đó, dân cư có tới 12 dân tộc với 61% thuộc 11 dân tộc thiểu số (DTTS) (trong đó đồng bào gốc Tây Nguyên 15,35%). Đây là những đặc điểm vừa là lợi thế, vừa là thách thức để Phước Cát 2 vượt lên “NTM nâng cao”.
Trả lời câu hỏi liệu có đến đích, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Mai Bảo Xuyên cho rằng, sở dĩ xã và huyện đều quyết tâm xây dựng Phước Cát 2 là một trong 2 xã đạt chuẩn “NTM nâng cao” vào năm 2024 bao gồm các yếu tố sau: Một là về nhân lực và con người, sự đoàn kết gắn bó cao từ người dân đến đội ngũ cán bộ. Thứ hai là tiềm lực đất đai thổ nhưỡng, chiếm 1/4 diện tích toàn huyện Cát Tiên. Phát huy nguồn tài nguyên đất này, cây chủ lực là điều nhưng xã đẩy mạnh phát triển chủ yếu kinh tế vườn hộ đủ điều kiện. Cùng đó là quan tâm chăm sóc bảo vệ rừng để đồng thời thừa hưởng dịch vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thứ ba là nâng cao dịch vụ, trong đó lợi thế là đường 721 và cầu dầm kiên cố sắp tới thông sang tỉnh Bình Phước, nối Quốc lộ 14, trục huyết mạch Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh vùng Tây Nguyên. “Ba yếu tố này, Đảng bộ và chính quyền xã sẽ động viên, tuyên truyền Nhân dân các dân tộc trong xã cố gắng phấn đấu để năm 2024 đạt cho bằng được chuẩn “NTM nâng cao”, ông Mai Bảo Xuyên khẳng định. Đây cũng là cơ sở để Đảng bộ xã đặt ra 4 khâu đột phá phát triển: nông nghiệp toàn diện và bền vững theo tinh thần ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, thương mại gắn với du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kêu gọi vốn đầu tư phát triển kinh tế. Theo đó, các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm Phước Cát 2 hướng tới bao gồm: Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững; Đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS; Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các công trình trọng điểm quyết tâm triển khai là xây dựng hồ chứa nước Phước Sơn; sân, hàng rào khuôn viên cơ quan xã; hàng rào, cổng ngõ nghĩa trang xã và bê tông đường sản xuất Bàu Chim. “Mặc dù xã đã đạt chuẩn NTM, nhưng để vươn lên tầm cao hơn cần tiếp tục khắc phục tốt hơn nữa những tồn tại, hạn chế và cả thách thức. Có công trình trọng điểm nhằm phục vụ phát triển kinh tế đi lên, có công trình tạo môi trường cảnh quan để nông thôn xanh, sạch, đẹp”, ông Xuyên nói.
Thành tựu 5 năm qua đã tạo đà cho Phước Cát 2 tiếp tục có niềm tin và bài học kinh nghiệm phấn đấu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 44,34 triệu đồng/người và năm 2020 đạt 52 triệu đồng. Tổng thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 10%; tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt và vượt kế hoạch (duy trì 3.950 tấn); giá trị sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,96%. Trong 5 năm qua, huy động nguồn lực xây dựng NTM của xã Phước Cát đã được đầu tư hơn 22 tỷ đồng... Hiện nay có 265 hộ đồng bào DTTS đang nhận khoán bảo vệ 4.912 ha rừng để thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng... Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 - ông Trương Văn Xã còn cho tôi biết, số hộ DTTS toàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo, chiếm 2,54% và 14 hộ cận nghèo. Tổng sản lượng lương thực của các DTTS hàng năm đạt gần 3.518 tấn. Năm học 2019-2020 này, số học sinh DTTS đang học là 402 học sinh, từ mầm non đến THPT và 24 sinh viên học các trường đại học, cao đẳng.
Chủ tịch Mai Bảo Xuyên còn vui vẻ thông tin thêm về 2 thôn 100% đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Đó là, dự án bảo vệ sinh thái rừng do tổ chức quốc tế phi chính phủ và Vườn Quốc gia Cát Tiên triển khai vào năm 2021 tại Thôn 3, Thôn 4, trong đó riêng đầu tư cây trồng kinh phí 1,2 tỷ đồng và xã sẽ đề nghị huyện hỗ trợ bà con công tác chăm sóc. Đường vào Thôn 3 và Thôn 4 cơ bản đã bê tông hóa để ô tô đi, chỉ còn 4,2 km vào Thôn 4 đã được huyện bố trí vốn để triển khai bê tông sắp tới. Đối với cầu ở thôn Vĩnh Ninh, nối đường nhựa Tỉnh lộ 721 sang xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đang tích cực thi công. Đây là huyết mạch hình thành quốc lộ trong tương lai để xã Phước Cát 2 trở thành xã có địa kinh tế rất lợi thế trong tỉnh Lâm Đồng. “NTM nâng cao” Phước Cát 2 sẽ là bức tranh tươi sáng về sự phát triển không chỉ nhanh mà còn bền vững.
MINH ĐẠO