Mùa mưa bão năm 2020 đã đến, vì vậy việc giữ an toàn cho các hồ đập trên địa bàn huyện Đam Rông có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản và ổn định tình hình sản xuất của Nhân dân.
Mùa mưa bão năm 2020 đã đến, vì vậy việc giữ an toàn cho các hồ đập trên địa bàn huyện Đam Rông có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo tính mạng, tài sản và ổn định tình hình sản xuất của Nhân dân.
|
Đập tạm Đạ Nhinh nhiều lần hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ công trình |
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng (QLDAĐTXD&CTCC) huyện Đam Rông, hiện đơn vị đang quản lý, khai thác và bảo vệ 79 hồ thủy lợi, đập tạm, đập dâng. Tuy mới chỉ đầu mùa mưa năm 2020 nhưng các công trình như đập dâng C-3 tại xã Đạ Tông bị gãy kênh dẫn nước do sạt lở đất; công trình thủy lợi đập tạm Brông Rết tại xã Rô Men kè rọ đá bị sạt lở ở mạn trái khoảng 10 mét; đập tạm Đạ Nhinh tại xã Đạ Tông bị hư hỏng nặng do mưa lũ...
Trong 79 hồ đập chỉ có 1 hồ đập được kiểm định an toàn là hồ Lăng Tô (xã Đạ K’Nàng), 3 hồ đập đang đăng ký kiểm định an toàn gồm hồ Phi Liêng, hồ BobLa (xã Phi Liêng) hồ Đạ Nòng (xã Đạ Tông), những hồ đã được kiểm định an toàn và hồ đang đăng ký kiểm định an toàn đều là hồ chứa nước vừa. Về quy trình vận hành hồ chứa nước cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại, chỉ có 2 hồ chứa khi xây dựng có quy trình vận hành nhưng đến nay đã hết hiệu lực là hồ Phi Liêng và hồ Đạ Nòng. Đại diện quản lý về công trình thủy lợi của Ban cho biết do quy trình vận hành đã hết hiệu lực nên Ban phải điều tiết vận hành theo tình hình thực tế và dựa vào năng lực của cơ quan đơn vị được giao.
Mặt khác, tại huyện Đam Rông có đến 54 công trình thủy lợi đang là đập tạm (đập làm bằng đất, chưa được kiên cố hóa), một số đã xuống cấp ảnh hưởng đến nhiệm vụ của công trình. Điển hình như đập tạm Đạ Nhinh tại xã Đạ Tông với chiều cao là 3 mét, chiều dài ứng với cao trình là 18 mét đã bị cơn lũ cuối năm 2018 cuốn trôi. Sau khi xảy ra sự cố, Ban QLDAĐTXD&CTCC và người dân địa phương đã đắp lại đập 2 lần, đến đầu mùa mưa năm 2020 này, đập lại bị nước lũ gây hư hỏng nặng. Hiện nay, Ban QLDAĐTXD&CTCC đang cử lực lượng khắc phục tạm và bắc ống nhựa để dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Hoàng Mạnh Huỳnh - Chủ tịch UBND xã Đạ Tông thông tin: Đập tạm Đạ Nhinh được xây dựng cách đây khá lâu, đây là công trình phục vụ cho khoảng 40 - 50 ha đất trồng lúa nước và hoa màu khác ở 3 thôn là Đạ Nhinh 1, Đạ Nhinh 2, Liêng Trang 2 với khoảng 150 hộ dân trực tiếp sản xuất. Về vấn đề đập bị lũ cuốn vào những năm trước và mùa mưa này bị ảnh hưởng thì chính quyền địa phương đã có kiến nghị lên các cấp. Còn về giải pháp đắp lại đập tạm và dùng ống nhựa để dẫn nước tạm thời cho bà con thì không biết có chịu được trước diễn biến thất thường của thời tiết trong thời gian tới không.
Ngoài ra, tại một số công trình thủy lợi ở huyện Đam Rông, việc rà soát vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do đất của một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất nằm trên hành lang bảo vệ công trình. Một số công trình khác lại có hệ thống kênh mương đi qua trước mặt nhà nên người dân đã tự ý đổ tấm đan và san lấp làm đường đi lại.
Ông Nguyễn Hải Thái - Phó Giám đốc Ban QLDAĐTXD&CTCC huyện Đam Rông cho biết: Để đảm bảo an toàn hồ, đập trên địa bàn huyện trong mùa mưa bão năm 2020, Ban đã và đang tiếp tục thực hiện kiểm tra an toàn công trình đối với những hồ chứa nước và đập kiên cố, nhằm nắm bắt kịp thời những hư hỏng, đề xuất sửa chữa kịp thời để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, Ban đã bố trí cán bộ thủy lợi theo dõi 24/24 đối với những hồ đập và công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Mặt khác, cũng tăng cường công tác vận động người dân không lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình, không tự ý thay đổi kết cấu của kênh mương thủy lợi chạy ngang qua phần đất hay trước nhà của mình.
ĐỨC TÚ - THU HIỀN