Không chỉ rút ngắn khoảng cách về địa lý, mà những con đường được làm từ sự chung tay, đồng thuận của người dân tại xã Mê Linh (Lâm Hà) còn giúp bà con 3 thôn Buôn Chuối, Cổng Trời, Hang Hớt gần hơn với sự phát triển chung của toàn xã, toàn huyện.
Không chỉ rút ngắn khoảng cách về địa lý, mà những con đường được làm từ sự chung tay, đồng thuận của người dân tại xã Mê Linh (Lâm Hà) còn giúp bà con 3 thôn Buôn Chuối, Cổng Trời, Hang Hớt gần hơn với sự phát triển chung của toàn xã, toàn huyện.
|
Có con đường mới đã tạo thuận lợi cho người dân Mê Linh sản xuất, phát triển kinh tế |
Con đường dẫn vào 3 thôn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) này đã từng là nỗi ám ảnh của cả cán bộ xã Mê Linh và chúng tôi khi vào tác nghiệp. Thi thoảng chúng tôi nhận được những lời căn dặn như: “Các em đợi hôm nào trời nắng ráo rồi các anh chở vào thôn, chứ trời mưa là đường đi vào vất vả lắm, mà cũng chưa chắc xe máy đã vào được đến trung tâm thôn”. Nhưng đó đã là câu chuyện của những năm trước. Bây giờ, bất kể nắng mưa, xe máy và cả ô tô đã bon bon trên những con đường được trải bê tông, khang trang, sạch đẹp.
Mọi thứ hôm nay đã khác. Không còn bao trùm sự nghèo nàn, buồn tẻ, xa xôi và cách biệt của những ngày cũ, bây giờ, quán ăn, quán tạp hóa đã “mọc” lên rất nhiều. Không còn những con đường đất đỏ, không còn những khu đất nông nghiệp bị bỏ trống, thay vào đó là màu xanh của cây dâu, cây ăn trái, rau, hoa công nghệ cao... Để có được sự thay đổi đó, một phần lớn là xuất phát từ việc giao thông thuận lợi, kể từ khi con đường bê tông thênh thang dẫn vào thôn được hoàn tất.
Là một trong những người có đóng góp lớn để hoàn thành con đường này, anh Phạm Ngọc Thông chia sẻ: “Sinh sống ở đây khá lâu năm, không riêng tôi mà toàn bộ người dân các thôn Hang Hớt, Cổng Trời, Buôn Chuối đều khao khát có con đường để thoát khỏi cảnh sình lầy vào mùa mưa, bụi bặm trong mùa nắng”. Bởi những người nông dân với tư duy hiện đại như anh hiểu được rằng, dù chỉ là làm nông nhưng nếu không có con đường thuận tiện cho việc vận chuyển nông sản thì sẽ chẳng thể phát triển được. Có con đường mới hàng hóa không còn bị ép giá như trước đây, đất đai có giá trị, nền nông nghiệp cũng từ đấy đi lên. Còn với suy nghĩ của một người mẹ, một người phụ nữ, chị Cúc - vợ anh Thông lại nhắc nhiều đến những ngày mưa, con em cả xóm phải tập trung lên chiếc xe máy cày để đến trường chứ xe máy chẳng thể nào vượt qua nổi con đường bùn đất lầy lội.
Thế nên, ngay khi có chủ trương làm đường, vợ chồng anh đã nhanh chóng đứng ra ủng hộ, hiến đất. Vợ chồng anh còn tự tay chặt gốc cà phê, tạo điều kiện thuận lợi để máy móc thi công. Hơn 500 m đất mặt đường, anh Thông bảo lấy vào bao nhiêu mét cũng được, miễn là có được con đường đi thông thoáng cho bà con, bởi anh quan niệm: con người giàu vì ruộng chứ chẳng ai giàu vì bờ. Tổng cộng, anh đã hiến hơn 3.000 m
2 đất để có được con đường hôm nay.
Nhìn ra con đường trải bê tông khang trang ngay trước mặt nhà, anh Thông không giấu nổi niềm phấn khởi, bởi bản thân anh biết rõ mình được và mất gì. “Lợi ích này chẳng phải lợi ích mà riêng mình có được, mà là của tất cả mọi người. Phải có người đứng ra hiến đất thì các thôn mới có con đường. Nhà nước đã tạo điều kiện đầu tư, mình muốn có đường đi mà không chịu hiến đất thì đến bao giờ mới có đường đẹp” - anh chia sẻ.
Cuối năm vừa rồi, con đường nối từ hồ Hang Hớt đến khu vực trung tâm thôn Hang Hớt cũng đã được đổ bê tông. Đây là con đường đi băng qua đất vườn của anh Bùi Xuân Nhật (37 tuổi), nhưng đây không phải là lần đầu tiên anh Nhật sẵn sàng hiến đất làm đường. Cách đây 7 năm, con đường đất kéo dài 400 m nhưng chỉ có chiều rộng 2 m đi ngang vườn nhà được anh lần lượt mở rộng thêm để bà con dễ vận chuyển nông sản. Ở thời điểm mà mỗi tấc đất đã thành mỗi tấc vàng, khi được hỏi rằng anh có tiếc không, anh chỉ trả lời chân chất rằng: “Nói thật là chúng tôi ở đây làm nông nghiệp, mà đường không có thì vác bao phân cũng khổ. Có đường thì mình cũng được hưởng lợi, làm lụng cũng nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn”.
Khu vực 4 thôn gồm Cổng Trời, Hang Hớt, Buôn Chuối, Thực Nghiệm nhiều năm liền là nỗi lo của cấp ủy, chính quyền xã Mê Linh không chỉ bởi nơi đây tập trung phần lớn đồng bào DTTS mà còn bởi hệ thống đường giao thông khó khăn cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Nhưng nhờ có những con đường được xây dựng nên từ những con người sẵn sàng hy sinh lợi ích vì cộng đồng như anh Thông, anh Nhật,... mà Cổng Trời, Hang Hớt, Buôn Chuối bây giờ đã hết cảnh bà con bì bõm trên những cung đường sình lầy, thay vào đó là cảnh trẻ thơ tung tăng đến trường. Bà con tích cực trồng dâu nuôi tằm, để không phải mãi đói nghèo trên chính mảnh đất cha ông mình để lại.
“Đám trẻ không còn phải đi bộ xuống trung tâm học con chữ như mình trước kia nữa. Bà con đau ốm không còn phải lội bùn lầy mới tới được trạm để khám, lấy thuốc. Bây giờ đường sá thuận tiện, trời mưa hay nắng thì bà con cũng dễ dàng đến khám bệnh, tiêm phòng. Những ca cấp cứu đã được kịp thời đưa lên tuyến trên để không còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc vì chậm trễ. Sức khỏe của người dân nhờ thế cũng được ổn định, đảm bảo hơn”, Y sĩ Dơng Gur Ha Bích công tác tại phân Trạm Y tế xã Mê Linh (thôn Hang Hớt) chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh, con đường được xây dựng không chỉ là một trong những yếu tố giúp Mê Linh hoàn thành những chỉ tiêu nông thôn mới mà còn tạo sự đột phá cho khu vực vốn còn nhiều khó khăn. Có đường sá, thông thương thuận lợi, bà con mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Mà minh chứng cụ thể nhất có thể thấy được chính là giá trị đất, giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích ngày một tăng lên.
Một không khí mới, tươi sáng và phấn khởi hơn đã dần hiện hữu ở những thôn không chỉ nghèo, mà còn từng là điểm nóng về trật tự an ninh xã hội này. Ở đó, mỗi bàn tay đều góp phần xây đắp nên diện mạo đó, từ chính sự đồng thuận của lòng dân.
H.THẮM - V.QUỲNH