Khốn khổ vì mua tài sản phát mãi

04:07, 24/07/2020

Cùng một thửa đất nhưng ngân hàng thì phát mãi cho một người để thu hồi nợ, cơ quan thi hành án thì bán thông qua hình thức đấu giá cho một người khác để thi hành bản án...

Cùng một thửa đất nhưng ngân hàng thì phát mãi cho một người để thu hồi nợ, cơ quan thi hành án thì bán thông qua hình thức đấu giá cho một người khác để thi hành bản án. Đến hiện tại, sau gần 8 năm, cả 2 người mua tài sản này đều đang rơi vào tình cảnh khốn khổ. Bởi lẽ, một người thì chưa nhận được tài sản đã mua, người kia thì phải hầu tòa. 
 
TAND huyện Di Linh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự “kiện tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án” ngày 23/6/2020
TAND huyện Di Linh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự “kiện tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án” ngày 23/6/2020
 
Cuối tháng 6/2020, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Di Linh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự “kiện tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án”. Nguyên đơn là ông Nguyễn Viết Tư - chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc và bị đơn là vợ chồng ông Mai Văn Bình, bà Bùi Thị Thanh, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Tạ Hữu Bằng (vợ là Vũ Thị Lượt) và ông Đinh Xuân Kình.  
 
Kết quả, TAND huyện Di Linh đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự Bảo Lộc. Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đã ký giữa ông Mai Văn Bình, bà Bùi Thị Thanh và ông Tạ Hữu Bằng, bà Vũ Thị Lượt, về việc chuyển nhượng quyền sử dụng 15.930 m2 đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa 17, Tờ bản đồ số 4, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, được Văn phòng Công chứng Di Linh công chứng là vô hiệu toàn bộ. Căn cứ để TAND huyện Di Linh đưa ra quyết định trên là tại thời điểm ông Bình, bà Thanh ký hợp đồng chuyển nhượng cho vợ chồng ông Bằng, bà Lượt vào ngày 15/10/2012, thì tài sản này đã bị kê biên để đảm bảo thi hành án theo Quyết định cưỡng chế số 26/QĐ-CCTHA ngày 12/9/2012 và biên bản kê biên tài sản ngày 20/9/2012 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc. Việc chuyển nhượng tài sản đã bị kê biên là vi phạm điều cấm của pháp luật, giao dịch giữa các bên đối với tài sản đã bị kê biên vô hiệu ngay tại thời điểm giao kết. 
 
Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa, TAND huyện Di Linh đã không xem xét các chứng lý mà ông Tạ Hữu Bằng cũng như luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bằng đưa ra. Theo ông Bằng, nguồn gốc của lô đất là vợ chồng ông mua trực tiếp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hòa Ninh. Đây là tài sản do ông Bình, bà Thanh thế chấp để vay tiền nhưng không có khả năng trả nợ nên Ngân hàng đã bán tài sản thế chấp để thanh toán nợ vay. Ông Bình, bà Thanh cũng đã có biên bản ủy thác cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hòa Ninh xử lý tài sản để bảo đảm nợ vay. “Quá trình tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng, tôi hoàn toàn không biết tài sản trên đã bị kê biên. Hơn nữa, khi bị khởi kiện, qua thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ, tôi nhận thấy Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc kê biên tài sản không đúng quy định của pháp luật. Điều này đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Di Linh có văn bản kết luận” - ông Bằng khẳng định. 
 
Còn theo luật sư Đinh Văn Sơn - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Bằng, quá trình thi hành án, ông Bình, bà Thanh có yêu cầu Chi cục Thi hành án thành phố Bảo Lộc kê biên tài sản là diện tích đất do UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cấp. Tài sản này cũng chính là tài sản bảo đảm nghĩa vụ trả nợ khi hai bên vay tiền đã thỏa thuận. Nhưng chấp hành viên không thực hiện là vi phạm khoản 4 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14 ngày 26/7/2010 về kê biên, xử lý tài sản để thi hành án. Hơn nữa, tài sản mà ông Bằng mua là tài sản được thế chấp trước khi có quyết định của TAND thành phố Bảo Lộc cũng như quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc. Do đó, Ngân hàng có quyền bán tài sản để thực hiện việc thanh toán khoản nợ của bà Thanh, ông Bình mà không phụ thuộc bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào. Quá trình cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản, chấp hành viên không xác minh xem tài sản này có thế chấp hay không, giá trị thế nào nhưng đã tiến hành cưỡng chế kê biên là trái pháp luật. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 55 Luật Thi hành án năm 2008 thì khi xác định người phải thi hành án có tài sản, nơi ở tại địa phương khác thì phải ủy thác thi hành án. Việc chấp hành viên không thực hiện việc ủy thác mà tự mình thực hiện kê biên tài sản của người phải thi hành án ở địa phương khác là trái pháp luật.
 
Trước khi phiên tòa diễn ra, ngày 16/6/2020, chấp hành viên Nguyễn Viết Tư đã có đơn yêu cầu TAND huyện Di Linh hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Lâm Đồng (do Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc ủy quyền) với ông Đinh Xuân Kình đối với quyền sử dụng 15.930 m 2 đất và tài sản gắn liền trên đất tại thửa số 17, Tờ bản đồ số 4, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh. Lý do, tại thời điểm bán đấu giá, tài sản này đã được chuyển nhượng và đã được UBND huyện Di Linh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông bà Tạ Hữu Bằng, Vũ Thị Lượt. Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa diễn ra vào ngày 23/6/2020, chấp hành viên Nguyễn Viết Tư đã rút đơn yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản này(!?).
 
Ngay khi nhận được bản án của TAND huyện Di Linh, ông Bằng đã có đơn kháng án gởi TAND tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, ông Bằng cho biết: Trước khi phiên tòa diễn ra, ông đã có đơn gởi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tố cáo việc quyết định kê biên tài sản của chấp hành viên Chi cục Thi hành án thành phố Bảo Lộc đối với tài sản là thửa đất 17, tờ bản đồ số 4, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh là trái luật. Hiện tại, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đang tiến hành điều tra vụ án theo thủ tục tố tụng hình sự.
 
NHÓM PV