Mặc dù đã có nhiều biện pháp cứng rắn, song vấn đề quản lý, bảo vệ rừng nói chung và việc trồng lấn chiếm đất lâm nghiệp nói riêng ở Lâm Hà hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Mặc dù đã có nhiều biện pháp cứng rắn, song vấn đề quản lý, bảo vệ rừng nói chung và việc trồng lấn chiếm đất lâm nghiệp nói riêng ở Lâm Hà hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều diện tích rừng ở Lâm Hà bị lấn chiếm |
Dù có nhiều biện pháp mạnh tay để xử lý nhưng thực tế trên địa bàn huyện vẫn liên tiếp diễn ra các vụ phá rừng, đặc biệt vụ sau thường có quy mô còn lớn hơn vụ trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2019, toàn huyện đã có 549 vụ vi phạm, lấn chiếm 225,28 ha đất lâm nghiệp.
Theo UBND huyện Lâm Hà, thời gian qua trên địa bàn xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ phá rừng tại xã Tân Thanh làm chết 3.438 cây thông ba lá trồng từ năm 2002 trên diện tích 101.050 m2, lâm tặc ngang nhiên mở tới 3 km đường xuyên rừng tại TK 286A, TK 287; hay vụ đối tượng manh động, chống người thi hành công vụ tại TK 243A xã Phi Tô năm 2016 đã làm 1 cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà tử vong…
Để mất rừng nhiều nhất ở Lâm Hà phải kể đến việc khoán đất lâm nghiệp theo Nghị định 135 của Chính phủ với 148 trường hợp/1.781,53 ha (gồm quản lý bảo vệ rừng 84 ha; trồng rừng 1.697,53 ha). Qua kiểm tra, có nhiều hộ gia đình, cá nhân được giao khoán rừng và đất lâm nghiệp nhưng để xảy ra phá rừng, lấn chiếm, san ủi, làm nhà, sang nhượng trái pháp luật trên diện tích nhận khoán. Trong đó, 143/148 hợp đồng không thực hiện đúng phương án và hợp đồng đã ký kết, để diện tích rừng bị mất là 16/84 ha. Diện tích trồng rừng thực tế là 551,82 ha/1.697,53 ha, diện tích còn lại chủ yếu trồng cà phê và một số cây nông nghiệp khác.
Ngoài ra, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh và Nam Ban (trước đây) đồng ý cho chuyển nhượng thành quả đầu tư đối với 17 hợp đồng giao khoán trồng rừng/819,27 ha. Các trường hợp này không thực hiện đúng phương án được phê duyệt và hợp đồng đã ký kết, để đất bị lấn chiếm, không trồng rừng theo hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, khi thanh lý và cho phép chuyển nhượng, các ban quản lý rừng không xử lý đối với diện tích để bị lấn chiếm, không thực hiện đúng hợp đồng và cho phép chuyển nhượng sang 18 hợp đồng/397,14 ha. Mặc dù UBND huyện Lâm Hà đã có yêu cầu xử lý nhưng các đơn vị vẫn không thực hiện. Sự buông lỏng quản lý này có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Việc không xử lý dứt điểm những vi phạm dẫn đến đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong thời gian dài, gây khó khăn trong việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và trồng lại rừng ở Lâm Hà.
Ông Hoàng Sỹ Bích, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho rằng, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của huyện là 36.544 ha, đến nay, trên địa bàn huyện diện tích đất có rừng còn khoảng 22.837 ha và chỉ ở xã Phú Sơn có diện tích tập trung khoảng trên 10.000 ha, còn lại có diện tích nhỏ lẻ, xen kẽ rải rác tại 13 xã và 2 thị trấn trên địa bàn. Vì vậy, rất khó khăn trong việc thực hiện quản lý bảo vệ. Huyện đã quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, truy quét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua đó, đã ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, các vụ vi phạm vẫn còn xảy ra với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, dẫn đến tình hình vi phạm phá rừng, lấn chiếm, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn xảy ra, một số vụ vi phạm xảy ra chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Trước tình hình đó, cơ quan chức năng huyện Lâm Hà đã thực hiện đồng bộ các giải pháp: điều tra, xử lý nghiêm vi phạm, trồng lại rừng ngay đối với diện tích bị lấn chiếm, chặt phá; trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích sản xuất nông nghiệp trong quy hoạch lâm nghiệp. Đề cập về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẳng định, địa phương đã có những biện pháp “mạnh tay” trong xử lý các vụ việc và tội phạm về rừng. Trong quá trình kiểm tra, điều tra, nếu phát hiện lâm tặc hoặc ai bao che sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Địa phương nào để rừng, đất rừng bị thiệt hại do tác động trái phép thì cấp ủy đảng, bí thư đảng ủy, tập thể lãnh đạo UBND và chủ tịch UBND xã, thị trấn, chủ rừng, hạt trưởng hạt kiểm lâm, các tổ chức, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện.
Về lâu dài, Lâm Hà xây dựng đề án trồng rừng giai đoạn 2020- 2025 hiệu quả, có tính khả thi gắn với thực hiện đề án chống “gặm nhấm”, lấn chiếm đất rừng và khôi phục diện tích rừng bị lấn chiếm. Đặc biệt, đẩy mạnh việc trồng rừng sau giải tỏa. Đối với doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng, địa phương sẽ kiên quyết thu hồi các dự án không thực hiện đầu tư theo phương án, hay quản lý rừng, đất rừng thiếu hiệu quả. Đặc biệt, đối với công tác trồng xen cây lâm nghiệp bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp, cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng trồng xen, không phân biệt đối tượng lấn chiếm để triển khai đồng bộ công tác phát triển rừng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm theo hình thức nông lâm kết hợp. Kiên quyết giải tỏa đối với các hộ dân không thực hiện trồng xen cây lâm nghiệp theo quy định...
HOÀNG YÊN - HOÀNG MY