Lên Đà Lạt mua rau sạch tại vườn

06:07, 07/07/2020

Những dịp cuối tuần, đến các nông trại ở Đà Lạt, rất dễ gặp những du khách đến từ TP Hồ Chí Minh tới tham quan và mua rau sạch.

Những dịp cuối tuần, đến các nông trại ở Đà Lạt, rất dễ gặp những du khách đến từ TP Hồ Chí Minh tới tham quan và mua rau sạch.
 
Người dân từ TP Hồ Chí Minh chỉ đến tận vườn mua rau ở đơn hàng đầu tiên, sau đó sẽ đặt hàng qua điện thoại
Người dân từ TP Hồ Chí Minh chỉ đến tận vườn mua rau ở đơn hàng đầu tiên, sau đó sẽ đặt hàng qua điện thoại
 
“Ngửi đất” mua rau
 
Là vị khách tới từ TP Hồ Chí Minh lên Đà Lạt tìm hiểu, mua rau sạch thường xuyên, bà Hồ Hải Yến (40 tuổi) giải thích: “Có thể rau ngoài chợ, siêu thị bán đúng chất lượng nhưng mình không thể truy xuất được nguồn gốc rau nên mình cứ lo lo. Quan điểm của mình bây giờ là mắt thấy tai nghe. Đủ các yếu tố ấy mình sẽ tin”.
 
Bà Yến nói thêm, chỉ trong hai ngày cuối tuần vừa qua bà đã đến 6 nông trại ở nội ô Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương để tìm hiểu. Vốn là kỹ sư sinh học lại thêm lần mất niềm tin do một trang bán nông sản qua mạng, bà trở nên cẩn thận. “Lá cây phủ lớp bột trắng, xám tức là chủ vườn tưới phân nhiều quá” - bà Yến lý giải.
 
Ở một nông trại tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng đóng chân trên địa bàn huyện Lạc Dương, bà Đỗ Quỳnh Trang (36 tuổi, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) lần dò chụp lại các chứng nhận từ vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản xuất nông nghiệp quy trình VietGAP, các giấy tờ liên quan đến phân tích mẫu nông sản. Bà chia sẻ, 2 năm gần đây, bà thường đến tận nhà vườn tại Đà Lạt mua rau và giới thiệu cho bạn bè, người thân cùng mua. Cứ vài tháng bà lại bất ngờ đến vườn để lấy mẫu hoặc nhờ bạn tại Đà Lạt lấy mẫu mang đi phân tích. “Cả nhóm bạn bè, người thân cùng góp tiền phân tích mẫu rau nên không tốn kém bao nhiêu, chỉ vài trăm nghìn nhưng an tâm. Mình nghĩ nhà vườn thấy mình kỹ càng cũng có phần e dè nếu có ý chăm bón cây cẩu thả” - bà Trang nói. 
 
“Chợ” rau tại vườn
 
Ông Nguyễn Định, chủ nông trại Định Farm (Phường 8, TP Đà Lạt) cho hay: “Cách đây 2 năm, lần đầu tiên gặp mấy chị từ TP Hồ Chí Minh lên hỏi mua rau hàng tuần, tôi cũng bất ngờ. Sau người ta tới nông trại đặt vấn đề mua rau kiểu đó ngày càng nhiều. Riết rồi bây giờ cả vườn rau đủ chủng loại của tôi không có bán cho vựa hay thương lái nào cả, chuyên đóng gửi đến tận các gia đình ở TP Hồ Chí Minh. Những lần đầu tôi cũng như nhiều chủ vườn khác, ngại chuyện cho lấy mẫu phân tích vì sợ có những phân tích không chính xác rồi sinh chuyện không hay, ảnh hưởng tới uy tín nhà vườn. Một thời gian sau mới thấy quen với việc bị khách hàng giám sát chặt và cũng không còn để tâm nữa, cứ đúng mà làm, cây ngay không lo… chết”.
 
Ông Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến (Đà Lạt), trần tình: “Mấy cô ở TP Hồ Chí Minh tới vườn mua rau kỹ tính hơn cả mấy chủ vườn. Mình có phân tích mẫu định kỳ rồi nhưng khách chỉ tham khảo. Mỗi năm họ tới vừa thăm vài lần theo việc lấy mẫu. Nhờ họ chặt chẽ nên mình trồng rau cẩn thận hơn trước, nhật ký nông trại không được lơ là ngày nào. Nhờ vậy mà nông trại phát triển hơn, ký thêm được vài hợp đồng lớn chuyên cung cấp nông sản cao cấp với nhiều đòi hỏi khắt khe về độ sạch và chất lượng”. 
 
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh có khoảng 17.000 ha nông sản, trong đó có 13.000 ha nông nghiệp công nghệ cao; trong đó có gần 3.000 ha nông sản đạt chuẩn Viet GAP và các tiêu chuẩn khác cao hơn như Global GAP, Organic, còn lại đạt chuẩn Rau An toàn. 99% mẫu rau kiểm tra định kỳ và đột xuất tại TP Đà Lạt và các vùng nông sản lân cận trong năm 2017 đều có các tiêu chí phù hợp với quy định hiện hành. Các mẫu phân tích đều cho kết quả mức dư lượng thấp hơn so với cách nay 2 năm

Nhiều khách hàng ký hợp đồng, đặt tiền mua rau trước từ 3 đến 6 tháng nên ông Khẩn dùng số tiền đặt cọc để mở thêm diện tích dành riêng cho những khách hàng này và chỉ trồng đúng những loại rau như đã hợp đồng trước. Ông Khẩn có ý tưởng đề nghị những khách hàng mua rau lâu dài lắp thêm camera ngay tại những khoảnh vườn đã dành riêng cho họ để họ tiện theo dõi từ xa. 

 
Theo đại diện các hãng giao nhận hàng hóa bằng đường bộ tuyến Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, lượng nông sản chuyển từ Đà Lạt đi chiếm từ 2 đến 5% hàng hóa mỗi ngày. Vì lượng nông sản chuyển từ vườn đi các tỉnh lớn, hơn 10 tấn/ngày nên các hãng mở thêm dịch vụ nhận hàng ngay tại vườn. Chủ vườn tổ chức sơ chế và đóng gói xong, xe của các hãng vận chuyển sẽ đưa đến tận nhà người mua. 
 
Ông Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc Công ty An Phú Đà Lạt, cho biết: “Nhà vườn giờ mua bán sôi động như chợ rau. Có điều, “chợ rau” ngay tại vườn giúp khách có điều kiện giám sát sản xuất chặt và yêu cầu chất lượng cao hơn. Do đó, giá rau cũng khác, bằng giá chợ, siêu thị tại TP Hồ Chí Minh hoặc cao hơn khoảng 20% dù mua bán ngay tại vườn. Ông Nguyên kể, ngày nào cũng có khách đến cắt một lượng rau nhỏ làm mẫu phân tích. Hiện có nhiều khách hàng đề nghị có những khoảnh rau chỉ dành riêng cho họ. “Thông qua cách này họ muốn giám sát sản lượng, tránh chuyện nhà vườn đi mua rau chỗ khác đấu trộn vô rau “chính chủ”. Người tiêu dùng mỗi lúc một thông minh và kỹ tính”, ông Nguyên nói. 
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn cho biết, du lịch canh nông là khởi nguồn của việc khách hàng ở những tỉnh cách xa Đà Lạt hàng trăm cây số tìm đến tận vườn mua rau. Tỉnh Lâm Đồng nói chung và TP Đà Lạt nói riêng khuyến khích nông dân mời khách đến tận vườn tham quan, cung cấp đủ những chứng lý về chất lượng cho du khách. “Chúng tôi nhìn nhận, thương hiệu cá nhân trong sản xuất nông sản rất quan trọng, tại các siêu thị lớn có tiêu thụ rau của Đà Lạt thì tên vườn, tên người sản xuất được tạo điều kiện xuất hiện. Người nông dân có tự trọng và chịu sự giám sát chặt, liên tục từ người tiêu dùng sẽ trồng rau ngày càng sạch hơn, quy trình phải tân tiến hơn” - ông Sơn đánh giá.
 
C.PHONG - G.THỊNH