Người dân Sơn Điền vẫn thiếu nước sinh hoạt

01:07, 22/07/2020

Đã nhiều năm nay, một số hộ dân ở xã vùng sâu Sơn Điền, huyện Di Linh luôn phải sống trong cảnh khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong mùa khô hạn. 

Đã nhiều năm nay, một số hộ dân ở xã vùng sâu Sơn Điền, huyện Di Linh luôn phải sống trong cảnh khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong mùa khô hạn. 
 
Khảo sát vị trí người dân hiến đất để khoan giếng
Khảo sát vị trí người dân hiến đất để khoan giếng
 
Là xã miền núi có địa hình khá phức tạp, dân cư sống không tập trung… và để  duy trì sinh hoạt hàng ngày, người dân Sơn Điền phải tận dụng nguồn nước từ các khe suối không đảm bảo chất lượng. Mặc dù những năm qua, ngoài công trình giếng khoan phục vụ các đơn vị trường học thì xã Sơn Điền đã được  Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng một số công trình nước sinh hoạt tự chảy, công trình giếng khoan cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc Chương trình 134, song nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh vẫn không đủ cung cấp cho toàn bộ người dân. 
 
Theo thống kê, trong số 299 hộ dân thuộc 3 thôn ở khu vực trung tâm xã (gồm Bờ Nơm, Kon Sỏ và Đăng Kao) thì chỉ có 98 hộ được sử dụng nước từ công trình nước sinh hoạt tự chảy, 40 hộ sử dụng giếng khoan, 42 hộ sử dụng giếng đào và số còn lại 119 hộ sử dụng nguồn nước từ các khe suối… Tiềm năng công trình nước sinh hoạt tự chảy của địa phương khá lớn, nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp là do một số nguyên nhân như: công trình thỉnh thoảng bị mưa lớn, đất đá vùi lấp đập đầu mối cũng như bị lũ quét tác động, ý thức sử dụng nguồn nước của một số hộ dân còn hạn chế… dẫn đến việc cấp nước cho bà con bị ảnh hưởng, nên vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người dân. 
 
Tương tự, Ka Liêng là một trong hai thôn nằm ở khu vực cao của Sơn Điền, trong số 166 hộ dân trong thôn thì hiện nay chỉ có khoảng 50 hộ được sử dụng nước từ giếng đào và 1 hộ sử dụng giếng khoan. Còn ở  thôn Giang Pàr, ngoài công trình giếng khoan của Chương trình 134 và công trình giếng khoan thuộc các chương trình từ thiện, để có nước sinh hoạt hàng ngày, một số hộ dân có điều kiện phải tự bỏ tiền ra đầu tư khoan, đào giếng, nên số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới có 140/215 hộ. 
 
 Chị Ka Nhởm ở thôn Giang Pàr chia sẻ: “Trước đây, thôn chúng tôi được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình giếng khoan để cung cấp nước sạch chỉ có khoảng 40 hộ được sử dụng, nhưng nay đã mở rộng thêm cho các hộ khác trong vùng  dùng chung, nên vào mùa khô giếng thường thiếu nước dẫn đến không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho bà con”. Còn chị Ka Hương cũng bày tỏ: “Thời gian qua, trước tình cảnh giếng khoan bị thiếu nước, còn giếng đào nước bị cạn, gia đình tôi và một số hộ dân trong vùng phải đi gùi nước sinh hoạt, tắm giặt từ khe suối, dù biết không đảm bảo vệ sinh nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”.  
 
Trước thực trạng người dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong mùa khô, vào cuối tháng 4/2020, đại diện một số đơn vị từ thiện từ TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Sơn Điền tiến hành khảo sát thực địa, vị trí khoan giếng, nhưng do thủ tục đầu tư rườm rà, vướng mắc nên đơn vị này quyết định chuyển vốn đầu tư cho tỉnh khác. 
 
Theo thống kê mới nhất của UBND xã Sơn Điền về tình hình các hộ dân sử dụng nước sinh hoạt trong mùa khô vừa qua, trong số 680 hộ dân trên địa bàn xã Sơn Điền thì hiện tại chỉ có 381 hộ có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để dùng, trong đó có 101 hộ sử dụng từ công trình nước sinh hoạt tự chảy, 147 hộ sử dụng giếng khoan, số hộ sử dụng giếng tự đào có 132 hộ. Còn lại khoảng 300 hộ ở các thôn vẫn đang sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
 
 Ông K’Xuân - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Điền, cho biết: Tình hình nước sinh hoạt trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các thôn nằm ở khu vực cao như Ka Liêng và Giang Pàr. Vào mùa khô nhiều hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh trầm trọng. Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân thường đi gùi nước từ các khe suối, dẫu biết rằng dùng nguồn nước này không đảm bảo chất lượng vệ sinh bởi xung quanh đều là vườn rẫy cà phê của bà con, nên không tránh khỏi nguồn nước bị nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và kể cả chất thải của vật nuôi…
 
NDONG BRỪM