Mục tiêu tinh giản biên chế 10% theo tỷ lệ quy định cho giai đoạn 2015-2021 của Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với biên chế sự nghiệp trong ngành Giáo dục và Y tế.
Mục tiêu tinh giản biên chế 10% theo tỷ lệ quy định cho giai đoạn 2015-2021 của Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với biên chế sự nghiệp trong ngành Giáo dục và Y tế.
|
Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa huyện Đức Trọng |
5 năm, tinh giản 394 trường hợp
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, tỉnh trong những năm qua đã thực hiện việc quản lý và sử dụng biên chế công chức cùng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đúng quy định theo Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức và Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ qui định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Hiện biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được giao đúng theo số lượng đã được Bộ Nội vụ thẩm định và Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Cụ thể, tỉnh giao năm 2015 là 2.773 biên chế công chức, đến năm 2017 số biên chế công chức được giao này giảm xuống còn 2.731 và đến năm 2019 vừa qua là 2.596 biên chế, giảm 6,4% so với năm 2015. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, vừa qua, số công chức biên chế đang làm việc là 2.423 người.
Với các đơn vị sự nghiệp công lập, số biên chế sự nghiệp được giao năm 2015 là 28.970 người; đến năm 2017 số được giao giảm xuống 28.775 người và đến năm 2019 vừa qua là 28.050 người, giảm 3,2%. Tính đến thời điểm cuối năm 2019, Lâm Đồng có 29.706 người đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, trong số đó đã có 23.644 trường hợp đã được tuyển dụng; số người còn lại có 1.409 trường hợp hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP (quy định việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp) và 4.653 trường hợp hợp đồng theo các hình thức khác.
Với những trường hợp hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao số lượng hợp đồng cho các cơ quan tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh và cho Ban Quản lý Trung tâm hành chính tỉnh để bố trí lái xe chung. Trong năm 2015 tỉnh chưa có quyết định giao, năm 2017 tỉnh giao số lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP trong các cơ quan, tổ chức hành chính là 70 người; năm 2019 UBND tỉnh đã giảm số người được giao này xuống còn 36 người.
Hiện nay thực hiện theo quy định của Nghị định 161/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2019/TT-BNV, UBND tỉnh đã không tiếp tục thực hiện giao số lượng người làm việc theo chế độ hợp đồng không thời hạn theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP nữa; đồng thời yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh căn cứ vào nhu cầu, khối lượng và tính chất công việc để xác định cụ thể chỉ tiêu số lượng hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP trên sao cho phù hợp tình hình thực tế của đơn vị trên cơ sở tự cân đối tài chính trong dự toán chi thường xuyên ngoài quỹ lương hằng năm của đơn vị.
Từ tháng 1/2019 tất cả các cơ quan, tổ chức hành chính trong tỉnh đã chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Tính trong giai đoạn 2015 - 2019, Lâm Đồng đã thực hiện tinh giản biên chế tổng cộng 394 người với tổng kinh phí 42,8 tỷ đồng theo quy định
Trong đó, các cơ quan, tổ chức hành chính từ cấp huyện đến cấp tỉnh có 101 trường hợp tinh giản (gồm 91 người nghỉ việc trước tuổi và 10 người thôi việc ngay); trong các đơn vị sự nghiệp có 201 người tinh giản (gồm 184 người nghỉ hưu trước tuổi và 17 người thôi việc ngay); cán bộ, công chức có 56 trường hợp tinh giản (gồm 37 người nghỉ hưu trước tuổi và 19 người thôi việc ngay) và trong khối Đảng, đoàn thể có 36 trường hợp tinh giản (gồm 34 người nghỉ hưu trước tuổi và 2 người thôi việc ngay).
Những khó khăn
Như đánh giá của Sở Nội vụ, việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Trung ương đã được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tuân thủ nghiêm. Hầu hết các đơn vị, địa phương đã xây dựng đề án tinh giản biên chế trong 7 năm tính từ năm 2015-2021 và từng năm trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt để thực hiện, trong đó theo yêu cầu phải xác định giảm đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của tất cả các đơn vị sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, như ngành chức năng tỉnh đánh giá, trong tinh giản biên chế theo quy định hiện nay, rất nhiều những người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn còn xem nhẹ ý nghĩa của công tác này, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của đơn vị mình, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Cùng đó, nhiều đơn vị theo nhận xét của tỉnh, coi mục tiêu tinh giản biên chế chỉ đơn giản là giảm cơ học một số lượng biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà chưa gắn với thực hiện các nội dung về cải cách chế độ công vụ, công chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ.
Cái khó nữa là một số bộ, ngành chưa ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành; chưa hướng dẫn thi hoặc xét thăng hạng đối với viên chức chuyên ngành; chưa hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực phụ trách. Công tác đánh giá công chức, viên chức nhiều nơi còn hình thức, chưa thực sự phân loại và đưa ra khỏi đội ngũ những người kém về năng lực, trình độ chuyên môn, không đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm.
Như tỉnh đánh giá, mục tiêu giảm 10% biên chế theo quy định trong thực tế gặp phải không ít những khó khăn, đặc biệt là trong 2 ngành Giáo dục và Y tế. Cho đến nay, 2 ngành này đang chiếm tỷ lệ rất lớn, trên 94% tổng số biên chế sự nghiệp của toàn tỉnh.
Với ngành Giáo dục, việc sắp xếp biên chế phải theo nguyên tắc tỷ lệ giáo viên đứng lớp cùng tỷ lệ học sinh; với ngành Y tế, việc sắp xếp biên chế cũng tuân theo tỷ lệ y, bác sỹ / tổng số giường bệnh. Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội thì nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân trong tỉnh ngày càng tăng cao; chính vì vậy, việc cắt giảm biên chế theo quy định trong hai ngành này như Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, gặp phải rất nhiều vướng mắc.
VIẾT TRỌNG