Nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi

04:07, 21/07/2020

Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, già làng K'Mét ở Thôn 1, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) không chỉ là tấm gương tiêu biểu điển hình làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà già còn là người năng nổ trong công tác xã hội tại địa phương.

Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, già làng K’Mét ở Thôn 1, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) không chỉ là tấm gương tiêu biểu điển hình làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), mà già còn là người năng nổ trong công tác xã hội tại địa phương.
 
Hiện nay, trồng dâu, nuôi tằm là nghề chủ lực của gia đình già K’Mét
Hiện nay, trồng dâu, nuôi tằm là nghề chủ lực của gia đình già K’Mét
 
Với hơn 1,5 ha đất canh tác chè, cà phê, nhưng nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cụ thể trong việc chuyển đổi giống mới, nên năng suất các loại cây trồng của gia đình già K’Mét ngày càng được nâng lên. Từ lao động sản xuất, gia đình già K’Mét đã có của ăn, của để, chăm lo tốt cho con cái ăn học và đầu tư xây dựng ngôi nhà khá khang trang.  
 
Già làng K’Mét chia sẻ: Với vai trò là người cán bộ từng tham gia trong ngành giáo dục và nay là Chi hội trưởng hội chữ thập đỏ của thôn, bản thân và gia đình luôn gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi vậy phải có tinh thần xây dựng tổ chức hội và giúp đỡ những hộ khó khăn biết tự giác nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, mình phải gương mẫu, tận tụy với công việc để hướng cho con cháu cũng như bà con trong thôn, xóm noi theo. 
 
Vậy là năm 2014, nhận thấy đây là thời điểm phong trào trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh ở địa phương, già K’Mét lại vận động gia đình chuyển đổi một số diện tích chè, cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh sang trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, gia đình già  Mét đã phát triển 9 sào dâu, chỉ giữ lại 5 sào cà phê và 1,5 sào chè giống cao sản. 
 
Với 9 sào dâu và tùy theo mùa nhưng trong thời điểm hiện tại thì gia đình già K’Mét có thể nuôi đến 6 hộp tằm con/tháng. Mặc dù, do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên những hộ trồng dâu nuôi tằm cũng gặp khó khăn nhất định bởi giá kén giảm xuống còn khoảng 70.000 đồng/kg nhưng già K’Mét vẫn bám theo nghề. “Từ ngày tôi chuyển đổi sang trồng dâu, nuôi tằm, tôi đã xác định đây là nghề chủ lực trong phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nó mà gia đình tôi đã trang bị các nông cụ phục vụ sản xuất và vật dụng sinh hoạt có giá trị. Còn chè thu được từ 2-3 tấn chè búp tươi/năm chỉ phụ họa, hỗ trợ và hàng năm bình quân thu cà phê đạt 2,7 tấn cũng chỉ dành tích lũy”, già K’ Mét khẳng định.
 
Có thể khẳng định rằng, trước đây, đời sống của bà con DTTS nơi đây còn nhiều khó khăn, đất đai sản xuất ít, đa số đi làm thuê thu hái chè cho các công ty và đến chiều tối mới được về nhà. Giờ hàng ngày, những hộ trồng dâu, nuôi tằm, họ không còn cảnh đi làm thuê, thay vào đó là ở nhà hái lá dâu, nuôi tằm; đồng thời tận dụng thời gian rảnh rỗi để chăm lo công việc trong gia đình.
 
Theo thống kê sơ bộ của già làng K’Mét, Thôn 1 hiện có trên 100 hộ dân, trong đó khoảng 10 hộ đồng bào DTTS theo nghề trồng dâu, nuôi tằm. Là một trong những người đi trước, ngoài chia sẻ kinh nghiệm, khoa học - kỹ thuật nuôi tằm, ông còn hỗ trợ cho 8 hộ trong vùng về giống dâu, giới thiệu cho bà con cơ sở uy tín cung cấp giống tằm con… 
 
Từ trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống của bà con cũng khá lên trông thấy. Chồng đi làm rẫy, còn vợ thì ở nhà thu hái lá dâu cho tằm ăn cũng có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. 
 
Chính từ mô hình sản xuất đa cây, xoay vòng nhanh này đã góp phần giúp cho thu nhập của gia đình già K’Mét cũng như đồng bào DTTS nơi đây ngày càng được nâng cao, cuộc sống của họ đã trở nên khá giả hơn trước.   
 
Ông K’Nhiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Tân, cho biết: “Với vai trò là già làng tiêu biểu của xã, già làng K’Mét không chỉ năng nổ, luôn có mặt tham gia công tác xã hội tại địa phương, tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới…, mà còn là tấm gương sáng làm kinh tế giỏi cho bà con trong vùng học tập, góp phần xứng đáng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở địa phương”.
 
N.BRỪM