Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng: Nỗ lực giải quyết đúng hạn hồ sơ

03:07, 17/07/2020

Nhiều giải pháp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đưa ra nhằm giải quyết đúng hạn hồ sơ, hạn chế lượng hồ sơ trễ hạn hằng năm, đồng thời nâng chỉ số cải cách hành chính của đơn vị.

Nhiều giải pháp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Lâm Đồng đưa ra nhằm giải quyết đúng hạn hồ sơ, hạn chế lượng hồ sơ trễ hạn hằng năm, đồng thời nâng chỉ số cải cách hành chính của đơn vị.
 
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở KHĐT Lâm Đồng
Tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở KHĐT Lâm Đồng
 
0,5% hồ sơ bị giải quyết trễ hạn 
 
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) Sở KHĐT Lâm Đồng phải thực hiện gồm 128 thủ tục, trong đó có 19 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, gồm 4 thủ tục đấu thầu; 10 thủ tục đầu tư tại Việt Nam; 4 thủ tục đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, 1 thủ tục đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Còn lại 109 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở KHĐT tỉnh. 109 TTHC này gồm 61 thủ tục về thành lập và hoạt động doanh nghiệp; 18 thủ tục đầu tư tại Việt Nam; 15 thủ tục thành lập và hoạt động của hợp tác xã; 8 thủ tục thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xã hội; 7 thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
 
Hầu hết các TTHC thuộc thẩm quyền trên, theo Sở KHĐT đều được hướng dẫn và nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở; các thủ tục được thực hiện theo đúng quy trình một cửa, một cửa liên thông; tất cả hồ sơ tiếp nhận đều được lập phiếu kiểm soát về thời gian giải quyết của từng công đoạn, từng bộ phận, từng sở, ngành xử lý; trong quá trình giải quyết luôn được kiểm soát chặt chẽ. 
 
Trong giải quyết hồ sơ liên thông, Sở lâu nay đã nỗ lực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong giải quyết hồ sơ; chuyển hồ sơ, gửi văn bản tham gia ý kiến đúng thời gian quy định. Đối với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, dữ liệu được chuyển thông qua phần mềm đăng ký kinh doanh quốc gia, các hồ sơ dự án đầu tư gửi hồ sơ và văn bản tham gia ý kiến trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn Đà Lạt; những đơn vị đóng ngoài thành phố sẽ được gửi và nhận qua đường bưu điện và thư công vụ. Sở cũng chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan nhằm kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình tham gia ý kiến. 
 
Sở KHĐT lâu nay cũng thực hiện tốt việc công khai, công bố tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, bao gồm đầy đủ nội dung, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, các văn bản luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, các loại mẫu đơn, mẫu văn bản, tờ khai; đồng thời công khai phí, lệ phí và tất cả các văn bản liên quan khác trên trang mạng điện tử của Sở và tại bộ phận một cửa của Sở tại Trung tâm Hành chính tỉnh.
 
Thống kê cho biết, từ năm 2015 đến 2019, trong thời gian 5 năm, Sở KHĐT Lâm Đồng đã tiếp nhận và giải quyết qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan 25.747 lượt hồ sơ, trong đó có 99,5% hồ sơ được giải quyết sớm và đúng hạn. Tuy nhiên, vẫn còn 151 hồ sơ giải quyết trễ hạn, chiếm tỷ lệ 0,5% trong tổng số hồ sơ.
 
Những giải pháp
 
Có không ít những khó khăn trong công tác giải quyết TTHC hiện nay mà Sở KHĐT Lâm Đồng đang gặp phải. 
 
Lâu nay việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ một cửa của Sở được thực hiện cả trên 2 hệ thống phần mềm điện tử, một phần mềm trên hệ thống điện tử của tỉnh và một trên phần mềm hệ thống chuyên ngành của Bộ KHĐT, do đó rất khó khăn cho công tác tiếp nhận, xử lý và theo dõi giám sát của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan nhà nước. 
 
Ngay cả qui trình kết thúc hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, nguyên do một số hồ sơ đơn vị đã chuyển bằng giấy cho các sở, ngành và tỉnh xem xét, đã ký duyệt kết quả để trả cho tổ chức và công dân, tuy nhiên trên hệ thống thông tin điện tử chưa chuyển về để Sở kết thúc nên trên hệ thống điện tử của tỉnh vẫn thống kê là hồ sơ trễ hạn.
 
Một khó khăn khác là công tác phối hợp, trao đổi thông tin giải quyết công việc giữa Sở với các cơ quan, đơn vị liên quan tuy đã cải thiện rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn không ít trở ngại, nhất là trong thực hiện các TTHC liên thông; một số sở, ngành, địa phương chậm trễ trong tham gia ý kiến, văn bản tham gia ý kiến gửi về chậm hơn so với thời gian quy định, chất lượng tham gia ý kiến chưa đáp ứng theo yêu cầu. 
 
Cùng đó, hiện trên địa bàn Lâm Đồng số lượng các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ pháp lý mang tính chuyên nghiệp chưa nhiều; đa số các tổ chức, cá nhân không trực tiếp đến bộ phận một cửa của Sở mà ủy quyền cho các cá nhân hoặc đơn vị dịch vụ tư vấn không chuyên nghiệp, gây nhiều khó khăn cho công tác hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa của Sở. 
 
Để thúc đẩy việc giải quyết đúng hạn hồ sơ, hạn chế lượng hồ sơ trễ hạn cũng như để nâng điểm chỉ số CCHC hằng năm, Sở KHĐT cho biết sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp trong thời gian đến. 
 
Trước nhất, Sở cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành đối với việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Sở nhằm hạn chế tối đa hồ sơ trễ hạn theo quy định, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu bộ phận. 
 
Sở yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức của đơn vị luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu và áp dụng các qui định hiện hành liên quan đến giải quyết các TTHC, trong giải quyết hồ sơ phải tuân thủ đúng trình tự, đúng thời gian qui định; nếu có gì khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo ban lãnh đạo cơ quan để có biện pháp tháo gỡ.
 
Sở cũng nỗ lực tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông; tiếp tục rà soát các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến TTHC để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bộ TTHC của Sở, đồng thời thường xuyên rà soát bộ TTHC trong lĩnh vực kế hoạch - đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở để bổ sung, sửa đổi kịp thời khi có sự thay đổi cần chỉnh sửa.
 
Sở cũng cam kết giải quyết tốt các phản ánh kiến nghị của các tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết hồ sơ; kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm cũng như kịp thời khen thưởng cán bộ, công chức có thành tích tốt trong giải quyết TTHC.
 
GIA KHÁNH