Mỗi người một cách thức kinh doanh khác nhau, song điểm chung ở họ là sự thân thiện với môi trường.
Mỗi người một cách thức kinh doanh khác nhau, song điểm chung ở họ là sự thân thiện với môi trường.
|
80% nội thất tại Tiệm Cà phê Vĩ Tuyến số 6 được làm từ đồ tái chế |
Đến từ những quốc gia khác nhau, song Lorelle, James hay vợ chồng Nick & Briana chọn kinh doanh là công việc chính để sinh sống và gắn bó ở Việt Nam. Nhưng dù kinh doanh quán cà phê ở Đà Lạt hay bán Pizza ở Langbiang thì những con người này đều lựa chọn cách kinh doanh thân thiện với môi trường.
Tại One More cà phê nằm trên đường Hai Bà Trưng, TP Đà Lạt, cô Lorelle - chủ nhân đến từ nước Úc, luôn muốn tạo ra một địa điểm nơi mà khách lưu trú, dân địa phương và khách du lịch có thể gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò và tận hưởng những món ăn ngon quyện lẫn hương vị quê nhà. Và đặc biệt ở đó, bản cam kết “Hãy quan tâm đến môi trường” được đặt ở mỗi bàn, thể hiện tâm huyết bảo vệ môi trường. Cũng tại One More, cô Lorelle đã thực hiện điều đó thông qua việc phân loại rác thải; sử dụng ống hút không gỉ thay cho ống hút nhựa; sử dụng túi vải đựng thực phẩm, giảm thiểu lượng bao ni lông và không sử dụng các loại ly, muỗng dùng một lần. Ngoài ra, tại One More, các sản phẩm nông sản hữu cơ cũng được bày bán để phục vụ nhu cầu sống xanh của khách hàng.
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, Brew and Breakfast là nhà hàng và cơ sở lưu trú mà nhiều khách du lịch ngoại quốc thường lui tới khi ở Đà Lạt. Chủ nhân của nơi này là cặp vợ chồng Nick & Briana mang quốc tịch Anh. Họ đến và lỡ yêu Đà Lạt nên đã chọn gắn bó với nơi này để theo đuổi đam mê về cà phê ngon, thực phẩm chế biến từ rau củ. Và trong hoạt động luôn hướng đến môi trường. Sự thân thiện ấy ở Brew and Breakfast không chỉ bởi việc nội thất cửa hàng được tạo nên từ các vật dụng tái chế mà còn những nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng cho cà phê và thức ăn ở nơi này. Ngoài cà phê nguyên chất được rang xay tại chỗ, nơi đây luôn có những thực đơn 100% nguồn gốc thực vật phục vụ điểm tâm, bữa trưa và buổi tối. Nguyên liệu để nấu các món ăn hầu hết đều là sản phẩm Việt Nam. Các đầu bếp luôn cố gắng khai thác nguồn thực phẩm địa phương thay cho các sản phẩm nhập khẩu. Chủ Brew and Breakfast chia sẻ rằng họ không sử dụng bất kỳ loại nhựa nào chỉ sử dụng một lần rồi bỏ. Các đồ đựng thực phẩm đem đi và ống hút, dao muỗng nĩa, tất cả đều sản xuất từ những vật liệu sinh học có khả năng phân hủy. Brew and Breakfast cung cấp vật đựng có thể sử dụng nhiều lần để giảm thiểu lượng bao bì thải ra môi trường.
|
James Reelick sử dụng củi từ cây cà phê bỏ đi của bà con để nướng Pizza |
Còn ở Langbiang thị trấn Lạc Dương, người đàn ông mang quốc tịch Mỹ James Reelick cũng tạo ra sự thân thiện với môi trường theo cách riêng của mình. James nổi tiếng với cửa hàng Pizza ở Langbiang. James có chiếc lò nướng Pizza cao khoảng 3 m, hình trụ, được xây bằng loại gạch chịu nhiệt cực tốt. Lò sử dụng nhiên liệu gỗ, được làm nóng bằng cách đốt gỗ trong buồng. Tùy loại thực phẩm sẽ được nấu chín khi lửa vẫn còn cháy hoặc chỉ còn than hồng. Nhiệt độ lò có thể vượt quá 1.000 độ Fahrenheit. Lò hoạt động như một “pin nhiệt”, từ từ giải phóng nhiệt theo thời gian. Nhiệt giữ lại trong lò có thể được sử dụng để nướng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tất cả các nguyên liệu làm Pizza của James là sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương. Và mỗi ngày, bột bánh Pizza đều được làm mới. Ngoài chất lượng thực phẩm tuyệt vời, James còn muốn đảm bảo chất lượng bia vượt trội. Do đó, anh đã đầu tư để tự làm bia thủ công và nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên từ sản xuất nông nghiệp. Với James, mọi thứ phải bền vững nhất có thể. Sự bền vững ấy xoay quanh các vấn đề: Tái sử dụng, giảm tiêu dùng, tái chế. James luôn cố gắng trong việc tái sử dụng mọi thứ. Anh sử dụng cây cà phê bỏ đi để nướng Pizza. Nhà bếp, nhà kho, khu sản xuất bia đều được dựng nên từ các vật liệu cũ còn khả năng sử dụng. Lượng thức ăn dư thừa từ cửa hàng được sử dụng để chăn nuôi, vừa bảo vệ môi trường, đồng thời vừa tạo ra nguồn thực phẩm có sẵn cho các món ăn mới. James cũng hạn chế tối đa việc sử dụng ni lông, thay vào đó giấy bạc và hộp giấy được sử dụng, bởi khả năng tái sử dụng của giấy bạc và khả năng phân hủy của hộp giấy là sự thân thiện với môi trường.
Không chỉ có những người ngoại quốc, những bạn trẻ ở Đà Lạt cũng chọn con đường đi của mình thân thiện với môi trường. Đó là câu chuyện của Bùi Trang ở Quán Cà phê Vĩ Tuyến số 6. Bùi Trang xây dựng quán của mình bằng việc sử dụng những vật liệu cũ. Điều này không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn rất thân thiện với môi trường. Sau gần một năm kiên trì, Vĩ Tuyến số 6 hình thành với 80% nội thất là đồ được tái chế. Những đồ vật tưởng chừng đã vứt đi nay đã được trang trí lại và sắp đặt cạnh nhau để trở thành bức tranh xinh đẹp. Một quán nhỏ ở ngoại ô Đà Lạt, nơi mà góc nào cũng dễ dàng cảm nhận được không khí trong lành của rừng thông bởi dường như ở nơi đây có sự hài hòa và tôn trọng thiên nhiên cao nhất. Ở Vĩ Tuyến số 6, khách hàng được khuyến khích tự sử dụng bình nước của mình hoặc chai, lọ thủy tinh có thể sử dụng nhiều lần để mua nước mang đi. Dĩ nhiên, quán trà không sử dụng ống hút hay những sản phẩm nhựa dùng một lần. Họ phân loại và sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho chính vườn rau ở quán. Chi phí cho vườn rau gần như bằng không nên khách tới chơi có thể hái và ăn rau tại chính khu vườn hữu cơ này. Và nếu hoa quả trong vườn chín, khách hàng có thể hái ăn miễn phí. Mong ước của Bùi Trang và những người bạn ở Vĩ Tuyến số 6 là tạo nên một cộng đồng gắn kết với thiên nhiên.
Và ở Đà Lạt, những thông điệp thân thiện với môi trường đã dần được lan tỏa ở các cơ sở kinh doanh. Việc không sử dụng ống hút nhựa, tái sử dụng thực phẩm dư thừa để làm phân bón cho vườn cộng đồng ở Đà Lạt, ưu tiên sử dụng các nguồn thực phẩm địa phương và món nổi bật của quán là sữa chua làm từ sữa bò tươi của thành phố kèm với trái cây tươi là điều mà khách hàng có thể thấy ở Quán Cà phê Mô Hình trên đường Bà Triệu. Hay một không gian xanh rộng lớn với những thức uống hoàn toàn từ rau củ hữu cơ ở Grenn Box Café; Quán Cà rem Bông Bông với những món kem được lấy nguyên liệu hoàn toàn của Đà Lạt. Quán kem còn khuyến khích khách hàng mang hộp của mình đến quán mua kem mang về để được giảm 20%. Và quán sử dụng hoàn toàn túi giấy và hộp giấy để giao kem đến tận nhà nếu khách có nhu cầu…
Những con người khác nhau, lý tưởng khác nhau nhưng họ gặp nhau ở mong muốn tạo dựng cuộc sống thân thiện với môi trường. Điều đó không chỉ là niềm vui của riêng cá nhân họ mà còn góp phần tạo tiếng nói chung sống thân thiện với môi trường.
HOÀNG MY