Những doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động khai thác đá tại khu vực núi Du Sinh trong suốt nhiều năm qua đã tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan, khiến dư luận bất bình...
[links()]
Những doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động khai thác đá tại khu vực núi Du Sinh trong suốt nhiều năm qua đã tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan, khiến dư luận bất bình...
|
Doanh nghiệp đang khắc phục hậu quả để trả lại núi |
Những ngày qua, từ phản ánh của người dân, một số cơ quan báo chí phát hiện Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng, tự ý “xẻ núi” mở đường khai thác đá trái luật tại khu vực núi Du Sinh (Tiểu khu 158A, Phường 5, TP Đà Lạt, do Ban Quản lý rừng (QLR) Lâm Viên quản lý), khiến dư luận bất bình. Ngay sau khi báo chí thông tin vụ việc, UBND TP Đà Lạt đã chỉ đạo cho cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, xử lý, hoặc đề xuất xử lý theo quy định.
Về phía Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng cũng chủ động phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường, ghi nhận tại khu vực mỏ đá Cam Ly. Kết quả, tại vị trí từ khu A đến khu B (khoảng cách khoảng 35 m), đây là khu vực thuộc diện quy hoạch đất rừng phòng hộ. Ngày 20/7, UBND Phường 5 (TP Đà Lạt) phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và Ban QLR Lâm Viên tổ chức kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với LBM về hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai trên diện tích 430 m2, và buộc khôi phục lại hiện trạng.
UBND Phường 5 cũng đã đề xuất UBND TP Đà Lạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng về hành vi lấn chiếm rừng phòng hộ, san gạt gây cản trở việc quản lý, sử dụng đất của Ban QLR Lâm Viên, với số tiền 39 triệu đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng trước, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng cũng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 122 triệu đồng. Trong đó, phạt về hành vi tác động và khai thác vượt ranh được phép khai thác với tổng diện tích hơn 980 m
2, khối lượng đá khai thác 4.900 m
3 (theo hệ số quy đổi đá nguyên khai theo quy định hơn 7.227 m
3) là 15 triệu đồng, đồng thời buộc doanh nghiệp nộp lại số lợi bất hợp pháp với số tiền hơn 107 triệu đồng. Cơ quan chức năng còn buộc công ty này phải san gạt, cải tạo phục hồi môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn.
Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng), cho biết hiện có 3 công ty được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại khu vực núi Du Sinh (Phường 5, TP Đà Lạt), bao gồm Doanh nghiệp LBM, có 3 khu vực với diện tích 9 ha; Công ty Cổ phần Thắng Đạt với 1,2 ha và Công ty Cổ phần Minh Định 2,84 ha. Tại đây, ngoài dây chuyền chế biến đá của Công ty Cổ phần Thắng Đạt (2 dây chuyền), Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng (2 dây chuyền), còn có trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng (2 trạm), Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt lắp đặt trạm bê tông thương phẩm, và một số tổ chức, cá nhân khác sản xuất bi cống bê tông.
Và cho đến thời điểm này, doanh nghiệp khai thác ít nhất cũng đã 7 năm, còn công ty khai thác lâu nhất đã là 12 năm. Do thời gian khai thác đã lâu với khối lượng khoáng sản khai thác rất lớn, nên một số ngọn đồi thuộc dãy núi Du Sinh bị đào khoét nham nhở, biến dạng, làm ảnh hưởng mỹ quan của đô thị. Đặc biệt là việc Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng tự ý “xẻ núi” làm đường nối thông từ khu A đến khu B, khiến người dân và những du khách yêu thành phố này bức xúc. Không chỉ có vậy, việc làm trái luật của doanh nghiệp tại khu vực trên làm người dân địa phương lo ngại sẽ tác động đến môi trường cảnh quan, sự đứt gãy địa hình và trên hết là mất đi núi Du Sinh. Chưa kể cách đó không xa là bãi rác Cam Ly sẽ bị gió cuốn thổi về khu dân cư ảnh hưởng tới đời sống của người dân và khách du lịch.
Phòng Khoáng sản & Tài nguyên nước cho biết, trong tháng 8/2020, Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ kiểm tra một số đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt. Khi phối hợp, Sở Tài nguyên & Môi trường Lâm Đồng sẽ đề xuất xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm (nếu có). |
Để bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với hoạt động khai thác đá tại TP Đà Lạt, ngay từ năm 2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố khu vực hạn chế hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có các khu vực tại các phường 5, 7 và 11. Quyết định này nêu rõ, không giải quyết cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác đá xây dựng. Đối với các mỏ đã được cấp phép khai thác khi hết hạn không xem xét gia hạn hoặc cấp lại; yêu cầu đóng mỏ và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Đối với các mỏ đã được cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng, hạn chế về công suất và thời hạn trong giấy phép khai thác; yêu cầu thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, trồng cây xanh các vị trí xung quanh mỏ trong quá trình khai thác.
Quy định là vậy, nhưng cho đến thời điểm này vẫn không có doanh nghiệp nào thực hiện trồng cây, ngay cả Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng dù đã khai thác gần như xong khu A (mỏ đá Cam Ly) và đang hoàn thiện hồ sơ để đóng phần mỏ đã khai thác nhưng cũng không trồng bất cứ cây xanh nào trong quá trình khai thác mỏ.
Trong khi đó, theo Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, thực hiện quyết định trên cũng như chỉ đạo của các cấp thẩm quyền, từ tháng 11/2013 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường không tham mưu cấp mới, gia hạn các giấy phép khai thác khoáng sản liên quan tới cây rừng tự nhiên. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, cắt giảm diện tích có cây rừng tự nhiên, tiến tới chấm dứt việc khai thác đá tại khu vực.
Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước cho biết thêm, đến cuối năm nay, mặc dù chưa hết thời hạn khai thác khoáng sản, nhưng Công ty Cổ phần Minh Định sẽ trả lại giấy phép khai thác, tiến hành đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Công ty Cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Lâm Đồng và Công ty Cổ phần Thắng Đạt cũng đang làm thủ tục trả lại một phần diện tích có rừng. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nói trên thực hiện ngay việc trồng cây xanh ở những nơi có tầng phủ là đất tại khu vực mỏ đá Cam Ly.
|
Việc khai thác đá tại khu vực núi Du Sinh (TP Đà Lạt), đã tác động xấu đến cảnh quan môi trường |
THỤY TRANG