Báo động tình trạng mất an toàn giao thông tại các chợ, điểm họp chợ

06:08, 14/08/2020

Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã tập trung vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường để mua bán, trao đổi hàng hóa...

Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã tập trung vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường để mua bán, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, ở nhiều tuyến quốc lộ qua địa bàn Lâm Đồng, đường tỉnh, tình trạng các chợ, điểm họp chợ vi phạm hành lang an toàn đường bộ vẫn còn tồn tại và gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
 
Lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán gây mất an toàn giao thông
Lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán gây mất an toàn giao thông
 
Lấn chiếm lòng, lề đường
 
Một đoạn đường tỉnh ở trung tâm thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà tuy chỉ dài khoảng 200 m, nhưng 2 bên hành lang dành cho người đi bộ có tới hàng chục cá nhân kinh doanh buôn bán đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm. Xe cộ vì thế cũng cứ dàn ngang ngay trên đường để mua hàng hóa. Mặc dù chính quyền địa phương đã tiến hành nhiều đợt ra quân nhằm lập lại trật tự đô thị, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang đường bộ làm nơi buôn bán họp chợ, nhưng đến nay khu vực này vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
 
Ông Đinh Văn Khương - Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay ở nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, quốc lộ, đường tỉnh và khu vực đô thị có đông người và phương tiện qua lại, các điểm chợ tự phát vẫn đang diễn ra tràn lan. Việc buôn bán diễn ra ngay cả dưới lòng, lề đường chứ không chỉ trên vỉa hè, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự ATGT và mỹ quan đô thị. Đáng nói là mặc dù ngành chức năng cũng đã tiến hành giải tỏa các chợ, điểm chợ tự phát nhưng chỉ sau khi xử lý không bao lâu thì đâu lại vào đó. 
 
Ngoài nguyên nhân thiếu chợ cùng với những bất cập trong công tác quy hoạch quản lý các khu chợ thì tâm lý “tiện đâu mua đó”, “mua nhanh, bán nhanh” của người dân cũng khiến chợ cóc, chợ tạm phát triển tràn lan và khó dẹp.
 
Tương tự ở Lâm Hà, việc xử lý các chợ, điểm họp chợ lấn chiếm vi phạm hành lang an toàn đường bộ tại khu vực Chợ Phi Nôm, huyện Đức Trọng cũng là câu chuyện “nói hoài mà vẫn chưa giải tỏa được”. Mà không phải chỉ ở những địa phương đoàn liên ngành đi kiểm tra, tại nhiều địa phương khác, kể cả những thành phố lớn, việc họp chợ lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, việc người dân tụ tập để mua hàng hóa cho tiện và đậu đỗ xe gây mất ATGT vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Ngoài nguyên nhân thiếu kiên quyết và các chế tài xử phạt một cách cứng rắn của các cơ quan chức năng trong thời gian qua thì cũng cần phải nói đến ý thức của một số người dân, cả người mua và người bán về pháp luật còn kém. 
 
Nỗ lực lập lại trật tự
 
Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, mới đây, Đoàn liên ngành của tỉnh gồm Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT tỉnh, Phòng Cảnh sát Giao thông cùng các sở, ngành liên quan đã tiến hành đi thực tế để khảo sát, đánh giá tình hình đảm bảo trật tự ATGT tại các chợ, điểm họp chợ ở các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đường tỉnh. Tại địa bàn huyện Đức Trọng, Đoàn đã khảo sát, đánh giá việc tổ chức giao thông và các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực Chợ Fi Nôm, Bình Thạnh và một vài khu chợ khác. Qua kiểm tra cho thấy, ở hầu hết các chợ, hiện nay, tình hình hoạt động phía trước cổng chợ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông, các hộ tiểu thương thường xuyên lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường để buôn bán kinh doanh, người dân dừng, đỗ xe trên vỉa hè, lòng, lề đường để mua hàng gây mất an toàn giao thông, nhất là vào khoảng thời gian từ 6h - 9h và 15h - 18h hàng ngày. Mặc dù chính quyền cấp cơ sở đã tổ chức tuyên truyền, xử lý các sai phạm, tuy nhiên việc triển khai chưa thường xuyên, thiếu các giải pháp giải tỏa cũng như các biện pháp kiên quyết khác nên tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng, lề đường vẫn diễn ra phổ biến. 
 
Ở huyện Đơn Dương, qua kiểm tra cho thấy có 4 chợ nằm ở khu vực Thạnh Mỹ, Lạc Lâm, Lạc Xuân, Lạc Nghiệp và 2 điểm nhóm họp chợ ở xã Lạc Xuân và thị trấn D’Ran. Tình hình trật tự ATGT, các vấn đề nguy cơ, tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông ở những điểm này tồn tại những diễn biến phức tạp khi nhiều tiểu thương tự ý kinh doanh sát tuyến Quốc lộ 27, che dù, thậm chí căng bạt che làm chắn tầm nhìn. Còn ở một vài khu chợ trên địa bàn huyện Đơn Dương, tuy đã đầu tư bãi giữ xe máy, nhưng hầu hết không có bãi giữ xe ô tô, dẫn đến việc người dân sử dụng ô tô đậu, đỗ dọc Quốc lộ 27 và đường nhánh khi ra vào chợ gây mất ATGT.
 
Để bảo đảm trật tự ATGT tại các chợ, điểm họp chợ, trong thời gian tới, các cấp, các ngành chức năng có liên quan, nhất là chính quyền các địa phương cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để thay đổi thói quen “tiện đâu mua đó” của một bộ phận người dân. Song song đó cũng cần phải xử phạt hành chính thật nghiêm và kiên quyết giải tỏa đối với những trường họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường hay những trường hợp cố tình vi phạm quy định về ATGT. Chính quyền địa phương cũng cần sớm quy hoạch, xây dựng, mở rộng các khu chợ khoa học, hợp lý với đầy đủ chức năng cần có trong giai đoạn hiện nay; xây dựng chợ ở những nơi thật sự có nhu cầu mua bán trong Nhân dân...
 
NGUYỄN NGHĨA