Khi mắc ca trở thành cây rừng của Lâm Đồng (Kỳ I)

05:08, 31/08/2020

Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đang phát triển khá nhanh tại Lâm Đồng...

Mắc ca, loài cây có nguồn gốc Úc châu đang phát triển khá nhanh tại Lâm Đồng. Làm sao để cây mắc ca gắn bó với nông dân, trở thành cây trồng vừa mang tính giữ rừng, vừa cải thiện sinh kế cho người nông dân là vấn đề Lâm Đồng trông đợi.
 
Hơn 4 ngàn ha mắc ca đã và đang được triển khai, cho năng suất, chất lượng cao, tạo thu nhập tốt cho bà con, khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh
Hơn 4 ngàn ha mắc ca đã và đang được triển khai, cho năng suất, chất lượng cao, tạo thu nhập tốt cho bà con, khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh
 
Cây lâm nghiệp chăm nhàn - thu tốt 
 
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 4 ngàn ha cây mắc ca, vừa trồng thuần và trồng xen với các loại cây trồng khác. Diện tích chiếm chủ yếu là mắc ca trồng xen với cà phê, đặc biệt ở các vùng Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc. Trong số 4 ngàn ha mắc ca, có xấp xỉ 30% đã cho thu hoạch. Với giá cả khá tốt, mắc ca đã mang lại cho người nông dân nguồn thu nhập tốt bên cạnh các cây trồng khác. 
 
Với khả năng sinh trưởng của cây rừng, mắc ca có thể sống khỏe và cho trái tới 70 - 80 năm. Trồng xen trong vườn cà phê, mắc ca là loại cây che bóng tốt, tăng độ che phủ cho vườn hiệu quả. Nhận thấy hiệu quả từ mắc ca, Lâm Đồng đã khuyến khích nông dân trồng mắc ca xen trong vườn cà phê để xây dựng một môi trường canh tác bền vững. 
 
Hiện Di Linh, một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn, diện tích cà phê được trồng xen mắc ca rất lớn. Đặc biệt, có 504 ha đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Di Linh đã cho bà con trồng xen mắc ca và một số loại cây lâm nghiệp khác để khôi phục độ che phủ rừng.
 
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, cây mắc ca là loại cây đặc biệt. Qua thực tế cho thấy, mắc ca vừa có tác dụng tăng độ che phủ rừng, vừa đảm bảo sinh kế cho người nông dân. Trồng mắc ca trong vườn cà phê là giải pháp hiệu quả cho việc giữ rừng của Lâm Đồng. Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng đã có chủ trương trồng xen mắc ca trong vườn cà phê như một cây che bóng. Đồng thời, với quan điểm của một nhà khoa học, ông cũng đánh giá mắc ca có khả năng phủ xanh tốt, hiệu quả trong việc xây dựng môi trường rừng. 
 
Khó khăn trong phát triển mắc ca
 
Khi người nông dân xuống giống trồng mắc ca, điều làm họ băn khoăn nhất là thu hoạch hạt bán cho ai, giá cả ra sao. Hiện hạt mắc ca đang có giá khá tốt, 40 ngàn 1 kg hạt khô và 80 ngàn 1 kg nhân. Tuy nhiên, thời điểm mùa mắc ca năm 2020, giá mắc ca đã xuống rất thấp, chỉ còn 25 ngàn 1 kg hạt khô. Tất nhiên, khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là tạm thời, nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về đầu ra cho loại hạt cao cấp này. 
 
Không chỉ đầu ra, chất lượng hạt giống cũng khiến bà con lo lắng. Nhiều diện tích mắc ca trồng 4-5 năm chưa cho trái, hoặc trái nhỏ, không đủ tiêu chuẩn thu mua khiến nông dân thiệt hại. Nông dân xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm đã từng trồng nhiều diện tích mắc ca không có trái hoặc rất ít trái sau 7 năm xuống giống. Cây mắc ca là cây trồng lâu năm, việc giống không chuẩn sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Chính điều này khiến nhiều nông hộ còn ngần ngại khi nhắc tới mở rộng diện tích mắc ca. Giá giống mắc ca cũng khá cao, không phải nông hộ nào cũng có khả năng mua giống với giá cao để canh tác. 
 
Đối tác của nông dân, các doanh nghiệp thu mua, chế biến hạt mắc ca cũng còn nhiều băn khoăn. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca, đóng chân trên địa bàn huyện Đơn Dương cho biết, công ty hợp tác với nông dân trồng và thu mua hạt mắc ca. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào của hạt còn chưa được chuẩn hóa. Các sản phẩm còn khá đơn giản, chủ yếu là hạt sấy nguyên chất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn thiếu vốn để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm từ mắc ca, tăng giá trị cho loại hạt giá trị này. 
 
“KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG MẮC CA TĂNG GIÁ ẢO”
 
Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán hạt mắc ca nguyên liệu. Việc tranh mua tranh bán khiến giá hạt mắc ca tăng giá ảo, người nông dân ồ ạt trồng theo. Việc trồng ồ ạt sẽ phá vỡ quy hoạch, gây nhiều hệ lụy xấu cho người nông dân và cho việc phát triển cây mắc ca lâu dài.
 
NGUYỆT THU - DIỆP QUỲNH