"Thở phào!", "Vỡ òa niềm vui!", "May mắn rồi mọi người ơi!"… Những câu cảm thán của rất nhiều người ở Lâm Đồng loan báo niềm vui trên mạng xã hội về kết quả âm tính SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua và cả lúc quá nửa đêm...
“Thở phào!”, “Vỡ òa niềm vui!”, “May mắn rồi mọi người ơi!”… Những câu cảm thán của rất nhiều người ở Lâm Đồng loan báo niềm vui trên mạng xã hội về kết quả âm tính SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua và cả lúc quá nửa đêm. Trong những căn phòng cách ly tuyệt đối, các “chiến sĩ áo trắng” kín mít bộ đồ chuyên dụng, cặm cụi, lặng lẽ, hồi hộp với từng mẫu bệnh phẩm.
Lặng lẽ với “cuộc chiến” trong phòng xét nghiệm |
Đầu giờ chiều, tôi alô cho BS Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đặt vấn đề chia sẻ về những con người lặng lẽ ấy. Anh Thuận nói nhanh: “Có gì anh nhắn tin nhé, tôi đang họp”. Sau mấy đoạn tin nhắn, BS Thuận cảm ơn và giới thiệu tôi làm việc với BS Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lâm Đồng. Có mặt tại văn phòng CDC, tôi gọi BS Minh, anh cũng đang họp. Hóa ra cả hai BS họp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Lâm Đồng. Lại nhắn tin, và được hồi đáp: “Sau 4 giờ chiều mới có thể xong, sẽ alô cho anh nhé”. 4 giờ kém, tôi đã ở phòng bảo vệ CDC, hóng chờ trong cơn mưa xối xả. Hơn một giờ đồng hồ không thấy BS Minh trở về, lại hẹn hôm sau. Sáng. “Anh Minh ạ, bây giờ tôi đến lại chỗ CDC nhé”, tôi nói. BS Minh: “Lại bận rồi anh ơi. Anh làm việc với BS Nguyễn Văn Luyện, Phó Giám đốc CDC, cũng là người phát ngôn của cơ quan”. Kể cái sự lòng vòng ấy để hiểu thêm, “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19, dân ngành y bận rộn đến thế.
Vào phòng làm việc của BS Luyện, cảm giác không khí bình thản. Vốn là sĩ quan quân đội, là nhà giáo, đã hun đúc ở BS một phong thái vừa nghiêm ngắn, bình tĩnh, vừa gần gũi. Cũng từng là nhà giáo, trạc tuổi nhau nên bên ly trà nóng, câu chuyện giữa chúng tôi dễ vào. Tôi đưa anh Minh điện thoại của mình để anh đọc tin nhắn, như là tìm thêm sự cộng cảm: “Tình hình dịch bệnh Lâm Đồng kiểm soát tốt. Lãnh đạo quyết liệt, Nhân dân đồng tình, nhưng công lao lớn do đội ngũ y bác sỹ, đặc biệt là những người làm xét nghiệm. Công lao thầm lặng ấy cần được ghi nhận từ báo chí anh ạ”. Đó là tin nhắn từ người bạn thân của tôi, tiến sĩ, hiệu trưởng một trường đại học…
***
“Chống dịch như chống giặc” được hiểu là sự nguy hiểm của dịch bệnh tương đương với sự nguy hiểm của giặc ngoại xâm. Ở CDC Lâm Đồng, tất cả 191 cán bộ, công nhân viên đều vào “cuộc chiến” theo từng vị trí nhiệm vụ của mình. BS Luyện cho biết, đơn vị có 38 BS, 61 người trình độ đại học, trong đó sau đại học hơn 40 người; 25 người trình độ cao đẳng, 45 người trình độ trung cấp… “Nghề y mà”, đó là câu cửa miệng của họ khi tôi tiếp xúc. Sự “bình thường hóa” hun đúc thành tính can trường trong “cuộc chiến”, lấn lướt hoàn cảnh khó khăn. BS Luyện ví von tính chất “nóng bỏng” của sự kiện bằng hình tượng chiếc bình tông chứa nước nóng hồi chiến tranh. “Khi cần thiết, người này sẵn sàng dội lên đầu người khác”, anh chậm rãi bình luận. “Cuộc chiến” chống dịch COVID-19 liên quan đến sức khỏe, liên quan giữa cái sống và cái chết nên áp lực về trách nhiệm luôn ý thức cao nhất. BS Luyện kể, có trường hợp đi ở nơi khác về, 23 giờ họ gọi đến nhờ giải thích, nhưng hơn 1 giờ sáng vẫn không hết lo lắng, họ lại gọi điện đến. Các anh mất ngủ luôn cả đêm. Một câu chuyện khác, về sự phối hợp giữa ngành y với các ngành. Đó là một người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, phát hiện ở huyện. Loay hoay suốt đêm không xử lý được bằng giải pháp tối ưu, nguyên nhân là ai cũng sợ liên lụy đến trách nhiệm nên thiếu phối hợp và quyết đoán. Chăm sóc sức khỏe của Nhân dân là cả hệ thống chính trị. Với ngành y tế, khi phát hiện đối tượng F1 dĩ nhiên là căng mình triển khai truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu, xét nghiệm,… bất kỳ ở đâu và giờ nào. Chẳng hạn trường hợp ông N.M. (người Nhật), khi có kết quả dương tính từ xét nghiệm ở nơi khác, cả CDC chia nhau nhiều ngã để truy vết, xác định F1, F2, khoanh vùng, tổ chức phun khử khuẩn phòng dịch… Và lấy mẫu, lấy mẫu, xét nghiệm, xét nghiệm… Đó là thời điểm trí não, tâm trạng của Ban Chỉ đạo, của lãnh đạo, của những người quen đặt vào CDC - những “chiến sĩ” đi trước đón đầu và về sau cùng…
***
Tôi theo chân BS Luyện đến Khoa Xét nghiệm của CDC. Cử nhân Phạm Thị Hoa có thâm niên 25 năm tiếp chúng tôi. Quả là nhiều tâm tư, lắm lúc không bày tỏ được với ai… Đặc thù và tính chất công việc, các anh chị cắt đứt mọi liên hệ bên ngoài. Không gian cô lại trong tĩnh lặng và cách ly. Những lúc đó, sự động viên, thăm hỏi từ Ban chỉ đạo, cấp trên, đồng nghiệp và người quen là trợ lực lớn. Chị Hoa chỉ thùng bánh ở góc phòng hành chính nói: “Đấy anh xem, bánh và mì tôm… là quà của các bạn gửi vào. Tụi em cũng chả có thời gian đi mua”. Chị chia sẻ, có khi hai đêm liền không ngủ được vì áp lực công việc. Mới hôm kia thôi, xét nghiệm đến 4 giờ sáng mới xong nhưng ngoài trời mưa như trút nước nên đành ngồi lại, chờ đến sáng mới về nhà được. Sáng có ca mới lại vù ngay đến cơ quan. Ăn không đúng bữa, ngủ không trọn giấc là chuyện thường ngày. Sự hi sinh ở những người mẹ có con nhỏ càng lớn hơn. Nhưng niềm vui ở họ là khi tất cả màu xanh (thể hiện âm tính) hiện lên màn hình. Cũng có lúc phải “chạy lại” sau khoảng 5 giờ trở lên một lần nữa để khẳng định 100% là kết quả đúng. Và cả Khoa ngồi lại tranh luận nẩy lửa, như là hội chẩn trước một kết quả xét nghiệm. “Đợi từng phút anh ạ. Lãnh đạo Trung tâm không có ngồi mà đi lại chờ đợi kết quả. Cũng có lúc sếp nói sao chậm thế, tụi em cũng cáu luôn”, chị Hoa kể. Đó là những thời khắc áp lực từ bên ngoài dồn nén vào nơi này cao nhất. Chị Hoa đưa tôi chiếc điện thoại và nói: “Anh xem tin nhắn của lãnh đạo đây, em không đọc nổi vì xúc động…”. Tin nhắn của Giám đốc CDC, BS Nguyễn Quốc Minh, lúc hơn 1 giờ sáng: “Ngủ đi đồng đội yêu quý của chúng ta”. Nhưng chưa tới 5 giờ sáng chị lại có tin nhắn tiếp của BS Minh: “Còn mấy case chưa làm em ơi”… Để có kết quả xét nghiệm chính xác không chỉ năng lực của những người trực tiếp xét nghiệm mà còn phụ thuộc những yếu tố khác như lấy mẫu, mức độ tiếp xúc của đối tượng... Nên đội ngũ Khoa cũng phải đi lấy mẫu theo tinh thần ngoại viện, “cấp cứu cơ động, phản ứng nhanh”. Lấy đúng mẫu còn đảm bảo cách lưu và vận chuyển an toàn. Họ hiểu, thông tin từ CDC không chỉ liên quan đến sinh mệnh một cá nhân mà còn quyết định nhiều vấn đề liên quan quan trọng khác trong cộng đồng. Khi kết quả xét nghiệm lại vẫn âm tính, cả Khoa vỡ òa trong niềm vui. Mọi mệt mỏi, lo âu được trút bỏ...
Phun xịt thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 |
Toàn Khoa Xét nghiệm được kích hoạt, không chỉ những người trực tiếp trong các phòng cách ly mà cả bộ phận hành chính. Họ phải trả lời kết quả với bên ngoài, theo đúng quy trình chuyên môn. Các anh chị còn thường xuyên hướng dẫn, giải thích và tư vấn trong phạm vi chức năng cho nhiều người dân khác gọi đến khi họ từ nơi khác về. Tăng cường cho Khoa giai đoạn phòng, chống dịch, Ban Chỉ đạo còn điều động Thạc sĩ Đinh Bình Công Ái từ Bệnh viện Nhi, Lâm Đồng đến. Chúng tôi ngừng chuyện vì phụ trách Khoa Xét nghiệm, BS Lê Thị Hạnh bước vội vào. Chị chìa điện thoại ra và thông tin với BS Luyện: “Em phải đi ngay vì vừa có tin báo một ca ở Rô Men nghi mắc dịch bạch hầu”. Mẫu vừa đưa ra, tiếp tục mang xét nghiệm nơi khác… Trực tiếp chứng kiến mới biết không khí ở CDC thực sự “nóng”. Tôi hỏi chị Hoa: “Người thân trong gia đình có sợ rủi ro đến với chị và họ không?”. Chị nói: “Có chứ anh. Hồi tháng 2, chính xác là bắt đầu từ ca đầu tiên phát hiện ngày 16/2, mẫu mang đi xét nghiệm tại Thành phố Hồ Chí Minh”, chị mở sổ. Cũng như đội ngũ phòng, chống dịch cả nước, lúc đó sự hiểu biết về virus Corona chưa nhiều, cả kinh nghiệm phòng dịch. Giờ thì Lâm Đồng tự xét nghiệm được bằng phương pháp RT-PCR. Trang thiết bị, kiến thức, kỹ năng và công tác phòng hộ đủ để gạt được những bối rối, lo sợ. Thời điểm chúng tôi có mặt, CDC Lâm Đồng đã tự xét nghiệm 263 ca ở giai đoạn 2; trước đó, giai đoạn 1 là 70 ca...
***
Chúng tôi tiếp tục đến Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Căn phòng khá bề bộn, nhiều nhân viên y tế vào ra, đầu góc chiếc giường xếp kê tạm, cạnh bàn họp bếp gar và nhiều thứ mắm, muối, gạo, mì… BS Luyện giải thích trước ngạc nhiên của tôi: “Vì là dịch nên trực 24/24 anh ạ”. Trưởng Khoa Nguyễn Xuân Song Hà nói: “Có thông tin là đi ngay, cả lãnh đạo Trung tâm cũng lên xe đi, ô tô hoặc xe máy. Mọi phương án phòng, chống dịch đều có. Trên địa bàn có trường hợp nghi ngờ là xắn tay đến, có những lúc 1, 2 giờ sáng. Đầu tiên là xác định và đưa đến nơi cách ly tập trung, sau đó làm báo cáo nhanh”. Giai đoạn 2 truy vết tất cả những người từ thành phố Đà Nẵng về, công việc càng tất bật. Các anh chị khẩn trương truy vết, tuyên truyền, vận động, giải thích và cả trấn an. Thời điểm cao nhất trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 đối tượng phải cách ly. Khẩn trương nhưng phải an toàn cho nhân viên y tế và cộng đồng, chính xác và triệt để. BS Hà đưa chúng tôi báo cáo tổng hợp mới cách hơn một giờ (thời điểm 15 giờ ngày 12/8) với nhiều con số, từng địa bàn huyện, thành phố. Trong đó, số hiện đang cách ly tại cơ sở y tế 22; tại khu tập trung 109; tại nhà và cơ sở lưu trú 130; cộng dồn theo dõi đang cách ly và hết theo dõi cách ly 1.979 trường hợp…
“Chỉ mong chỉ định ở Lâm Đồng cứ mãi mãi màu xanh” là tâm trạng của đội ngũ CDC. Nhưng có trăn trở, tạo thành áp lực đối với lãnh đạo, đội ngũ CDC là không chủ động hoàn toàn về trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Dù kích hoạt và dự phòng hơn một cấp độ, nhưng dịch không thể lường được, trong lúc cơ chế mua sắm trang thiết bị y tế luôn có những ràng buộc chặt chẽ. Giám đốc CDC, BS Minh nói: “Trách nhiệm của mình rồi, vất vả cũng không quan trọng. Khó khăn nhất là trang thiết bị, vật tư y tế. Chúng tôi chỉ mong từ Bộ Y tế đầu tư và phát về cho các tỉnh, thành để chúng tôi tập trung vào chuyên môn của mình”. Chúng tôi rời “hậu cứ” trong đồng cảm với các anh chị: áp lực ngày càng giảm từ xã hội, còn “màu xanh” mãi hiện hữu trên màn hình xét nghiệm…
Tháng 8 năm 2020
Bút ký: MINH ĐẠO