Nông dân chưa sẵn sàng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

06:08, 19/08/2020

Mặc dù cơ quan chức năng đã chính thức công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh, song nhiều hộ dân vẫn chưa thực sự tự tin để tái đàn sau dịch.

Mặc dù cơ quan chức năng đã chính thức công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh, song nhiều hộ dân vẫn chưa thực sự tự tin để tái đàn sau dịch.
 
 Sau dịch bệnh, nhiều nông hộ chưa thực sự tự tin khi tái đàn
Sau dịch bệnh, nhiều nông hộ chưa thực sự tự tin khi tái đàn
 
Chuyển hướng chăn nuôi
 
Gia đình ông Bạch Văn Pha (68 tuổi) trú tại xã Tân Văn, huyện Lâm Hà từng là nông hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi heo quy mô lớn. Khoảng 2 năm trước, ông nuôi heo nái và tự nhân đàn. Nhờ chủ động con giống nên trang trại 200 m 2 của gia đình lúc nào cũng đầy ắp heo lớn nhỏ. Có năm ông xuất chuồng lên đến hơn 100 heo thịt, thu về hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, sau ảnh hưởng lớn từ dịch tả lợn châu Phi, toàn bộ chuồng trại quy mô trước đây nay chỉ còn chiếc chuồng nhỏ bằng gỗ và lưới B40 rộng chừng 5-6 m 2
 
Tổn thất sau dịch tả lợn châu Phi năm 2019 là quá lớn nên việc tái đàn đối với gia đình ông Pha là điều không dễ. Hơn nữa, nông hộ này vẫn chưa hoàn toàn lấy lại tự tin để tái đàn. “Bây giờ heo nái cũng mất hết rồi nên không tự nhân được đàn. Mua heo giống ngoài chợ thì giá quá cao, rủi ro dịch bệnh luôn tiềm ẩn nên không dám”, ông Bạch Văn Pha chia se. Hiện gia đình ông Pha buộc phải đập bỏ chuồng trại nuôi heo trước đây để chuyển qua nuôi cá, ếch và ba ba. 
 
Ở xã Tân Văn, không riêng gì ông Pha, nhiều hộ dân khác cũng buộc bỏ nghề. Có những hộ trang trại quy mô lên đến 2.000 con cũng phải ngưng. Bà Lương Nhữ Hoài Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn cho hay, trước khi chưa xảy ra dịch bệnh, phong trào nuôi heo ở địa phương phát triển mạnh với tổng đàn trên 10.000 con. Tuy nhiên, từ lúc “bão dịch quét qua”, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không ai còn đủ sức vực lại. Trang trại quy mô lớn thì chỉ còn đúng 2 hộ gượng dậy, thực hiện tái đàn được. 
 
Câu chuyện của các hộ chăn nuôi ở Tân Văn cũng là vấn đề gặp phải của nhiều hộ chăn nuôi heo ở các địa phương khác. Ông Phạm Văn Hành, thôn Cát An, xã Phước Cát 1, huyện Cát Tiên cũng đang sửa chữa hệ thống chuồng heo cũ để chuyển sang nuôi bò. Bởi theo ông Hành “hiện chưa biết đến lúc nào có thể nuôi heo trở lại nên phải chuyển hướng chăn nuôi. Sau này nếu nuôi heo lại, cũng phải xây dựng cải tạo lại hệ thống chuồng trại. Nuôi bao năm mà chỉ cần gặp một đợt dịch là trắng tay”.
 
Bởi vậy, chuyện bỏ trại hay chuyển hướng chăn nuôi đang là hướng đi mà dù muốn, dù không nhiều nông dân vẫn lựa chọn trong thời điểm hiện tại.  
 
Chưa tự tin tái đàn
 
Hiện tại, chỉ những hộ chăn nuôi lớn, trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp hoặc chỉ những hộ không bị ảnh hưởng bởi dịch mới dám tái đàn. Cũng ở xã Tân Văn, các nông hộ Lương Văn Hoài và Nguyễn Tuấn Cường liên kết chăn nuôi và chuyển đến khu vực đồi, cách xa khu dân cư để xây dựng trang trại 0,5 ha. Kể từ đầu tháng 4 vừa qua, sau khi hoàn thiện các hạng mục chuồng trại, hệ thống phòng ngừa dịch bệnh, gia đình ông liên kết với Công ty chăn nuôi CP và nuôi 400 heo thịt. Theo chủ trang trại, trước đây, họ phát triển đàn quy mô 1.000 con/năm ở khu chăn nuôi trên diện tích 1 ha. Nhờ các biện pháp phòng ngừa dịch hiệu quả nên quá trình chăn nuôi không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn nữa, ông Hoài và ông Cường quyết định chuyển trang trại đến nơi thưa dân cư. Ở khu trại mới, việc ra vào được kiểm soát nghiêm ngặt và ít ai có thể tiếp cận khu chăn nuôi. Ông Hoài chia sẻ: “Để đảm bảo an toàn cho trang trại, người lạ sẽ không được vào khu vực chăn nuôi. Các nhân viên làm việc tại đây cũng hạn chế ra ngoài. Hoặc nếu ra ngoài, trước khi vào lại trang trại phải tuân thủ nghiêm ngặt việc vào phòng sát khuẩn, thay đồ bảo hộ... Mọi hoạt động ở trang trại được theo dõi kỹ càng qua hệ thống camera, để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có vấn đề xảy ra, tránh để ảnh hưởng rộng trên toàn đàn gây thất thoát lớn”. 
 
Bà Nguyễn Thị Năm ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) cho biết, đợt này gia đình bà sẽ thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng tầm 500-600 triệu đồng để tái đàn. Hiện nay, gia đình bà Năm duy trì 2 trang trại bao gồm khu nuôi 3 heo nái và khu nuôi heo thịt rộng 200 m 2. Heo giống bà đưa vào nuôi đều rõ ràng về nguồn gốc và đặc biệt là tiêm phòng ngừa dịch đầy đủ. “Bây giờ tôi đang dùng các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại để phòng ngừa dịch bệnh. Chỉ mong mọi điều yên ổn. Nếu dịch bệnh ập đến một cái là tôi trắng tay luôn. Mặc dù tái đàn nhưng vẫn chưa thực sự thấy tự tin và an tâm”, bà Năm bày tỏ.
 
Ông K’Bin, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn cho biết, sau dịch, nhiều hộ chăn nuôi đã nỗ lực tái đàn. Địa phương đã đẩy mạnh  tuyên truyền khuyến cáo bà con cần mua giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo thời gian cách ly, tiêu độc khử trùng để đảm bảo an toàn khi tái đàn.
 
Tỉnh Lâm Đồng công bố hết dịch tả lợn châu Phi từ ngày 5/5/2020 và hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn công tác tăng đàn, tái đàn. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho thấy, tổng đàn heo của tỉnh từng bước khôi phục với xu hướng giảm dần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từng bước hình thành chăn nuôi tập trung, trang trại an toàn sinh học. Hiện nay, tổng đàn heo của tỉnh Lâm Đồng ở vào khoảng 380 nghìn con/460 nghìn con theo kế hoạch năm 2020. Mặc dù, dịch tả lợn châu Phi ở địa phương đã được khống chế nhưng đây là bệnh nguy hiểm, nguy cơ bùng phát trở lại cao nên ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân thực hiện nhiều biện pháp trong tăng đàn, tái đàn. Trong đó, chú trọng đến các nội dung như lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y để tái đàn. Việc tái đàn cũng phải theo lộ trình, không tái đàn ồ ạt để tránh phát sinh dịch bệnh. Khi tái đàn, phải nuôi với số lượng 10% công suất chuồng nuôi, sau 30 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm. Nếu 100% số mẫu âm tính với dịch tả lợn châu Phi thì tái đàn 100% công suất… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân khai báo với chính quyền địa phương mỗi khi nhập heo giống để nuôi. Đồng thời, thực hiện tiêm phòng đầy đủ và phải đảm bảo khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. 
 
HOÀNG MY