Siết chặt việc san gạt, cải tạo mặt bằng sản xuất nông nghiệp

05:08, 17/08/2020

Do nhu cầu thực tiễn, ngày 6/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1498 quy định tạm thời về san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp, xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Do nhu cầu thực tiễn, ngày 6/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1498 quy định tạm thời về san gạt, cải tạo mặt bằng để sản xuất nông nghiệp (SXNN), xây dựng công trình phụ trợ phục vụ SXNN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã có nhiều nơi lợi dụng để san gạt mặt bằng trái phép nên ngày 13/9/2019, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 5912 nhằm vừa tạo điều kiện cho người dân, vừa đồng thời tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT). 
 
San gạt mặt bằng trái quy định pháp luật tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Ảnh chụp ngày 5/6/2020)
San gạt mặt bằng trái quy định pháp luật tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương (Ảnh chụp ngày 5/6/2020)
 
Bảo vệ môi trường đặt lên hàng đầu
 
Theo hướng chặt chẽ hơn, cùng với Văn bản 5912 của UBND tỉnh, ngày 24/3/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có Văn bản số 491 gửi UBND các huyện, thành phố trong tỉnh để thực hiện. Một nội dung mới nhất là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai san gạt, cải tạo mặt bằng phải có cam kết và được UBND cấp huyện xác nhận. Tại Điểm b Mục 2 của Văn bản số 5912 của UBND tỉnh quy định: UBND cấp huyện hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện san gạt, cải tạo mặt bằng để SXNN trong phạm vi sử dụng hợp pháp của mình (không bao gồm san gạt, cải tạo mặt bằng đối với các lĩnh vực sau: thuộc đất trồng lúa; các dự án đầu tư; xây dựng nhà ở, công trình làm thay đổi hiện trạng đất thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành; tại các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, ven các hồ, quốc lộ, rừng tự nhiên) phải lập cam kết bằng văn bản các nội dung BVMT. Cùng đó, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu xác nhận các giải pháp BVMT không đúng yêu cầu tại Văn bản 5912 nêu trên. Với Sở TN&MT, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm; hướng dẫn về chuyên môn. 
 
Đáng lưu ý, ngoài hướng dẫn nội dung cam kết, Công văn 491 của Sở TN&MT còn nêu rõ: “Xác nhận cần phải lưu ý về quy mô, diện tích, chiều cao trong quá trình san gạt nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, chống sạt lở, an toàn...”. Quá trình san gạt, cải tạo mặt bằng “nếu có vận chuyển đất dôi dư ra ngoài khu vực san gạt sử dụng vào mục đích khác đề nghị liên hệ với Sở TN&MT để được hướng dẫn lập hồ sơ (HS)”. Nghĩa là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân muốn vận chuyển đất đến nơi khác phải được cấp phép theo quy định tại Khoản 1, Điều 65 của Luật Khoáng sản năm 2010. Văn bản của Sở TN&MT còn nêu: “Đối với tổ chức sử dụng tại chỗ khối lượng đất dôi dư trong quá trình san gạt thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản 2010 (theo hướng dẫn tại Văn bản số 2500/ĐCKS-KS ngày 13/9/2018 của Tổng cục Địa chất và Văn bản số 390/TTr-P2 ngày 18/6/2018 của Thanh tra Bộ TN&MT)”. 
 
Đất san gạt là vật liệu xây dựng 
 
Ngày 13/8, chúng tôi trao đổi với phòng chuyên môn của Sở TN&MT về quá trình thực hiện Văn bản 5912 và được biết, thời gian qua công tác hướng dẫn, tuyên truyền đã triển khai cơ bản. Qua báo cáo với Sở này, các UBND huyện đã tiếp nhận, thẩm định, xử lý 34 HS. Gồm: Đam Rông tiếp nhận, xử lý 3 HS; Đức Trọng tiếp nhận 12 HS, trong đó đã xác nhận 2 HS, đang giải quyết 8 HS và 2 HS không đủ điều kiện xác nhận; Đơn Dương tiếp nhận và xử lý 7 HS; Lâm Hà tiếp nhận 2 HS, đang thẩm định; Đạ Huoai tiếp nhận 2 HS nhưng đều không đủ điều kiện xác nhận; Đạ Tẻh tiếp nhận 5 HS, xác nhận 2, không đủ điều kiện 3; Cát Tiên tiếp nhận, xác nhận 8 HS. Hai huyện Bảo Lâm và Lạc Dương chưa tiếp nhận HS nào. Hai thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Di Linh chưa có báo cáo. Mặc dù vậy, tính từ khi có Văn bản 5912 của UBND tỉnh, các huyện đã xử phạt vi phạm hành chính 138 trường hợp san gạt, khai thác đất san lấp trái phép với tổng số tiền xử phạt hơn 675 triệu đồng. Cùng đó, các tổ chức, cá nhân còn bị tạm giữ phương tiện vi phạm 30 ngày, yêu cầu dừng hành vi vi phạm, cải tạo, phục hồi môi trường khu vực. 
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Trãi cho rằng, quá trình thực hiện văn bản của tỉnh và Sở đã đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần BVMT, đảm bảo cảnh quan; hạn chế việc tự ý san gạt, cải tạo làm thay đổi địa hình, độ dốc, phá vỡ quy hoạch chung… Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc là do địa hình đồi, dốc nên khi xây dựng cơ sở hạ tầng SXNN phải san gạt để tạo mặt bằng, trong quá trình thực hiện phát sinh đất dôi dư và khoáng sản làm vật 1iệu xây dựng thông thường (đá, cát) cần phải vận chuyển đi nơi khác. Theo quy định pháp luật về khoáng sản thì việc vận chuyển này là không được phép. Sở TN&MT Lâm Đồng đã làm văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng của Trung ương và đã được trả lời: đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, sản phẩm dôi dư khi san gạt, cải tạo mặt bằng thu hồi sử dụng cho công trình khác phải được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Bộ TN&MT cũng đã trả lời kiến nghị của cử tri Lâm Đồng thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội tại Văn bản số 5069 ngày 18/9/2018 với nội dung xác định đất san lấp là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, việc sử dụng đất dôi dư trong quá trình san gạt, cải tạo mặt bằng để san lấp các công trình khác sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản thi hành luật này. Sở TN&MT cũng cho biết thêm, căn cứ Luật Đất đai, chưa xác định địa hình đồi dốc ở tỉnh Lâm Đồng có thuộc “ruộng bậc thang” hay không nên đang chờ ý kiến trả lời hướng dẫn từ Tổng cục Quản lý Đất đai. Sở TN&MT đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Chính phủ và Bộ TN&MT. 
 
MINH ĐẠO