Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động và bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội do COVID-19. Cũng như các tỉnh, thành khác, Lâm Đồng cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động và bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội do COVID-19. Cũng như các tỉnh, thành khác, Lâm Đồng cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt kinh tế, xã hội và đời sống của người dân.
Trong đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) liên tục giảm kể từ những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng nặng nề đến chỉ tiêu bao phủ BHXH tại Lâm Đồng. Số người tham gia BHXH giảm mạnh từ các nguyên nhân khách quan: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc, thu nhập người dân giảm do dịch bệnh nên có một bộ phận không thể tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH, BHXH tự nguyện,…
Tại Lâm Đồng, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động trực tiếp và rõ nét, nhất là ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất công nghiệp (may mặc, giày da…) và lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch.
Theo số liệu của BHXH tỉnh Lâm Đồng, đến hết tháng 6/2020, trong 21 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải tạm dừng đóng BHXH thì có 7 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp với hơn 2.890 lao động tạm dừng đóng BHXH; 4 doanh nghiệp với hơn 550 lao động dừng đóng BHXH và 7 doanh nghiệp với hơn 320 lao động tạm dừng đóng BHXH. Đến hết tháng 8/2020, còn 7 doanh nghiệp với hơn 900 lao động vẫn tiếp tục phải tạm dừng đóng BHXH.
Hiện nay, tổng số người tham gia BHXH là 93.225 người, trong đó: tham gia BHXH bắt buộc là 83.176 người, tham gia BHXH tự nguyện là 10.049 người. So với năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc giảm gần 5.000 người.
Xác định phát triển số người tham gia BHXH năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn, BHXH tỉnh Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH. Trong đó, tập trung quyết liệt rà soát dữ liệu người lao động tại các doanh nghiệp có quyết toán thuế nhưng chưa đóng BHXH, để thông báo tới các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật về BHXH. Sau 2 lần thông báo, nếu doanh nghiệp không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động theo quy định, BHXH tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH; trường hợp vẫn chây ỳ, không thực hiện theo quyết định xử phạt, BHXH tỉnh sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự theo Điều 216 của Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, BHXH tỉnh phân công viên chức chủ động liên hệ các doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn sau thời gian tạm dừng đóng BHXH do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp báo tăng lao động đi làm trở lại kịp thời để không ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
Mặt khác, BHXH tỉnh tập trung phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, bù đắp số người tham gia BHXH bắt buộc bị giảm. Tổ chức hiệu quả các đợt ra quân tuyên truyền, vận động trực tiếp để truyền tải chính sách BHXH tự nguyện tới người dân; tổ chức các hình thức truyền thông linh hoạt như: truyền thông online chính sách BHXH thông qua mạng xã hội (livestream), truyền thông lưu động tại các điểm đông dân cư theo hình thức gian hàng (trong tháng 9/2020 sẽ làm tại Chợ Đà Lạt), phối hợp với các xã, phường, thị trấn và Bưu điện tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại các khu phố, tổ dân phố, nhất là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
TRẦN VĂN