(LĐ online) - Liên quan tới vụ 11 con bò tót có nguồn gen quý hiếm được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) bị suy kiệt sau khi Dự án nghiên cứu của Bộ Khoa học Công nghệ kết thúc cuối năm 2019 khiến dư luận quan tâm, đặt câu hỏi...
(LĐ online) - Liên quan tới vụ 11 con bò tót có nguồn gen quý hiếm được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) bị suy kiệt sau khi Dự án nghiên cứu của Bộ Khoa học Công nghệ kết thúc cuối năm 2019 khiến dư luận quan tâm, đặt câu hỏi. Trả lời Báo Lâm Đồng sáng 30/9, ông Nguyễn Như Chương - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (đơn vị quản lý tạm thời đàn bò tót khi dự án kết thúc) không né tránh trách nhiệm thuộc về đơn vị và có những giải thích cặn kẽ hơn về sự việc nêu trên.
|
Hình bò tót lai F1 gầy đói tại trại khảo nghiệm Vườn Quốc gia Phước Bình. Ảnh: Đàm Linh |
Dự án phát triển nguồn gen quý hiếm
Theo ông Chương, để duy trì và phát triển nguồn gien quý hiếm xuất phát từ 1 cá thể bò tót rừng, giống đực thường xuyên về khu vực thôn Pạc Rây 2, xã Bắc Ái (nằm trong Vườn Quốc gia Phước Bình). Đầu năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hoà đã thống nhất mua lại 10 con bò tót lai F1 của người dân và tạo vùng chăn nuôi với môi trường sống của bò tót để thực hiện đề tài nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 trong dòng và giữa bò tót F1 và bò nhà. Sau đó, phía Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hoà rút khỏi dự án.
Tới đầu năm 2014, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt kiểm nghiệm cho kết quả 10 con bò tót F1 mua từ người dân đều có cặp NST là 2n=58 (bò nhà có cặp NST là 2n=60, bò tót rừng có cặp NST là 2n=56) nên có thể khẳng định chắc chắn bò F1 là “hậu duệ” của bò tót rừng. Tiếp tục thành công ban đầu trên, cuối năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý thành lập đề tài cấp nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng -Khánh Hòa” với kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng. Tới tháng 11/2019, đề tài này kết thúc.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa” vào tháng 6/2019 có kết quả “Đạt”. Cụ thể, kết quả nghiên cứu quần thể 10 con bò lai F1 (5 đực, 5 cái) phát triển tốt. Về lai trong quần đàn 10 con F1 có giao phối tự nhiên nhưng lai trong dòng rất hạn chế (bất thụ), chưa có trường hợp nào đậu thai giữa giao phối bò đực F1 với bò cái F1.
Về lai ngoài dòng đạt kết quả khả quan. Ghi nhận 1 bò cái lai F1 nuôi trong dân đậu thai do giao phối với bò đực nhà sinh ra 1 bê cái F2 vào năm 2015. Đến tháng 3/2017, F2 này đã phối giống với bò đực nhà sinh tiếp 1 con lai thế hệ F3 là bò đực (có 25% dòng máu bò tót). Về lai lui ngược, cá thể đực lai F1 của đề tài giao phối với bò cái nhà đậu thai và sinh cá thể cái F2 vào cuối 2017. Theo đánh giá, hai cá thể lai F2 trong và ngoài dự án triển khai lai lui cả hai chiều đều cho kết quả.
|
Đàn bò tót lai F1 khoẻ mạnh thời điểm dự án nghiên cứu đang triển khai. Ảnh: CHÍNH THÀNH |
Cần 50 triệu/tháng chăm sóc đàn bò
“Khi dự án còn trong thời gian triển khai, chúng tôi có 1 bác sĩ thú y, 1 nhân viên trung cấp chăn nuôi thú y trực 24/24 và 1 người bảo vệ, chăm sóc bò, cắt cỏ. Đàn bò được ăn thức ăn cỏ tươi, được chăn thả trên đồng cỏ thuê của người dân rộng 2 ha. Tới tháng 11/2019 dự án kết thúc, nguồn kinh phí không còn, chúng tôi là đơn vị sự nghiệp được giao tạm thời quản lý đàn bò phải trích 10 triệu đồng/tháng để mua cỏ khô cho bò ăn. Đây là nguồn quỹ tiết kiệm, đơn vị tự cân đối để nuôi 10 con bò tót lai F1, 1 bò lai F2 trước khi đợi cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định bàn giao việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển nguồn gen bò tót quý hiếm cho phía UBND tỉnh Ninh Thuận”- ông Chương chia sẻ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân tới thăm trang trại nghiên cứu nguồn gen bò tót tại xã Bắc Ái, Vườn Quốc gia Phước Bình rất bất ngờ khi chứng kiến đàn bò gầy trơ xương, suy kiệt do không được cho ăn đủ chất.
Về việc này, ông Chương nhận trách nhiệm 1 phần thuộc về đơn vị. “Tôi thừa nhận có biết đàn bò bị gầy đi nhiều so với thời điểm còn nghiên cứu dự án. Có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng trách nhiệm này trước tiên chúng tôi xin nhận về đơn vị” – ông Chương xác nhận.
Nhìn nhận thiếu giám sát chặt chẽ dẫn tới bò gầy guộc nhưng theo ông Chương lý giải, nguyên nhân chính vẫn là kinh phí hạn hẹp, bò không được ăn cỏ tươi và chăn thả tự do như thời điểm dự án nghiên cứu còn hoạt động. “Trước đây, bò được ăn cỏ tươi, được chăn thả trên đồng cỏ và có người giám sát là cán bộ thú y đảm bảo sức khoẻ, thể trạng đàn bò. Khi hết kinh phí thời điểm dự án kết thúc, chúng tôi chỉ cầm cự bằng cách thuê người cho bò ăn trong chuồng trại; đồng thời, trích nguồn tiền tiết kiệm của trung tâm mua 200 bó rơm, tương đương 10 triệu đồng/tháng cho bò ăn trong thời gian đợi bàn giao tài sản cho phía tỉnh Ninh Thuận” - ông Chương nói và cho biết mình cũng chỉ đạo anh em mua bắp, cỏ tươi và cám gia súc vào ngày hôm qua để bổ sung dưỡng chất hồi phục cân nặng cho đàn bò tót quý hiếm trên.
Trong khi đó, để đảm bảo đàn bò được phát triển khoẻ mạnh, tạo tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo thì cần nuôi theo chuẩn với đầy đủ thức ăn thô, tinh, có thú y chăm sóc và được vận động mỗi ngày thì đòi hỏi tốn 50 triệu/tháng cho đàn bò tót lai khoảng 10 con.
Theo tìm hiểu, cũng do thiếu kinh phí chăm sóc, phía Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng ngay khi kết thúc đề tài cuối năm 2019 đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận để bàn giao tài sản là 10 con bò F1 và 1 con bò F2 cho Vườn quốc gia Phước Bình. Hiện, theo văn bản về mặt chủ trương, hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng đã đồng ý chuyển giao đàn bò tót cho Vườn Quốc gia Phước Bình nhưng tới thời điểm này chưa có quyết định chính thức.
CHÍNH THÀNH