Thứ 5, 17/04/2025, 01:17

Phát triển hạ tầng thương mại trong xây dựng nông thôn mới (bài 1)

05:09, 28/09/2020

Tiêu chí số 7 là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới...

Tiêu chí số 7 là một trong những tiêu chí quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), chợ nông thôn không chỉ là nơi giao thương buôn bán của bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn là đích đến văn minh thương mại NTM. Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ cũng đang được các địa phương kêu gọi, đẩy mạnh thực hiện. 
 
Chợ Phi Liêng được doanh nghiệp đầu tư xây dựng khang trang nhưng vắng bóng tiểu thương, hoạt động kinh doanh ảm đạm
Chợ Phi Liêng được doanh nghiệp đầu tư xây dựng khang trang nhưng vắng bóng tiểu thương, hoạt động kinh doanh ảm đạm
 
Thực tiễn quá trình xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống chợ mới được đầu tư bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa đã khẳng định tính đúng đắn, cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu. Hiện, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đang tiếp tục khảo sát, xúc tiến đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn. Thế nhưng, chuyện xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang phát sinh không ít bất cập tại một số địa phương, trong đó có huyện Đam Rông. 
 
Khi tiểu thương “chê” chợ
 
Trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Đam Rông đã xây dựng được nhiều chợ NTM, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán tiêu thụ hàng hóa của Nhân dân. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều chợ sau khi hoàn thành, vì nhiều lý do nên không được khai thác hiệu quả, thậm chí còn không hoạt động, bị bỏ hoang, gây lãng phí. 
 
Chợ Đạ Tông (xã Đạ Tông) được xây dựng mới dựa trên quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chợ mới xây dựng được kỳ vọng sẽ là trung tâm thương mại tập trung, phục vụ cho nhu cầu buôn bán trao đổi hàng hóa của bà con ba xã Đầm Ròn (Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’Rông). 
 
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ cơ sở hạ tầng chợ Đạ Tông đã xây dựng hoàn thành, chia thành hai phân khu: khu nhà lồng và khu hàng tươi sống. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng về điện, cấp thoát nước, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… được bố trí đầy đủ, khoa học và tiện lợi cho các tiểu thương và khách hàng. 
 
Thế nhưng, sau khi hoàn thành, chợ lại không thu hút tiểu thương vào mua bán cũng như người dân đến chợ. Phía ngoài cổng, chỉ lác đác vài sạp bày bán trái cây, quần áo với sức mua ảm đạm, kém sôi động so với kỳ vọng ban đầu. 
 
Chị Nguyễn Thị Xuân, chủ tiệm tạp hóa sống gần chợ cho biết: Đại đa số các tiểu thương hoạt động tại chợ đều buôn bán nhỏ lẻ, doanh thu không nhiều, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn... Trong khi đó, số tiền thuê trong thời hạn 20 năm đối với ki ốt lên đến vài trăm triệu đồng/ki ốt hoặc sạp là quá cao, lại phải nộp 1 lần. 
 
“Số tiền này quá sức với tiểu thương, chúng tôi biết lấy đâu ra tiền để nộp. Nhiều tiểu thương cũng đã xin nhà đầu tư giảm giá sạp chợ, ki ốt xuống nhưng họ không chịu. Qua chợ mới buôn bán ế ẩm, trụ không nổi nên chúng tôi lại phải dọn về” - chị Xuân chia sẻ.
 
Không riêng Chợ Đạ Tông, tại Chợ Đạ K’Nàng (xã Đạ K’Nàng), Chợ Phi Liêng (xã Phi Liêng), do doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đam Rông tham gia đầu tư xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa cũng gặp tình cảnh đìu hiu, nhiều tiểu thương “chê” chợ không vào. 
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: Để đáp ứng nhu cầu giao thương, buôn bán của người dân trên địa bàn huyện, UBND huyện Đam Rông đã tiến hành quy hoạch phát triển chợ, trung tâm thương mại đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
 
Việc xây dựng được thực hiện theo hình thức xã hội hóa thu hút đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 chợ đang hoạt động là Chợ Đạ Rsal, Chợ Phi Liêng và Chợ Đạ K’Nàng. Trong đó, Chợ Đạ Rsal đã triển khai chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước sang doanh nghiệp quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; Chợ Đạ K’Nàng và chợ Phi Liêng là chợ hạng 3 do doanh nghiệp đầu tư. 
 
Nhìn chung, thực trạng chung của các chợ trên địa bàn huyện là số hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ còn ít, các mặt hàng chưa phong phú, đa dạng, nên chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hóa của người dân. 
 
Bất đồng lợi ích doanh nghiệp - tiểu thương
 
Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông nhìn nhận: Thói quen trao đổi, buôn bán hàng hóa của bà con trong xã diễn ra theo từng cụm dân cư nên Chợ Đạ Tông có rất ít người đến buôn bán. Thêm vào đó, bất đồng lợi ích giữa doanh nghiệp và các hộ tiểu thương đang là rào cản lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, hoạt động của chợ mới được xây dựng tại Đạ Tông. 
 
Sau khi Chợ Đạ Tông được xây dựng hoàn thành, chính quyền địa phương đã làm việc với các tiểu thương kinh doanh trong xã, vận động họ di dời về chợ mới để kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, rất nhiều hộ bày tỏ quan điểm sẽ không vào chợ, một số hộ đăng ký nhưng chỉ được vài hôm lên buôn bán thử đã phải kéo về địa điểm cũ buôn bán.
 
Tại Chợ Phi Liêng, hoạt động kinh doanh của chợ cũng không khá hơn là bao. Một đại diện Ban Quản lý Chợ Phi Liêng chia sẻ: So với số vốn bỏ ra, doanh thu mà doanh nghiệp thu về không như kỳ vọng. 
 
“Ở xã nghèo như Phi Liêng, bà con thỉnh thoảng chỉ có vài “mớ rau, con cá” ra chợ ngồi bán, chẳng lẽ mình thu tiền của họ. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường, hàng tháng, chúng tôi vẫn phải chi tiền cho công nhân quét dọn. Chi phí cho thuê chợ hiện nay thậm chí còn chưa đủ để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý chợ chứ chưa hề có lãi”, đại diện Ban Quản lý Chợ Phi Liêng cho hay. 
 
Yêu cầu của các tiểu thương về mức tiền thuê mặt bằng nên được chia ra nộp nhiều lần, là rất khó. Bởi lẽ, quy định sau khi đấu giá trúng, người thuê phải nộp 1 lần; nguồn kinh phí xây là do doanh nghiệp đầu tư chứ không phải là ngân sách nhà nước. Vì vậy, nếu nhà đầu tư cho phép nộp nhiều lần sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Bởi, khi đã vào buôn bán, các tiểu thương đưa ra các lý do như kinh doanh ế, lỗ... không chịu nộp số tiền còn lại thì doanh nghiệp không có cách xử lý, chính quyền địa phương cũng không thể can thiệp được.
 
Theo ông Nguyễn Văn Chính, giữa doanh nghiệp và tiểu thương chưa có sự thống nhất về giá thuê ki ốt hoặc sạp tại các chợ. Trong khi doanh nghiệp khi đầu tư tiền tỷ xây chợ thì muốn thu hồi vốn nhanh, nhưng với giá cho thuê lên đến 300 - 500 triệu đồng/ki ốt mà doanh nghiệp đưa ra thì quả thật là con số quá lớn đối với các tiểu thương, đặc biệt là tại huyện nghèo, sức mua thị trường còn yếu như Đam Rông. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ làm việc với doanh nghiệp và các hộ tiểu thương để sớm tìm giải pháp tháo gỡ nút này.
 
HOÀNG SA