
Bằng nguồn vốn huy động từ sức dân, những năm qua, nhiều ngôi chợ mới tại huyện Đơn Dương đã được đầu tư xây dựng...
[links()]
![]() |
Chợ Quảng Lập được đầu tư xây dựng hơn 11 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của Nhân dân
|
Bằng nguồn vốn huy động từ sức dân, những năm qua, nhiều ngôi chợ mới tại huyện Đơn Dương đã được đầu tư xây dựng. Không chỉ giúp tiểu thương an cư lạc nghiệp, mở rộng giao lưu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hệ thống chợ nông thôn còn giúp huyện Đơn Dương phát triển kinh tế - xã hội.
Những ngôi chợ từ sức dân
Chợ Lạc Lâm họp chợ từ khi được đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng, số tiểu thương tham gia buôn bán tại chợ không ngừng tăng lên. Các mặt hàng kinh doanh cũng đa dạng, phong phú hơn trước. Nhiều người dân khi đi mua sắm ở chợ Lạc Lâm chia sẻ rằng: Trước đây chợ nhỏ, ít người bán nên các mặt hàng cũng kém đa dạng, hoặc muốn mua đồ tươi sống phải đi chợ từ rất sớm nhưng nay số lượng và mặt hàng nhiều, người dân muốn mua gì cũng có.
Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết: Chợ Lạc Lâm được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2007, có diện tích xây dựng 2.184 m2. Tổng số tiền xây dựng gần 1,75 tỷ đồng với quy mô ban đầu có 60 quầy sạp và 44 ki ốt. Kể từ khi đưa vào sử dụng, hoạt động kinh doanh tại chợ rất ổn định về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Đặc biệt là số lượng tiểu thương hoạt động tại chợ không ngừng được tăng lên.
Theo ông Trí, nhiều chợ nông thôn trong tỉnh được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Nhà nước hay xã hội hóa từ doanh nghiệp. Riêng Chợ Lạc Lâm được xây dựng hầu như dựa vào sự đóng góp từ sức dân. Từ một chợ tạm bợ, xập xệ trước đây, chỉ sau một thời gian tuyên truyền, vận động, các tiểu thương đang buôn bán tại đây thống nhất đóng góp gần như 100% kinh phí để cùng UBND xã sửa chữa, nâng cấp chợ.
Sau khi lên phương án xây dựng, dự trù kinh phí, UBND xã đã mời toàn bộ tiểu thương, hộ kinh doanh trong xã đến họp và đi đến thống nhất: Mỗi tiểu thương đóng góp từ 25 - 30 triệu đồng/ki ốt và 12 - 13 triệu đồng/sạp, tùy vị trí kinh doanh tại chợ và được ký hợp đồng sử dụng mặt bằng, ki ốt với thời gian lên đến 25 năm. Các hộ tiểu thương cũng có quyền được thỏa thuận, ký hợp đồng sang nhượng lại mặt bằng kinh doanh dưới dự giám sát của Ban Quản lý chợ. Trong quá trình kinh doanh, buôn bán, tiểu thương chỉ phải đóng các khoản phí như: Vệ sinh, thu gom, xử lý rác thải bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh chợ và an toàn cho người dân nên Nhân dân rất phấn khởi.
Đặc biệt, đến hết năm 2013, Chợ Lạc Lâm được Dự án Lifsap tỉnh đầu tư xây dựng khu bán thực phẩm tươi sống. Điều này làm cho chất lượng hạ tầng chợ khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhu cầu mua, bán và bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Cách đó không xa, Chợ xã Quảng Lập cũng được đầu tư xây dựng và hoạt động chủ yếu dựa vào sức dân. Ông Võ Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lập chia sẻ: Chợ Quảng Lập bây giờ đã là một chợ liên xã, giữ vai trò trung tâm thương mại trong việc giao thương buôn bán giữa 5 xã Nam sông Đa Nhim gồm: Ka Đô, Quảng Lập, Ka Đơn, Próh và Tu Tra.
Chợ Quảng Lập được đầu tư xây dựng từ năm 2011 với nguồn kinh phí hơn 11 tỷ đồng theo quy mô chợ loại II. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng hệ thống điện, đường nội bộ, số còn lại hoàn toàn do Nhân dân đóng góp. Hệ thống Chợ Quảng Lập được bố trí, phân chia làm 3 khu riêng biệt, bố trí các mặt hàng kinh doanh phù hợp.
Theo ông Cường, với diện tích, quy mô xây dựng lớn nên khi triển khai xây dựng chợ, UBND xã vướng khâu đền bù, giải tỏa cho các hộ dân. Để gỡ nút thắt này, chính quyền xã đã kiên trì vận động, tổ chức họp để thực hiện việc hoán đổi đất cho người dân. Đổi lại, người dân có đất hoán đổi được ưu tiên chọn vị trí quầy, ki ốt khi chợ xây dựng xong.
Đến nay, toàn bộ 216 ki ốt, quầy kinh doanh tại Chợ Quảng Lập đã được lấp đầy. Vấn đề vệ sinh môi trường được cải thiện; công tác phòng cháy, chữa cháy được đảm bảo; ý thức chấp hành chính sách, pháp luật Nhà nước trong kinh doanh, mua bán của tiểu thương ở các chợ cũng được nâng cao.
Hiệu quả rõ rệt
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, kinh tế - xã hội ở Đơn Dương đã có nhiều đổi thay. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng. Các trang trại sản xuất, chăn nuôi tập trung ngày càng phát triển, đặc biệt là hạ tầng thương mại - dịch vụ đã có bước khởi sắc đáng kể.
Ông Trần Thanh Vũ - Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đơn Dương cho biết: Toàn huyện Đơn Dương có 10 xã, thị trấn thì đến nay đã được đầu tư xây dựng 9 chợ nông thôn. Riêng xã Đạ Ròn, do khoảng cách địa lý gần Chợ Phi Nôm và Thạnh Mỹ nên huyện Đơn Dương chủ trương không quy hoạch xây dựng chợ.
Hiện, trên địa bàn huyện có 4 chợ được xây dựng dựa hoàn toàn vào đóng góp của Nhân dân gồm: Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập, Tu Tra; 2 chợ tại thị trấn D’ran và Thạnh Mỹ được nhà đầu tư và Nhân dân cùng nhau đóng góp xây dựng; Chợ Lạc Xuân được hình thành từ xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư; riêng 2 chợ Próh và Ka Đơn được đầu tư xây dựng theo Chương trình 135.
Theo ông Vũ, các chợ nông thôn ở Đơn Dương đã phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Đây cũng là nơi để nông dân các địa phương trong vùng mang nông sản đến trao đổi và cũng là cầu nối cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tại các chợ nông thôn qua các năm không ngừng tăng lên với giá cả tương đối ổn định, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Để phát huy hiệu quả của các chợ nông thôn, trong 5 năm qua, Đơn Dương đã làm tốt công tác quy hoạch lại mạng lưới chợ. Một số chợ nhỏ hoạt động kém hiệu quả đã được xóa bỏ. Bên cạnh chỉ đạo các xã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp chợ, huyện cũng sử dụng vốn khuyến thương hỗ trợ cho các xã khó khăn để cải tạo lại chợ.
HOÀNG SA