Đường, không phải đường mà là đường, nhưng lại cấp chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất ngay trên đường, khiến doanh nghiệp trúng đấu giá tài sản nhà, đất rơi vào thế ngõ cụt suốt nhiều năm qua…
[links()]
Đường, không phải đường mà là đường, nhưng lại cấp chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất ngay trên đường, khiến doanh nghiệp trúng đấu giá tài sản nhà, đất rơi vào thế ngõ cụt suốt nhiều năm qua…
|
Sau khi được cấp GCNQSDĐ, bà Tuyết đã tự ý cho cải tạo nhà và đổ bê tông lấn rừng |
Vụ việc lòng vòng, nhiều khuất tất trên xảy ra tại thửa đất số 79, tờ bản đồ D94-III (29), địa chỉ 27B đường Ba Tháng Tư, thuộc khu vực Tiểu khu 266B, Đồi Lộng gió nằm ở cửa ngõ TP Đà Lạt, như Báo Lâm Đồng đã phản ánh trong bài “Có không việc “hô biến” đất công thành đất tư nhân?”.
Cụ thể, sau khi mua trúng đấu giá nhà, đất tại số 27B đường Ba Tháng Tư (Phường 3, TP Đà Lạt), với diện tích 688 m2 tại Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Nam Bình Thuận (địa chỉ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ trên, và đã được Phòng Công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng (công chứng số 4676, quyển số 53TP/CC-SCC/HĐGD ngày 4/12/2014) xác nhận doanh nghiệp mua đấu giá hoàn thành; được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số BU 366339 ngày 23/3/2015. Theo đó, họa đồ hiện trạng lô đất ghi trong GCNQSDĐ cấp cho Công ty TNHH Nam Bình Thuận này thể hiện rõ phía Tây có một lối đi chung rộng 4 m (được lãnh đạo TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng xác nhận).
Đại diện của Công ty TNHH Nam Bình Thuận cho biết: Khi tổ chức đấu giá nhà, đất tại địa chỉ trên, các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt, Lâm Đồng cũng khẳng định có một lối đi chung rộng 4 m nên doanh nghiệp mới tham gia đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế bà Trần Thanh Tuyết (sinh năm 1975, thường trú tại TP Đà Lạt) đã chiếm dụng, cải tạo nới rộng nhà kho thành nhà ở ngay trên lối đi chung này. Do bị ảnh hưởng quyền lợi, kể từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH Nam Bình Thuận đã liên tục gửi đơn đến UBND TP Đà Lạt, cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng kiến nghị xử lý, trả lại nguyên trạng con đường, nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đã vậy, ngày 9/1/2020, UBND TP Đà Lạt lại cấp GCNQSDĐ cho bà Trần Thanh Tuyết và ông Đỗ Văn Thanh (sinh năm 1972) ngay trên phần đất công sản (theo họa đồ hiện trạng khu đất Nhà nước đã bán đấu giá tại địa chỉ 27B, đường Ba Tháng Tư, thuộc thửa đất số 79, tờ bản đồ số 29, Phường 3, TP Đà Lạt thể hiện lối đi chung), khiến doanh nghiệp bất bình.
Vậy nhưng, khi mang bức xúc của doanh nghiệp làm việc với lãnh đạo các cấp từ UBND Phường 3 đến UBND TP Đà Lạt, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “Trên thực tế tại thửa đất số 79, tờ bản đồ số 29, Phường 3, TP Đà Lạt không có đường”. Kết luận của biên bản làm việc giữa đại diện các cơ quan hữu quan của tỉnh, TP Đà Lạt, UBND Phường 3 và doanh nghiệp Nam Bình Thuận cũng ghi: Vị trí lô đất, theo họa đồ thu hồi phía Tây có một lối đi chung rộng 4 m. Tuy nhiên, thực tế không có lối đi chung này, phần đất này thuộc đất công sản.
Trong họa đồ hiện trạng lô đất ghi nhận đường, trên thực tế lại không có đường đã là chuyện bất thường. Đã vậy, tại hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Thanh, bà Tuyết tại thửa đất 998 (gốc là thửa 142), tờ bản đồ số 29 lại thể hiện tứ cận có tới 3 đường hẻm thì quả thật là không bình thường. Cụ thể, tại biên bản xác định ranh giới, mốc giới kích thước thửa đất (theo hiện trạng sử dụng) nhằm xác nhận tứ cận tại địa chỉ trên cho bà Tuyết, để không ký tứ cận, biên bản xác nhận đất không tranh chấp; các chủ đất sử dụng đất tiếp giáp phía Đông ghi hẻm qui hoạch (gồm một phần thửa 142), phía Tây thuộc đất Công ty Công trình đô thị quản lý; phía Nam và phía Bắc giáp hẻm công cộng. Trong khi đó, thực tế phía Đông là thửa đất số 79 (trước có ngôi nhà mang số 27B đường Ba Tháng Tư) mà Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt bán đấu giá cho Công ty TNHH Nam Bình Thuận; được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ số BU 366339, với diện tích 688 m2, loại đất OTD (đất ở đô thị).
Điều đáng nói, dù thể hiện là hẻm công cộng, nhưng sau vài lần trả hồ sơ vì dính đất rừng, ngày 9/1/2020, UBND TP Đà Lạt lại cấp GCNQSDĐ cho bà Tuyết, ông Thanh với diện tích 200 m
2 đất ở đô thị và tài sản nhà ở diện tích 68,87 m
2 gắn liền với đất tại thửa đất 998, tờ bản đồ số 29 nằm trên lối đi chung rộng 4 m (đang kiến nghị thu hồi) và một phần thuộc đất qui hoạch rừng phòng hộ của Đà Lạt.
Khi có được GCNQSDĐ, từ cuối tháng 7/2020, bà Tuyết đã tự ý cho cải tạo nhà kho thành nhà ở hoàn chỉnh, rồi gắn bảng số 27B/1 đường Ba Tháng tư. Và chỉ khi báo chí vào cuộc (ngày 10/8/2020), Ban Quản lý rừng Lâm Viên cùng lực lượng chức năng TP Đà Lạt mới lập biên bản hiện trường việc bà Tuyết cho đổ bê tông chiếm dụng đất rừng thuộc lô C, khoảnh 2, Tiểu khu 266B. Đồng thời, buộc bà Tuyết tháo dỡ toàn bộ diện tích bê tông lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại khu vực trên.
Cùng với đó, theo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Lạt, đơn vị này cũng đang ngăn chặn việc giao dịch chuyển nhượng 200 m2 đất và nhà tại khu vực Tiểu khu 266B (Phường 3, TP Đà Lạt) của bà Trần Thanh Tuyết để chờ cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Liên quan vụ việc, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản giao Thanh tra TP Đà Lạt chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Lạt, UBND Phường 3 và các đơn vị liên quan thẩm tra việc cấp GCNQSDĐ tại các thửa đất 79, 998, tờ bản đồ 29 tại địa chỉ trên. Đối chiếu các qui định hiện hành để tham mưu, đề xuất UBND TP Đà Lạt giải quyết và xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức vi phạm (nếu có) theo qui định.
Trước đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng có các văn bản (gửi kèm đơn thư của Công ty TNHH Nam Bình Thuận) đề nghị UBND TP Đà Lạt xem xét, giải quyết, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh nội dung đơn kiến nghị hỗ trợ giải phóng mặt bằng do ông Thủy, bà Ái (nay đã chuyển nhượng cho bà Tuyết, ông Thanh) lấn chiếm phần đất công mà Công ty TNHH Nam Bình Thuận mua trúng đấu giá tại số 27B đường Ba Tháng Tư (Phường 3, TP Đà Lạt). Vụ việc kéo dài từ năm 2015 đến nay nhưng chưa được giải quyết, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp. |
THỤY TRANG