Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đơn Dương đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng. Để từ đó, đời sống không ngừng phát triển, trở thành huyện có tỷ lệ ĐBDTTS ổn định kinh tế của tỉnh.
Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở Đơn Dương đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng. Để từ đó, đời sống không ngừng phát triển, trở thành huyện có tỷ lệ ĐBDTTS ổn định kinh tế của tỉnh.
|
Gia đình ông K’Biêr có thu nhập cao nhờ thay đổi tư duy sản xuất |
Cách đây khoảng 10 năm, sản xuất nông nghiệp ở vùng ĐBDTTS còn lạc hậu, năng suất, chất lượng cây trồng thấp, chủ yếu sản xuất để có lương thực phục vụ đời sống gia đình, chưa sản xuất hàng hóa. Đời sống của ĐBDTTS còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS năm 2009 là trên 30%.
Từ tình hình thực tế trên, huyện Đơn Dương chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBDTTS. Qua đó, đã tổ chức các lớp khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hội thảo cho nông dân vùng ĐBDTTS, hướng dẫn họ về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng giống mới có chất lượng, năng suất trong sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ, lực lượng cộng tác viên khuyến nông, thú y cơ sở tại các thôn ĐBDTTS để trực tiếp theo dõi và hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi ứng dụng công nghệ tiên tiến; hỗ trợ giống mới đạt năng suất cao. Đặc biệt, chương trình nông nghiệp công nghệ cao, chọn một số hộ ĐBDTTS có năng lực để hỗ trợ đầu tư mô hình điểm, sau đó nhân rộng mô hình.
Gia đình ông K’Biêr (thôn HaWai, xã Tu Tra), trước năm 2015 chỉ trồng lúa nên chỉ đủ ăn. Ông cho biết, nhờ làm công tác khuyến nông của xã nên ông cũng nắm được tinh thần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, học hỏi được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Với số tiền được Nhà nước hỗ trợ, cộng với vay thêm ngân hàng, ông đầu tư trồng rau màu. Ban đầu, ông đầu tư 3 sào để trồng ớt chuông. Khi đã có thu nhập tốt, ông đầu tư thêm 4 sào. Hiện tại, với 7 sào nhà lưới trồng ớt, hàng tháng, gia đình ông thu nhập trên 50 triệu đồng.
Hầu hết hộ ĐBDTTS ở huyện Đơn Dương đều biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển diện tích đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, diện tích sản xuất lúa chỉ còn 2.500 ha (chiếm 12,3% đất sản xuất nông nghiệp), diện tích canh tác rau thương phẩm là 4.600 ha (chiếm 40% diện tích), hầu hết ứng dụng công nghệ cao như phủ bạt nông nghiệp, ứng dụng hệ thống tưới tự động. Riêng đối với diện tích sản xuất rau trong nhà lưới, nhà kính có trên 100 ha. 100% diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng giống mới đạt năng suất, chất lượng cao. ĐBDTTS đã biết sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng được sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông K’Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết, qua công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBDTTS, nhận thức của bà con đã thay đổi, họ hưởng ứng tích cực và tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Chính vì vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích ở vùng ĐBDTTS đạt gần 170 triệu đồng/ha/năm, đời sống vật chất ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá cao. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ĐBDTTS còn 1,85% theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ khá giàu tăng rõ rệt. Bộ mặt nông thôn vùng ĐBDTTS có nhiều khởi sắc, góp phần tích cực hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh vào năm 2025.
Trong thời gian tới, huyện sẽ đầu tư, hỗ trợ, lồng ghép tốt các chương trình, dự án, đề án phát triển sản xuất, đặc biệt đẩy mạnh chương trình nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh trong vùng ĐBDTTS; có chính sách ưu đãi cho các hộ ĐBDTTS vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tuyên truyền, vận động nông dân vùng ĐBDTTS phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vận động bà con tham gia vào hợp tác xã, sản xuất có liên kết với các doanh nghiệp để gắn liên kết với tiêu thụ sản phẩm ổn định.
HOÀNG YÊN