Bắc thang để ra, vào nhà

11:10, 25/10/2020

Vụ việc xảy ra tại nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi, TP Đà Lạt vì hàng xóm xây dựng công trình ngay trên lối đi chung, khiến gia chủ muốn ra, vào nhà giờ phải bắc thang để leo qua...

Vụ việc xảy ra tại nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi, TP Đà Lạt vì hàng xóm xây dựng công trình ngay trên lối đi chung, khiến gia chủ muốn ra, vào nhà giờ phải bắc thang để leo qua…
 
Để ra, vào nhà ông Mẫn phải đi bằng thang sắt
Để ra, vào nhà ông Mẫn phải đi bằng thang sắt
 
Theo ông Trần Hữu Mẫn (SN 1960), người sở hữu nhà, đất tại 81 Nguyễn Văn Trỗi (Phường 2, TP Đà Lạt), đầu tháng 5/2020, ông, bà Trần Bé Anh - Trần Thị Thanh Thúy trong quá trình thi công xây dựng nhà ở đã cho đổ đất, đá bít luôn lối đi chung, làm ông không thể ra vào nhà. Khi xảy ra vụ việc, gia đình ông Mẫn mới biết ông Anh, bà Thúy đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), bao luôn lối đi chung nên gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền đề nghị giải quyết. 
 
Cũng theo ông Mẫn, nguồn gốc nhà, đất trên do ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (SN 1967) mua lại tài sản thừa kế do bà Nguyễn Thị Khai (SN 1936, ngụ Phường 2, TP Đà Lạt) đứng tên vào ngày 20/6/2005. Khi mua bán, nhà số 81 đã có lối đi chung là con hẻm nhỏ từ đường Nguyễn Văn Trỗi băng qua trước mặt nhà ông Nguyễn Văn Hồng. Và cũng từ đó đến nay, gia đình ông chỉ sử dụng duy nhất lối đi này để ra vào nhà (vì mặt đường Nguyễn Văn Trỗi cao hơn nhà bên dưới hơn 4 m). 
 
Để chứng minh, ông Mẫn cung cấp hồ sơ hợp đồng mua bán nhà và biên bản kiểm tra xác minh hiện trường việc chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Lạt cho bà Nguyễn Thị Khai. Biên bản do ông Kiều Ngọc Ánh, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Lạt và ông Đặng Ngọc Bửu, cán bộ địa chính Phường 2 (TP Đà Lạt), xác lập ngày 20/5/2005. Trong đó, họa đồ thể hiện thửa đất có lối đi chung đã được các hộ sử dụng đất giáp cận với thửa đất số 206 thuộc tờ bản đồ số 11 (Phường 2, TP Đà Lạt), nay là nhà, đất số 81 Nguyễn Văn Trỗi, trong đó ông Nguyễn Văn Hồng (người đứng tên sở hữu nhà, đất thuộc thửa 207, nay là tài sản của ông, bà Trần Bé Anh - Trần Thị Thanh Thúy) cùng ký xác nhận hiện trạng, cam kết không có tranh chấp.
 
Từ biên bản trên, ngày 10/6/2005, Phòng TN&MT TP Đà Lạt trích xuất cấp họa đồ hiện trạng (tỷ lệ 1/400 m) mặt bằng nhà ở gắn liền với đất ở cho nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi, thể hiện lối đi chung song hành với đường Nguyễn Văn Trỗi ngang qua mặt nhà ông Hồng. Dựa trên văn bản này, ông Mẫn, bà Khai đã làm hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất (có chứng nhận của Phòng Công chứng số 1 tỉnh Lâm Đồng). Đến tháng 7/2005, gia đình ông Mẫn dọn về nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi ở cho đến nay, không có bất cứ tranh chấp nào.
 
Hàng xóm xây nhà bít luôn lối vào nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi
Hàng xóm xây nhà bít luôn lối vào nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi
 
Và rồi, đầu tháng 5/2020, hộ ông Anh, bà Thúy trong khi đào móng xây nhà đã bao chiếm luôn lối đi chung, làm gia đình ông Mẫn rơi vào thế bị động vì mất lối đi nên làm đơn gửi chính quyền các cấp xem xét lại việc UBND TP Đà Lạt cấp GCNQSDĐ, và việc cấp phép xây dựng công trình nhà ở tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Trỗi cho ông Anh, bà Thúy bao luôn đường đi.
 
Dù thực tế và giấy tờ chứng minh có một lối đi chung đã tồn tại từ nhiều năm qua, nhưng tại Văn bản trả lời giải quyết đơn khiếu nại công dân số 5146/UBND của UBND TP Đà Lạt ngày 7/9/2020, lại khẳng định không có cơ sở để xem xét giải quyết đề nghị của vợ chồng ông Mẫn đối với việc ngăn chặn thi công công trình theo Giấy phép xây dựng số 2055/GPXD của ông Anh, bà Thúy. 
 
Lý do bác đơn của vợ chồng ông Mẫn được thể hiện tại văn bản này vì qua kiểm tra hiện trường và rà soát hồ sơ pháp lý đã xác định “Có sự sai khác giữa GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BI 682458 do UBND TP Đà Lạt cấp ngày 18/4/2012 cho ông bà Trần Bé Anh - Trần Thị Thanh Thúy và biên bản xác minh hiện trạng mặt bằng nhà ở gắn liền với đất ngày 20/5/2005 do Phòng TN&MT thiết lập (về lối tiếp cận chính đường Nguyễn Văn Trỗi, lối đi chung không thể hiện kích thước)”. 
 
Theo đó, đất của ông Anh, bà Thúy thuộc thửa 207, tờ bản đồ số 11 (Phường 2, TP Đà Lạt), nguồn gốc năm 2006, UBND TP Đà Lạt cấp GCNQSDĐ số AD 431203 cho ông Nguyễn Văn Hồng (không thể hiện lối đi chung). Một năm sau, ông Hồng lập hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất cho bà Nguyễn Thị Hạnh. Năm 2012, bà Hạnh lập hợp đồng tặng lại cho ông Anh, bà Thúy. 
 
Cũng theo văn bản của thành phố, trong hồ sơ trích lục bản đồ địa chính Phường 2 xác lập năm 1996; Quyết định số 129/QĐ-UB năm 2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc quy định đường hẻm, lộ giới giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt; ý kiến của một số hộ dân sinh sống lâu năm tại khu vực, và cả Nghị định số 129/LT ngày 17/10/1951 của Hoàng Triều Cương Thổ TP Đà Lạt cấp cho chủ sử dụng đất thuộc nhà 81 Nguyễn Văn Trỗi trước đây đều không thể hiện có lối đi chung. 
 
Nhưng biên bản này ghi nhận hai thửa đất 206 và 207 thuộc tờ bản đồ số 11 (Phường 2, TP Đà Lạt), có bình độ thấp hơn so với đường Nguyễn Văn Trỗi từ 3 đến 4m. Phần đất của ông Mẫn, bà Hồng đang sử dụng tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Trỗi (tuy nhiên, do thửa đất có bình độ thấp hơn so với đường Nguyễn Văn Trỗi) nên gia đình ông Mẫn sử dụng lối đi ngang mặt tiền thửa đất số 207 của ông Anh, bà Thúy. Dù vậy, trong quá trình sử dụng đất năm 1994, bà Nguyễn Thị Liên và bà Nguyễn Thị Trường có lập giấy xin đi nhờ qua phần đất của người em là ông Nguyễn Văn Hồng (giấy viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương). 
 
Căn cứ vào các cứ liệu trên, UBND TP Đà Lạt cho rằng: Việc lập biên bản kiểm tra xác minh hiện trường xin chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Đà Lạt năm 2005, của Trung tâm Gis (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Đà Lạt) có thể hiện lối đi chung cho nhà số 81 Nguyễn Văn Trỗi là sai sót, không đúng thực tế (?!). Đồng thời thống nhất cho ông Anh, bà Thúy tiếp tục được thi công công trình xây dựng tại số 81 Nguyễn Văn Trỗi theo đúng nội dung Giấy phép xây dựng số 2055/GPXD ngày 11/11/2019 do UBND TP Đà Lạt cấp. 
 
Có được văn bản này, gia đình ông Anh, bà Thúy tiếp tục cho thi công xây dựng công trình nhà ở, đào móng xây bít luôn lối đi chung, buộc người nhà ông Mẫn từ hơn hai tuần qua tới nay phải sử dụng thang sắt để ra, vào nhà.
 
Bức xúc vì cách giải quyết không thỏa đáng, gia đình ông Mẫn tiếp tục có đơn khiếu nại gửi HĐND, UBND tỉnh kiến nghị được xem xét giải quyết khách quan, thấu tình đạt lý. Nội dung đơn, ông Mẫn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc UBND TP Đà Lạt không đưa nội dung biên bản xác minh hiện trường có các hộ đã ký giáp ranh tứ cận ngày 20/5/2005, xác nhận hiện trạng nhà đất đã có lối đi chung. 
 
Đồng thời, ngày 20/6/2005, bà Nguyễn Thị Khai (người đại diện hợp pháp đã được ủy quyền), đã ký kết hợp đồng bán căn nhà trên cho ông Mẫn, trong khi ngày 4/11/2005, ông Nguyễn Văn Hồng mới làm biên bản xác minh hiện trạng mặt bằng để làm hồ sơ cấp sổ đất nhưng lại không mời ông Mẫn mà thay vào đó là một người khác không có nghĩa vụ, quyền lợi ký tên vào biên bản tứ cận để thành phố cấp GCNQSDĐ ở cho ông Hồng?. 
 
Ông Mẫn cũng trình cơ quan chức năng biên bản làm việc của Phòng Xây dựng giao thông Đà Lạt về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của bà Trần Thị Sáo, Nguyễn Thị Liên (nhà số 79 và 81 Nguyễn Văn Trỗi) đề ngày 29/9/1995 đề nghị giải quyết việc bà Nguyễn Thị Minh nhà 81A Nguyễn Văn Trỗi xây nhà lấn chiếm lối đi chung. Tại văn bản này, Đoàn kiểm tra kết luận nội dung khiếu nại của các hộ dân là hợp lý, đồng thời yêu cầu bà Minh trả lại hiện trạng đường cũ. Văn bản này được gửi đến UBND TP Đà Lạt và Sở Xây dựng Lâm Đồng để biết và xử lý vụ việc. Điều này cho thấy từ năm 1995 đã có đường đi chung, không thể căn cứ vào việc bà Nguyễn Thị Liên và bà Nguyễn Thị Trường có lập giấy xin đi nhờ qua đất của ông Hồng vào năm 1994 (giấy viết tay không có xác nhận của chính quyền địa phương), để nói rằng không có lối đi chung là chưa thuyết phục.
 
Liên quan vụ việc, sau khi xem qua hình ảnh, hồ sơ cũng như Văn bản trả lời số 5146/UBND của UBND TP Đà Lạt, một cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, cho biết: Chưa thể khẳng định đúng sai, nhưng căn cứ hình ảnh thực tế, hồ sơ, giấy tờ đã thể hiện có con đường tồn tại hơn 20 năm qua không có khiếu nại khiếu kiện, nay thành phố bác hết các cơ sở ban đầu là vô tình đẩy người dân vào thế ngõ cụt. Còn việc cấp GCNQSDĐ ở cho hộ ông Nguyễn Văn Hồng cũng cần rà soát, xem xét lại quy trình làm biên bản kiểm tra xác minh hiện trường. Những người tham gia ký tứ cận vào biên bản này phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp trực tiếp với thửa đất, trong khi người ký ở đây được cho là người không còn liên quan đến nhà đất số 81 là chưa đúng luật. 
 
Riêng việc lấy đất công sản - lối đi chung, cấp cho người khác xây dựng công trình là vi phạm quy định pháp luật. Theo quy trình cấp phép xây dựng của thành phố Đà Lạt, trước khi cấp phép phải kiểm tra hiện trạng thực tế, mà thực tế ở đây có con đường (Văn bản trả lời số 5146/UBND của UBND TP Đà Lạt ngày 7/9/2020 đã ghi nhận có con đường đi qua thửa đất 207), thì không ai lại cấp phép xây dựng công trình trên con đường này. 
 
THỤY TRANG