Bài học về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đức Trọng

11:10, 27/10/2020

Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đức Trọng tuy có những kết quả nhưng vẫn còn tồn tại và vi phạm ở nhiều lĩnh vực...

Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp 368,51 ha
Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp 368,51 ha
 
Công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn huyện Đức Trọng tuy có những kết quả nhưng vẫn còn tồn tại và vi phạm ở nhiều lĩnh vực. Đó là về công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm; triển khai thực hiện giao khoán, thực hiện các dự án đầu tư… Khắc phục những tồn tại và sai phạm ở đây cũng là bài học đáng giá cho công tác QLBVR trên địa bàn toàn tỉnh. 
 
Những kết quả đạt được trong công tác QLBVR thời gian qua ở huyện Đức Trọng đó là UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động. Theo đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất, rừng đã có nhiều cố gắng. Ngoài việc đã giải tỏa 231 vị trí với 77,6 ha đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm để trồng lại rừng; 22/26 doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng thuê đất với diện tích 4.090 ha; 15 dự án (DA) cơ bản hoàn thành các nội dung theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp; 19 DN có xây dựng phương án PCCCR hàng năm; 6 DA chưa có vi phạm về QLBVR, quản lý, sử dụng đất. Các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư được giao, cho thuê đã thực hiện phương án trồng rừng, QLBVR hơn 169 ha cơ bản đúng phương án phê duyệt…
 
Tuy nhiên, tồn tại và sai phạm ở địa bàn Đức Trọng không hề nhỏ. Đó là chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng vi phạm (Ban QLRPH Đại Ninh có 41/132 vụ vắng chủ; Ban QLRPH Tà Năng có 20/32 vụ vắng chủ). Việc xử lý vi phạm theo thẩm quyền tại Hạt Kiểm lâm, UBND xã, thị trấn chưa kịp thời (45 vụ tại thời điểm thanh tra). Tỷ lệ thu nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ đạt 23% (hơn 276 triệu đồng/hơn 1.198 triệu đồng). Đối với diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao quản lý có 58,27 ha giao trùng và 26,9 ha rừng trồng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Việc giao khoán rừng, đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo các Nghị định của Chính phủ như số 01, số 135/2005 và số 168/2016 còn nhiều tồn tại, sai phạm như: chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên về đối tượng; chưa thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4054 ngày 31/8/2005. Trình tự, thủ tục giao khoán tại các BQLR chưa đúng theo Thông tư 102/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng nhận khoán thiếu chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp nhận khoán không trồng rừng theo cam kết (89/128 trường hợp với gần 467/trên 1.624 ha), để đất lâm nghiệp bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp (gần 233 ha); một số hộ dân chuyển nhượng để hưởng lợi; trên 86 ha rừng bị phá…
 
Thời gian qua, địa bàn Đức Trọng còn để xảy ra những sai phạm trong thực hiện DA đầu tư ở các DN Nhà nước. Cụ thể, kiểm tra 26 DA có 4 DN chưa ký hợp đồng thuê đất; 8 DN chưa ký hợp đồng thuê rừng; 11 DA thực hiện chậm tiến độ; 4 DA chậm tiến độ nhưng chưa thực hiện các hạng mục đầu tư theo giấy chứng nhận; 5 DA được UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện. Cả 26 DN đều không có phương án QLBVR; 7/26 DN không xây dựng phương án PCCCR hàng năm; 20/26 DA để xảy ra vi phạm về QLBVR, quản lý, sử dụng đất với tổng diện tích 973,62 ha. Về thực hiện nghĩa vụ tài chính, có 5 DN chưa nộp tiền thuê đất với gần 2.260 triệu đồng; 3 DA có hợp đồng thuê đất nhưng chưa lập hồ sơ nộp tiền thuê đất; Công ty TNHH Mai Tiến chưa nộp 3,69 triệu đồng tiền thuê rừng; 6 DN nợ tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng với tổng số hơn 34.077 triệu đồng (nhiều nhất là Công ty CP Đầu tư Vĩnh Tuyền Lâm gần 22.839 triệu đồng). Bên cạnh đó, công tác QLBVR của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao khoán, cho thuê đất, rừng cũng còn tồn tại như chưa sử dụng đúng mục đích toàn bộ diện tích, dẫn đến rừng bị phá, mất rừng, sản xuất nông nghiệp…
 
Nguyên nhân đối với những tồn tại, hạn chế có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, về chủ quan, công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vi phạm của UBND huyện Đức Trọng hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, địa phương với chủ rừng chưa chặt chẽ; chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Các BQLR chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện phương án và hợp đồng giao khoán; thiếu biện pháp xử lý các vi phạm… Các DN thực hiện DA chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm; thiếu sự chặt chẽ trong phối hợp với các cơ quan và chính quyền; không kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm… Nhiều hộ gia đình, cá nhân được giao khoán rừng và đất lâm nghiệp thiếu trách nhiệm, để xẩy ra phá rừng, lấn chiếm, san ủi, xây dựng… trái pháp luật. 
 
Để xảy ra những tồn tại trên còn có trách nhiệm về chức năng tham mưu của Hạt Kiểm lâm, các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn ở huyện Đức Trọng. Bên cạnh đó, một số cơ quan cấp tỉnh như các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường còn hạn chế về công tác kiểm tra, giám sát và chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện các tồn tại, sai phạm để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý. 
 
MINH ĐẠO