Câu chuyện tái canh ở "thủ phủ" cà phê Lâm Đồng không chỉ mới diễn ra dăm năm trở lại đây mà hành trình này đã được huyện Di Linh thực hiện ròng rã cách nay hơn 10 năm trước...
Câu chuyện tái canh ở “thủ phủ” cà phê Lâm Đồng không chỉ mới diễn ra dăm năm trở lại đây mà hành trình này đã được huyện Di Linh thực hiện ròng rã cách nay hơn 10 năm trước. Việc tái canh sẽ chưa dừng lại bởi tính hiệu quả mang đến năng suất, chất lượng cà phê, cải thiện thu nhập cho 80% dân số của huyện mà đấy còn là tiếp tục giải bài toán bền vững đối với cây trồng này.
|
Cà phê trên cao nguyên Di Linh. Ảnh: Hà Hữu Nết |
Thực sự bất ngờ khi biết rằng Di Linh có diện tích cà phê lớn nhất trong số các huyện trên cả nước, huống chi các huyện, thành trong tỉnh. Và nữa, sản lượng cà phê Di Linh thu hoạch trong niên vụ trước bằng 1 phần 13 tổng sản lượng cà phê của Việt Nam. Nghĩa là trong số gần 1,7 triệu tấn cà phê mỗi năm của cả nước, Di Linh góp phần vào số lượng ấy khoảng 130.000 tấn.
Sớm chuyển đổi
Nhắc đến Di Linh, từ gần thế kỷ qua không có một loại cây trồng nào có tính đại diện tiêu biểu cho vùng đất này hơn cây cà phê. Cao nguyên Di Linh, nơi có độ cao trung bình 1.000 m so với mực nước biển, chiếm 50% diện tích tự nhiên của Lâm Đồng, trải dài từ B’Lao - Bảo Lộc cho đến các huyện phía Bắc Đức Trọng, Lâm Hà và một phần Đơn Dương. Trung tâm của cao nguyên này chính là Di Linh ngày nay với địa hình, địa mạo núi đồi, sườn dốc, thung lũng hẹp và màu đất đỏ bazan đặc trưng in hằn lên từng thớ đất. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với cây cà phê và chè nên không lấy gì làm lạ khi xứ sở Di Linh trở thành “thủ phủ” cà phê có tuổi đời lâu nhất Nam Tây Nguyên, hình thành tập quán canh tác cây công nghiệp ngay từ thuở mới xuất hiện các đồn điền, vườn hộ đầu tiên kéo dài cho đến tận bây giờ. Cho dù thời giá lúc cao, lúc thấp, nhưng nếu bảo người dân trồng cà phê nghèo đi e rằng không đúng mà có thời đoạn hạt cà phê từng mang lại cho nông dân sự sung túc.
Tuổi cây cũng đến lúc nào đó sẽ già cỗi nên phải tái tạo lại vòng đời sinh trưởng mới hay loại bỏ thay thế cây mới, nhất là đối với vùng cà phê lâu năm Di Linh. Còn nhớ, khi chưa có chương trình tái canh cà phê - một trong những nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh mà trọng tâm là hướng đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - trên diện rộng tại các khu vực trồng cà phê của Lâm Đồng như hiện nay, Di Linh đã triển khai “chuyển đổi giống cây trồng” đối với cây cà phê từ hơn mười năm trước. Nhớ lại ngày tháng đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Trần Nhật Thi kể rằng: Vào năm 2006, huyện đã thành lập đoàn cán bộ qua tận Trung tâm Giống cây trồng Viện Ea KMat - Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk tham quan, học hỏi và nhập về 18 loại giống cà phê năng suất cao TR4, TR9, TR11, TR12… Sau đó tổ chức xây dựng 10 vườn ươm giống đầu dòng tại các xã, thị trấn; đồng thời thực hiện các mô hình điểm trồng thực sinh, ghép cải tạo các loại giống đầu dòng ở những diện tích cà phê cho trái nhỏ, hay rụng trái, năng suất đạt thấp… đến khi cho thấy tính hiệu quả mới triển khai trong dân. Vậy là trong suốt 5 năm như thế, cả huyện mới tái canh được trên 4.000 ha trong số diện tích cà phê hiện có.
Tái canh cần thiết nhưng các bước đi phải thận trọng, chậm mà chắc, đó là cách làm mà huyện áp dụng. Bởi đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, thời gian kiến thiết phải mất vài năm mới đi vào kinh doanh, nên nếu triển khai ồ ạt mà quá trình tái canh thất bại, sẽ kéo theo sự nghèo đói đối với nông dân trồng cà phê do mất đi khoản thu nhập từ những diện tích trong trong thời kỳ tái canh. Còn nếu thành công, đấy là cơ hội chuyển đổi chu kỳ sinh trưởng mới cho cây cà phê với năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với giống cà phê hạt cũ có tuổi từ 25 - 40 năm bám rễ trên vùng đất đỏ Di Linh.
Đưa vào chương trình trọng tâm
Nếu như quá trình “chuyển đổi giống cây trồng” ở giai đoạn 1 mang tính thử nghiệm, đem lại kết quả tích cực mới đưa vào tái canh tại các vườn hộ và trên thực tế cây cà phê đã phát triển tốt như mong muốn. Cuộc hành trình chuyển đổi giống tiếp tục bước sang giai đoạn 2, chính thức hình thành “đề án tái canh cà phê, sản xuất nông nghiệp cao bền vững”, giai đoạn 2010 - 2015. Để làm cơ sở vững chắc về cả mặt khoa học lẫn thực tiễn, huyện đã cất công mời các chuyên gia cà phê về tổ chức những cuộc hội thảo, mời nông dân đã chuyển đổi trồng thực sinh, ghép giống đầu dòng thành công cho năng suất, chất lượng tốt đến trao đổi kinh nghiệm với bà con. Đồng thời mở những chuyến tham quan thực tế trên nương rẫy, đi đôi với việc cung cấp gói tín dụng vay ưu đãi từ các ngân hàng theo chủ trương của Nhà nước. Với các bước đi đó, công cuộc tái canh cà phê ở Di Linh đi vào thực chất, đảm bảo được cùng lúc các yêu cầu: nông dân vẫn có thu nhập, tổng sản lượng cà phê của huyện không giảm sút nên không gây ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng kinh tế chung của huyện. “Để cùng lúc đạt được hai mục tiêu, duy trì sản lượng và tăng năng suất cà phê sau khi tái canh, huyện đã áp dụng song song hai biện pháp cải tạo ghép giống mới đầu dòng và tái canh - trồng mới trên diện tích cà phê già cỗi, giống cũ, năng suất kém. Định mức đưa ra cho hai biện pháp trên là thực hiện tỷ lệ 3 sào trên 1 ha của mỗi nông hộ, để đảm bảo nguồn thu nhập đối với đời sống người dân bên cạnh việc vẫn duy trì phát triển kinh tế - xã hội của huyện” - Phó Chủ tịch Trần Nhật Thi nói.
Định mức tái canh chỉ thực hiện “một phần ba” diện tích của mỗi gia đình đang sản xuất mà ngành chức năng khuyến cáo nông dân cùng với kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê các hộ tích lũy được, đã không làm xáo trộn quá trình chuyển đổi trên các mặt kinh tế, xã hội đến việc làm ở vùng cà phê Di Linh. Thống kê của huyện đến năm 2020, tổng diện tích cây trồng chủ lực cà phê 44.598 ha, tăng 2.745 ha so với năm 2015. Thực hiện chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê, Di Linh đã đưa vào sử dụng hoàn toàn các loại giống cà phê cao sản cho năng suất cao, khả năng chống chịu hạn tốt đối với sâu bệnh và điều kiện thời tiết. Vì vậy, đến nay diện tích cà phê được chuyển đổi giống đạt 27.620 ha, trong đó trồng lại 12.420 ha và ghép cải tạo 13.200 ha, tăng 12.445 ha so với năm 2015, đạt 62% diện tích cà phê chuyển đổi của địa phương. Theo đó, năng suất bình quân toàn huyện đạt 31,5 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với 5 năm về trước.
Đáng chú ý, sau khi rà soát ba loại rừng, diện tích gieo trồng của Di Linh hiện có 55.200 ha, như vậy cây cà phê chiếm trên 80% diện tích đang sản xuất hàng năm. Qua đó cho thấy cuộc tái canh ở đây thực sự chất lượng, hiệu quả.
KỊP THỜI, HIỆU QUẢ GÓI TÍN DỤNG TÁI CANH CÀ PHÊ
Theo Chi nhánh Agribank Di Linh, từ đầu chương trình cho vay tái canh cà phê trên địa bàn huyện Di Linh (năm 2013) đến nay, tổng số hộ vay tại đơn vị là 1.929 hộ, với diện tích cho vay tái canh 2.564 ha và doanh số cho vay đạt 994 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, số hộ còn dư nợ 937 hộ, diện tích tái canh 1.236 ha và tổng doanh số cho vay 368 tỷ đồng.
Riêng tại Chi nhánh Agribank Hòa Ninh, đến cuối tháng 9/2020, tổng dư nợ 57,549 tỷ đồng với số khách hàng vay là 291 hộ. Trước đó, năm 2015, 2016, số khách hàng vay tái canh tại chi nhánh lên đến trên 2.200 hộ với doanh số cho vay lần lượt là 212,663 tỷ đồng và 195,916 tỷ đồng - cao nhất từ năm 2013 đến nay.
Được biết, Chi nhánh Agribank Hòa Ninh và Chi nhánh Agribank Di Linh đều trực thuộc Agribank Lâm Đồng II (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II Lâm Đồng).
KHẢI NHIÊN
|
Giải bài toán bền vững
Về mặt tổng thể sau tái canh, rõ ràng mẫu số chung đem lại là đảm bảo năng suất tăng và gia tăng chất lượng hạt cà phê so với trước. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế trong quá trình tái canh có vườn thành công nhưng cũng có vườn không đạt như mong muốn. Nguyên nhân do giống không đồng đều, sâu bệnh, tuyến trùng… mà ra. Cùng với điều kiện kinh tế hộ gia đình, nguồn nước tưới, trình độ canh tác hay đất đai, khí hậu ở mỗi địa bàn có khác nhau bởi địa hình núi đồi, sườn dốc, thung lũng hẹp là đặc trưng của Di Linh nên năng suất mỗi nơi cũng có mức chênh lệch đáng kể. Vì vậy, không hiếm vườn cà phê cho năng suất bảy, tám tấn, song cũng có vườn chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha.
Một cán bộ nông nghiệp huyện cho hay, nếu ghép cải tạo đúng giống, chăm sóc tốt, sau 3 năm cho thu hoạch 4 - 6 tấn/ha, nhưng chỉ 5, 6 năm sau mà chăm sóc không đảm bảo thì năng suất cũng có thể đi xuống. Mặt khác, đối với cây lâu năm, nhất là cà phê từ lúc bước vào thu hoạch kinh doanh, vòng đời cho năng suất, chất lượng nhất trong khoảng 20 - 25 năm, cao lắm 30 năm sẽ bước vào giai đoạn suy thoái bởi cây già cỗi nên sẽ phải tiếp tục tái canh. Các yếu tố “đường dài” này cần phải có lời giải ngay từ bây giờ để vùng cà phê lớn nhất tỉnh hiện nay duy trì sự ổn định, bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Trần Nhật Thi, hướng đi tiếp của Di Linh là tiếp tục tái canh trên diện tích còn lại, số diện tích đã tái canh được hơn 10 năm cũng cần rà soát lại để ghép cải tạo hoặc tái canh, nhằm tiếp tục tăng cao sản lượng, chất lượng của cà phê Di Linh. Điểm nổi bật đối với Di Linh đó còn là việc sớm triển khai mục tiêu “vừa tái canh, vừa cải tạo và chú trọng vào sản xuất cà phê bền vững, có chiều sâu” nên huyện đã hướng vào xây dựng và phát triển cà phê trồng xen, cà phê sinh thái, cà phê hữu cơ… từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, đến nay huyện đã tổ chức trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê được 6.200 ha, đạt mục tiêu nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích, phá thế độc canh của cây cà phê. Bên cạnh đó, xây dựng vùng cà phê có chứng nhận nguồn gốc sản xuất, chỉ dẫn địa lý với sự thiết lập môi trường sinh thái cảnh quan vườn tược, giảm dần phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kể cả giảm nguồn nước và tăng phân bón hữu cơ trên diện tích quy hoạch 2.600 ha. Nghĩa là sản xuất cà phê dựa trên mục tiêu cốt lõi “hai giảm” đó là tác động tiêu cực đến con người, môi trường từ hoạt động sản xuất cà phê. Nếu có hạn chế cần chỉ ra thì đấy là mặc dù thương hiệu Cà phê Di Linh được chứng nhận từ năm 2014, nhưng việc quảng bá còn rất khiêm tốn. Vì vậy, tới đây Di Linh sẽ tiến hành tổ chức các cuộc hội thảo, khuyến khích ngành hàng cà phê rang xay dán nhãn thương hiệu Cà phê Di Linh theo các tiêu chuẩn quản lý thương hiệu của huyện.
Cây cà phê chiếm 80% tỷ trọng nội bộ ngành Nông nghiệp địa phương và liên quan đến 80% dân số nông thôn sống chủ yếu từ hạt cà phê, cho thấy tầm quan trọng của việc thiết kế tính ổn định sản xuất đối với cây trồng này để “mùa cà phê hương ngát đợi chờ” hiện tồn dài lâu trên “thủ phủ’ cà phê có tuổi đời ngót trăm năm Di Linh.
HỒ XUÂN TRUNG