Ghi nhận về mô hình VAC ở một xã vùng sâu

04:10, 09/10/2020

Khi phong trào khởi nghiệp trở thành "ngọn đuốc lớn" ở những vùng quê nghèo thì việc cố gắng vươn lên để chạm tay đến thành công không còn là giấc mơ khó tìm...

Khi phong trào khởi nghiệp trở thành “ngọn đuốc lớn” ở những vùng quê nghèo thì việc cố gắng vươn lên để chạm tay đến thành công không còn là giấc mơ khó tìm. Đó cũng là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hậu (ở thôn Trung Hưng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) - một chàng trai trẻ sau khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự, quyết trở về quê hương để phát triển kinh tế theo mô hình vườn ao chuồng (VAC).
 
Mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Hậu (bên trái) đạt hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho người dân nơi đây
Mô hình VAC của anh Nguyễn Văn Hậu (bên trái) đạt hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển mới cho người dân nơi đây
 
Anh Nguyễn Văn Hậu (32 tuổi) được biết đến là người tiếp nối thế hệ trẻ, chọn lựa về quê để phát triển kinh tế trên vùng đất nghèo, cằn cỗi. Dưới cơn mưa chiều ở Cát Tiên, anh Nguyễn Văn Hậu dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vực phát triển mô hình VAC của chính mình. Anh không ngại chia sẻ câu chuyện bắt đầu từ những ngày tháng trắng tay đến khi kinh tế gia đình đều được cho là ổn định.
 
Anh kể, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, với tinh thần và trách nhiệm của thế hệ trẻ, năm 2009 anh tình nguyện lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự. Gần 2 năm nghĩa vụ, trong quá trình đó, ngoài thời gian rèn luyện, hoàn thành xong công việc được giao, anh cùng đồng đội tranh thủ những lúc rảnh rỗi lại cùng nhau trồng rau, nuôi heo, nuôi dế... để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của đồng chí, đồng đội trong doanh trại. “Cũng chính vì lẽ đó mà từ lúc nào không hay, tôi bắt đầu hình thành ý tưởng là sau khi xuất ngũ sẽ phát triển mô hình VAC tại gia đình. Chỉ nghĩ đơn giản là vì mình thích chứ lúc ấy chưa nghĩ đến việc phát triển kinh tế từ việc làm này” - anh Hậu tâm sự.
 
 Rời Sư đoàn 5 sau 2 năm nhập ngũ, anh Hậu giữ đúng lời hứa với bản thân, rằng sẽ về áp dụng những gì mình học được trong môi trường Quân đội để tạo cho mình thói quen làm việc. Bởi vậy, ngay khi anh lên kế hoạch, bố mẹ tỏ ra hài lòng, ủng hộ và động viên tinh thần để anh phấn đấu. Và có lẽ, càng “dấn thân” vào làm thì anh lại càng thấy mê và có ý tưởng sẽ biến nơi này trở thành mô hình sản xuất kinh tế tổng hợp tại gia.
 
Qua những năm tháng học hỏi, tự làm theo quy mỏ nhỏ lẻ, đến nay, anh Nguyễn Văn Hậu đã mở rộng chuồng trại với tổng diện tích là 4 ha. Trong đó, anh sử dụng 1,2 ha để chăn nuôi, gồm 1.500 m2 đào ao thả cá cho năng suất 17 tạ/vụ; 50 m2 nuôi dế với 8 lồng cho năng suất 7 kg/lồng; và 14 con heo nái với diện tích chuồng trại 130 m2… 
 
Anh Hậu cũng cho biết thêm, đa phần thức ăn để duy trì đều chủ động trồng hoặc của nhà có được nên ngoài nguồn kinh phí bỏ ra ban đầu thì hằng năm anh thu lại lợi nhuận khá cao. Hiện, tổng thu nhập bình quân từ mô hình trên đạt khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.
 
Từng bước cải thiện về quy mô và số lượng bầy đàn, anh Nguyễn Văn Hậu còn thực hiện tốt việc kiểm soát người vào ra tại chuồng trại và môi trường bảo đảm sạch sẽ, xịt thuốc khử trùng xung quanh… Hơn thế nữa, việc đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại và con giống được anh tích cực học hỏi kinh nghiệm. 
 
“Thời gian đầu khởi nghiệp tôi cũng đã gặp rất nhiều trắc trở, từ vốn đầu tư đến kĩ thuật chăm sóc cũng từng bị thất bại. Mặc dù thế nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, thất bại một lần thì lấy đó làm kinh nghiệm để tránh cho những lần sau. Cứ thế, đến thời điểm hiện tại tôi cũng đã tự tin để phát triển mô hình này” - anh Hậu nói.
 
Không chỉ làm giàu chính đáng cho gia đình và bản thân, được biết, anh Hậu còn chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ gia đình và người dân ở các địa phương khác xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp tại địa phương. Từ đó đã xuất hiện thêm nhiều mô hình và được bà con trong vùng đến tham quan, học hỏi.
 
Theo ông Nguyễn Đình Lập - Chủ tịch UBND xã Gia Viễn: Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên thanh niên trong việc xây dựng các mô hình dân vận khéo để phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng địa phương; thời gian qua, xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng về công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, đặc biệt là cho thanh niên địa phương; đồng thời, khuyến khích người dân trong xã tham gia thực hiện các mô hình dân vận khéo. Từ đó, đã có nhiều mô hình hay và có hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình của anh Nguyễn Văn Hậu được xây dựng phát triển kinh tế theo hướng VAC tại hộ gia đình được xem là mô hình có tiềm năng phát triển tốt. Mô hình này không chỉ mang lại kinh tế cho gia đình mà còn góp phần vào phát triển kinh tế tại địa phương.
 
KHÁNH AN