Từ bỏ công việc kiến trúc sư và là giám đốc của một công ty xây dựng đang ăn nên làm ra tại TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Minh Tú quê ở Long An đã tìm về xã Lát, Lạc Dương để làm nông nghiệp công nghệ cao...
Từ bỏ công việc kiến trúc sư và là giám đốc của một công ty xây dựng đang ăn nên làm ra tại TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Minh Tú quê ở Long An đã tìm về xã Lát, Lạc Dương để làm nông nghiệp công nghệ cao. Sau 6 năm cố gắng và phấn đấu, anh Tú đã gầy dựng lên công ty lấy tên là Mai Khôi Farm có quy mô đầu tư lên đến cả trăm tỷ đồng với 10 ha sản xuất trong nhà kính, đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
|
Từ một tay ngang rẽ lối làm nông, anh Tú hiện đã có 3 trang trại trồng hoa, rau củ, quả trên địa bàn xã Lát, với quy mô nhà kính lên đến 10 ha |
Bỏ phố lên rừng…
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Minh Tú lần đầu tiên tại trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng chừng 30 ha tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương. Vẻ ngoài khá nhỏ con, đậm chất nông dân ấy dẫn chúng tôi đi thăm toàn bộ trang trại làm nông nghiệp công nghệ cao. Cách nói chuyện khá khiêm tốn, anh chỉ cho chúng tôi số tài sản đất đai đang được anh khai thác, sử dụng hiệu quả.
Năm 2014, hai vợ chồng anh Tú rời Sài Gòn lên Lâm Đồng mua một quả đồi cà phê để lập nghiệp. Đến tháng 4/2015, anh xuống giống trồng lứa hoa cúc, cẩm chướng đầu tiên trên diện tích 1 ha nhà kính theo hình thức hợp tác với một công ty.
Nói về quyết định bỏ phố lên rừng của mình, anh Tú cho hay: Từ thời sinh viên, anh đã luôn mong được sống ở Đà Lạt, bởi thích phong cách sống của con người và khí hậu nơi đây. Nhưng ngành kiến trúc sư và công việc xây dựng không cho phép anh thực hiện được mong muốn ấy. Tuy nhiên, mỗi khi có dịp hay mệt mỏi với công việc, gia đình anh lại cùng nhau tìm đến Đà Lạt để nghỉ ngơi, thư giãn.
Và rồi tình cờ trong nhiều chuyến đi như thế, anh vô tình đặt chân tới xã Lát. Ngay từ lúc tới đây anh cảm nhận được khí hậu, thời tiết ở vùng đất này không khác gì ở Đà Lạt. “Thời điểm đó, dù cách Đà Lạt không xa, nhưng giá 1 ha ở đây chỉ bằng 1/4 ngoài phố. Thế là chả cần đắn đo nhiều, tôi quyết định mua ngay một lúc 25 ha đất của 7 - 8 hộ gia đình bà con ở đây với giá 50 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao” - anh Tú bật mí.
Đến doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trăm tỷ
Thời điểm 2014, khi bắt tay vào nghề nông - một nghề hoàn toàn khác với chuyên môn nghề nghiệp được đào tạo, ngay lập tức anh Tú nhận liên tiếp thất bại.
Sản xuất không hiệu quả, tiền đầu tư ngày càng tăng, nhưng thành quả thu về đều không được như dự tính. Tình cảnh này khiến tinh thần của vợ anh đi xuống, bạn bè, người thân cũng bắt đầu khuyên anh bỏ lại mọi thứ, trở về Sài Gòn thực hiện đúng chuyên ngành của mình. Nhưng với bản lĩnh của một người từng là giám đốc công ty xây dựng lớn tại TP Hồ Chí Minh, anh Tú không từ bỏ, kiên định với sự lựa chọn ban đầu.
Nhiều lần thất bại nhưng lần này anh vẫn tin tưởng lựa chọn trồng hoa cát tường, cúc đại đóa, kim cương và cẩm chướng với diện tích lớn, tập trung và tự chủ trong khâu đầu ra. Nhờ đó, trang trại liên tiếp thắng lớn, từ 1 trang trại, anh Tú đã mở rộng lên 3 trang trại trồng hoa trên địa bàn xã Lát với quy mô nhà kính lên đến 10 ha. Đồng thời, anh cũng đưa thêm nhiều loại cây trồng mới vào canh tác. Đến cuối năm 2017, anh Tú cũng chuyển đổi từ hình thức trang trại để thành lập nên Công ty TNHH Đà Lạt Mai Khôi Farm.
Ngoài các sản phẩm hoa chủ lực, hiện Mai Khôi Farm còn đang hợp tác với Công ty Unifarm triển khai trồng dưa lưới trong nhà kính. Cứ đều đặn 15 ngày, Mai Khôi Farm lại thu hoạch một lứa dưa, xuất bán cho Unifarm với giá cố định 34.000 đồng/kg cho mỗi quả đạt trọng lượng từ 1,3 - 2,5 kg. Bên cạnh đó, trồng ớt chuông cũng đang là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho công ty.
Đặc biệt, từ 2018, công ty đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các loài côn trùng và nấm có ích để ứng dụng vào trong sản xuất hoa. Thông qua sử dụng Bio-Pro để trồng và kiểm soát sâu bệnh, công ty đã giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trên các loại hoa khác nhau. Từ đó mang đến những sản phẩm hoa sạch, an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Riêng đối với các diện tích sản xuất rau, củ, quả, Mai Khôi Farm đang áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và sẽ nâng chuẩn GlobalGAP trong năm tới.
Anh Tú cho biết thêm: Hiện công ty đã đầu tư nhà lạnh, đủ trữ hoa, rau, củ, quả các loại trong nhiều ngày, nhưng các sản phẩm nông sản của công ty rất ít khi phải bỏ vào kho lạnh mà thường đi thẳng trong ngày. Trong năm 2019, doanh thu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của công ty đạt lợi nhuận từ 8 - 10 tỷ đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm cố định cho hơn 30 lao động, trong đó có nhiều người địa phương.
Ngoài ra, công ty cũng là một trong 3 cơ sở được UBND huyện Lạc Dương chọn làm điểm đón khách du lịch trong tuyến du lịch canh nông. Để tạo nét riêng thu hút khách, mỗi nhà kính đều được anh xây dựng lối đi bằng bê tông sạch sẽ, ghi tên các giống hoa trên mỗi luống hoa… phục vụ cho du khách ngắm và chụp hình, cũng như tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, phân loại, bảo quản từng loại hoa.
HOÀNG SA - THÂN HIỀN