Hình ảnh những cột điện treo lủng lẳng dây dọc theo các đường phố đã rất quen thuộc với cư dân và du khách Đà Lạt. Việc "ngầm hóa" hệ thống đường dây đang là điều Đà Lạt phấn đấu để bảo đảm an toàn, tăng mỹ quan cho đô thị đẹp và hiện đại.
Hình ảnh những cột điện treo lủng lẳng dây dọc theo các đường phố đã rất quen thuộc với cư dân và du khách Đà Lạt. Việc “ngầm hóa” hệ thống đường dây đang là điều Đà Lạt phấn đấu để bảo đảm an toàn, tăng mỹ quan cho đô thị đẹp và hiện đại.
|
Trạm biến áp 400kVA - 22/0,4 kV tại Khu quy hoạch Phạm Hồng Thái |
Ông Nguyễn Phước Quý Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng thông tin, việc ngầm hóa đường dây điện Đà Lạt là tâm tư của ngành điện cũng như cơ quan quản lý địa phương. Với nhiều khó khăn, hiện Lâm Đồng mới chỉ có thành phố Đà Lạt đã tiến hành ngầm hóa hệ thống đường dây trung thế và một phần đường dây điện hạ thế. Giai đoạn 1, với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á, thành phố Đà Lạt đã xây dựng mới 31 km cáp ngầm 22kV, xây dựng và lắp mới 49 trạm hợp bộ đi theo lưới cáp ngầm với tổng dung lượng 28.300kVA. Giai đoạn 2, Công trình ngầm hóa và tăng cường công suất lưới điện trung hạ thế thành phố Đà Lạt đã thực hiện tiếp tục với ngầm hóa trên 9 km chiều dài cáp ngầm 3 pha.
Ông Nguyễn Văn Trí, Phó Giám đốc Điện lực Đà Lạt cho biết, hiện toàn hệ thống đường dây trung thế của thành phố Đà Lạt đã được hạ ngầm. Việc ngầm hóa hệ thống đường dây trung thế giúp độ tin cậy cung cấp điện tăng cao rõ rệt, giảm tổn thất và tăng cường chất lượng điện năng, chống quá tải lưới điện hạ thế, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho địa bàn thành phố. Ngoài ngầm hóa đường dây trung thế, một số đoạn đường hạ ngầm cả đường dây hạ thế. Như khu vực khu quy hoạch Phạm Hồng Thái, khu vực Quảng trường…, đường dây hạ thế được ngầm hóa, tạo sự thông thoáng, sạch đẹp rõ rệt cho đường phố. Hiện tổng số chiều dài đường dây trung thế được hạ ngầm là 75 km, đạt 100% đường dây trung thế trên địa bàn TP Đà Lạt được hạ ngầm. Ngoài 75 km đường dây trung thế, còn 6 km đường dây hạ thế được hạ ngầm.
Khi thực hiện các dự án ngầm hóa đường dây trung thế và hạ thế, không chỉ đường dây mà toàn hệ thống đều được cải tạo, nâng cấp. Như hàng trăm trạm hợp bộ đi theo lưới cáp ngầm, trạm phân phối, trạm đóng cắt, trạm biến áp được cải tạo, sửa chữa và xây mới, đồng bộ hóa với hệ thống ngầm hóa. Đà Lạt còn lắp đặt hệ thống mini Scada để cung cấp điện, giám sát và điều khiển lưới điện thành phố Đà Lạt. Sự đầu tư giúp hệ thống điện hoạt động hiệu quả hơn, giảm hẳn các sự cố điện cũng như giảm tổn thất năng lượng. Không chỉ an toàn với ngành điện mà còn đảm bảo an toàn với người sử dụng, người lưu thông trên đường phố. Bớt cột điện, đường dây điện chăng ngang dọc, đường phố Đà Lạt cũng thông thoáng, mỹ quan đô thị được giữ gìn.
Tuy nhiên, việc ngầm hóa đường dây điện hạ thế không phải chuyện dễ dàng, ông Nguyễn Phước Quý Hùng chia sẻ. Ông Hùng đánh giá, việc hạ ngầm đường dây trung thế tuy kinh phí cao nhưng dễ thực hiện hơn hạ ngầm hạ thế. Do đường dây hạ thế được xây dựng, lắp đặt từ lâu nên để cải tạo, làm mới rất khó khăn, đòi hỏi sự đầu tư và thay đổi của cả hệ thống hạ tầng. Ông Hùng cho hay: “Khi thực hiện hạ ngầm đường dây trung thế, ngành điện đã phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương. Việc vận động các hộ sống dọc đường dây thống nhất với ngành điện rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương”. Ông Hùng cũng cho biết, trên hệ thống cột điện hạ thế không chỉ có đường dây điện mà có cả đường dây của nhiều đơn vị khác như cáp viễn thông…, rất cần sự phối hợp chung của cả hệ thống hạ tầng. Với các khu quy hoạch đang được xây dựng thì việc hạ ngầm dễ hơn, với các khu dân cư cũ việc hạ ngầm thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, ông Hùng cũng khẳng định, khó khăn hơn nữa ngành điện cũng tiếp tục thực hiện việc hạ ngầm đường dây. Đây là mục tiêu của ngành điện cũng như của thành phố Đà Lạt, nhằm xây dựng một thành phố an toàn, đẹp và hiện đại.
DIỆP QUỲNH