Nghiệm thu mô hình trồng, phát triển cây tinh dầu tại Lâm Đồng

04:10, 09/10/2020

Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa tiến hành nghiệm thu mô hình trồng, phát triển cây tinh dầu tại nông trại Pipo Lavender, số 89 Vạn Thành, Phường 5, TP Đà Lạt và nông trại của ông Nguyễn Phúc Duẩn ở thôn Hà Phú, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh.

Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa tiến hành nghiệm thu mô hình trồng, phát triển cây tinh dầu tại nông trại Pipo Lavender, số 89 Vạn Thành, Phường 5, TP Đà Lạt và nông trại của ông Nguyễn Phúc Duẩn ở thôn Hà Phú, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh.
 
Mô hình ở nông trại Pipo Lavender có diện tích 1,3 ha, trong đó 6 sào trồng cúc La Mã có nguồn giống nhập từ Liên bang Nga và 7 sào trồng Lavender có nguồn gốc từ Belarus và Pháp. Qua nghiệm thu cho thấy, cây cúc La Mã sinh trưởng tốt và chất lượng tinh dầu cao. Đối với cây Lavender thì cây sinh trưởng tốt, kết quả phân tích cho thấy hàm lượng tinh dầu chiếm 2% chiết xuất từ hoa. Mô hình này được Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc.
 
Còn đối với mô hình sả chanh có nguồn giống nhập từ Ấn Độ của nông trại ông Nguyễn Phúc Duẩn có diện tích 2 ha. Qua nghiệm thu cho thấy, giống sả chanh rất phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm và đất pha cát nơi đây nên sinh trưởng và phát triển tốt, hàm lượng tinh dầu có chất lượng cao, kết quả chưng cất và phân tích cho thấy hàm lượng tinh dầu sả chanh thu được là 3,5%. Đối với mô hình này, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam đã hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và cung cấp thiết bị chưng cất sản xuất tinh dầu sả chanh với quy mô 1.200 lít. 
 
Hai mô hình này được triển khai trên 1 năm, qua đánh giá và phân tích của các nhà khoa học trong đoàn nghiệm thu thì những loại cây tinh dầu này rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Lâm Đồng, có lượng tinh dầu cao và tốt, là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích cây tinh dầu trên địa bàn tỉnh. Được biết, tinh dầu của những loại cây trồng trên có giá trị kinh tế cao trên thị trường, được dùng làm dược liệu và mỹ phẩm.
 
Ngoài 2 mô hình này, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam còn triển khai 1 mô hình trồng 3 ha sả Java tại xã Liêng S’Rônh, huyện Đam Rông và 1 mô hình với 0,5 ha trồng bạc hà và hương thảo tại thị trấn Di Linh.
 
THẾ HẠNH