Tôi khởi hành chuyến đi của mình từ thành phố Đà Lạt lúc trời còn tờ mờ sáng. Cái lạnh mỗi sáng của vùng đất Nam Tây Nguyên khiến đôi bàn tay lạnh co ro, nhưng rồi lòng lại ấm áp hẳn đi khi thấy tổ dân phố Hòa Bình, thị trấn D'ran, huyện Đơn Dương đông đúc dân cư, mới mẻ và tràn đầy sức sống.
Tôi khởi hành chuyến đi của mình từ thành phố Đà Lạt lúc trời còn tờ mờ sáng. Cái lạnh mỗi sáng của vùng đất Nam Tây Nguyên khiến đôi bàn tay lạnh co ro, nhưng rồi lòng lại ấm áp hẳn đi khi thấy tổ dân phố (TDP) Hòa Bình, thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương đông đúc dân cư, mới mẻ và tràn đầy sức sống.
|
100% tuyến đường lớn, nhỏ, đường vào khu sản xuất ở TDP Hòa Bình được cứng hóa, bê tông hóa |
Một thời gian khó
TDP Hòa Bình bây giờ đã khác nhiều rồi! Ấy là câu nói đầy tự hào của ông Nguyễn Lê Gia - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP Hòa Bình khi chở tôi dạo quanh khu phố trên chiếc xe ba gác. Rồi cứ thế, ông Gia tiếp nối câu chuyện về TDP Hòa Bình ngày xưa bằng những tháng ngày gian nan trong thời kỳ kháng chiến, những câu chuyện về một vùng đất cách mạng và cả một thời chiến công vẻ vang của cha ông. Cho tới khi lập lại hòa bình, những con người ấy lại cùng nhau gầy dựng một TDP Hòa Bình trong thời kỳ đổi mới.
Hầu hết người dân ở đây đều là người nhập cư từ những tỉnh, thành khác lui tới trước những năm 1975. Những ngày đầu còn chiến tranh loạn lạc, khi hòa bình lập lại, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Ngày ấy chỉ có vài ba hộ sinh sống, mãi cho tới về sau này, người dân tập trung nhiều và biết tận dụng điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu nên cuộc sống đỡ vất vả, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống.
Ông Gia cho biết thêm, nhiều năm về trước, những nếp nhà xiêu vẹo, nằm chênh vênh bên sườn núi, oằn mình đi qua cái đói lay lắt mùa giáp hạt. Những ngọn đồi tràn đầy thông, thêm những cái “không” về cơ sở hạ tầng càng làm cho Hòa Bình cứ mãi loay hoay trên con đường cố gắng thoát đói, giảm nghèo.
Trải qua hơn 44 năm chứng kiến sự đổi thay của TDP Hòa Bình, ông Thái Văn Bình (60 tuổi) không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày vất vả, nghèo đói. Bởi lẽ, trong kí ức của ông và những người dân, lúc ấy nơi này chỉ là một thôn quê vừa nhỏ, vừa nghèo, giao thông không được thuận lợi như bây giờ. “Nó kinh khủng lắm! Đất đỏ với sình lầy, nhiều lúc bà con muốn ra ngoài cũng lười, nên chỉ khi có việc cần họ mới đi, còn không thì thôi. Ấy thế rồi những ngày vất vả cũng qua, cuộc sống và điều kiện kinh tế cả bà con trong tổ dân phố có nhiều đổi thay, ấm no hơn, hiện đại hơn. Từ cách làm kinh tế đến suy nghĩ và cách sống của mỗi hộ dân đều có sự thay đổi rõ rệt. Con trẻ được đến trường và có môi trường phát triển thuận lợi” - ông Bình tâm sự.
Hướng đến khu dân cư kiểu mẫu
Hướng mắt về những con đường bê tông trải dài khắp TDP, ông Gia cho hay: Về giao thông nông thôn, đến nay 100% các tuyến đường lớn, nhỏ được bê tông hóa, còn các tuyến đường vào khu sản xuất đều được cứng hóa. Hằng năm, TDP luôn có sự đồng lòng, đóng góp từ Nhân dân hơn 50 triệu đồng để tu sửa đường. Chỉ gần đây thôi, TDP đã vận động được trên 8 triệu đồng để làm 70 trụ treo cờ Tổ quốc.
Hiện, TDP Hòa Bình có 324 hộ và 1.324 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 0,9%. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là trồng cà phê, rau ngắn ngày, dưa, bơ, cà phê, hồng… với tổng diện tích là 123 ha đất sản xuất nông nghiệp, tổng thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Đời sống của bà con ngày nhiều đổi thay, người dân bắt đầu sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao như tập trung đầu tư nhà lưới, nhà kính trồng rau, hoa, từ đó mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân địa phương.
Trong khuôn viên nhà kính rộng 1.300 m
2, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (46 tuổi) dành để trồng hoa hồng cho đầu ra tại Đà Lạt hoặc TP Hồ Chí Minh. Chị Huệ kể, vì trước đây bà con trong vùng đều làm rau ngắn ngày, trồng cà phê… nên cũng có chút ít thu nhập. Tuy nhiên, thời gian về sau, rau ngắn ngày trồng ngoài trời không mang lại thu nhập ổn định, còn cà phê giá thành ngày càng giảm xuống nên vợ chồng chị quyết định đầu tư trồng rau, hoa trong nhà kính với hệ thống tưới nhỏ giọt và chuyển qua trồng hoa hồng, cát tường. Theo như chị Huệ, trung bình các năm, vợ chồng chị thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ diện tích nhà kính trên.
Theo ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran nhận định, hiện, thị trấn D’Ran có 16 thôn, tổ dân phố với hơn 4 ngàn hộ dân và trên 14 ngàn nhân khẩu. Ở thị trấn D’Ran, TDP Lạc Quảng đã được công nhận đạt chuẩn “Đô thị văn minh” năm 2018. Năm nay, thị trấn chọn TDP Hòa Bình là đơn vị tiếp theo xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu, phấn đấu cán đích vào cuối năm 2020. Xét về mặt bằng chung, TDP Hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc các tiêu chí. Bên cạnh đó, người dân ở đây, ngoài thực hiện tốt các công tác về an sinh xã hội, chú trọng đến việc học tập của con trẻ, thì luôn có suy nghĩ và cách làm để phát triển kinh tế bằng những phương pháp mới nhằm có cuộc sống ổn định hơn.
THÂN THU HIỀN