Vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

06:10, 13/10/2020

Rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có diện tích lớn, địa hình phức tạp, giáp ranh 7 tỉnh. Sau 5 năm, từ 2015 đến 2019, rừng Lâm Đồng đã tăng gần 14.000 hecta, đạt tỉ lệ độ che phủ từ 53,1% lên 54,5%. Thành quả này thuộc về cả hệ thống chính trị các cấp và Nhân dân, với dấu ấn về sự lãnh đạo của Đảng. 

Rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có diện tích lớn, địa hình phức tạp, giáp ranh 7 tỉnh. Sau 5 năm, từ 2015 đến 2019, rừng Lâm Đồng đã tăng gần 14.000 hecta, đạt tỉ lệ độ che phủ từ 53,1% lên 54,5%. Thành quả này thuộc về cả hệ thống chính trị các cấp và Nhân dân, với dấu ấn về sự lãnh đạo của Đảng. 
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra và chỉ đạo công tác QL&BVR
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra và chỉ đạo công tác QL&BVR
 
Chỉ thị số 30 - văn bản rất quan trọng
 
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên là 978.334 hecta; trong đó, 536.680 hecta rừng. Trong tổng dân số 1.296.906 người (số liệu điều tra ngày 1/4/2019), có đến 27,72% là đồng bào dân tộc thiểu số (riêng dân tộc gốc Tây Nguyên là 17%), phần lớn họ sống và sản xuất nông nghiệp gần rừng hoặc đan xen trong rừng. Có khoảng 30 ngàn hộ dân đang được hưởng lợi trực tiếp từ kinh tế rừng thông qua các chính sách giao khoán bảo vệ rừng (BVR), khoán trồng rừng theo các chương trình như 30a, 168… Các đặc điểm trên cho thấy tài nguyên rừng quan hệ mật thiết và có ý nghĩa quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đời sống an sinh của một bộ phận cư dân nói riêng; đặc biệt, góp phần đắc lực để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. 
 
Tình hình xâm hại đến tài nguyên rừng trên toàn quốc luôn tiềm ẩn phức tạp do nhu cầu xã hội ngày càng lớn. Trách nhiệm của mỗi địa phương, trong đó Lâm Đồng - một trong 5 tỉnh Tây Nguyên - khu vực có vai trò quan trọng đến biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Ngày 26/3/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản”. Sau nhiều năm, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành một văn bản chỉ đạo đầy đủ và toàn diện về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, quản lý lâm sản như Chỉ thị số 30-CT/TU. Văn bản này thay thế Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 30/9/2008. Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy Lâm Đồng còn ra đời sớm hơn 2 năm so với Chỉ thị số 13-CT/TW (ngày 12/1/2017) của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, đơn vị, tổ chức và cá nhân ở Lâm Đồng nếu thực hiện tốt Chỉ thị số 30 thì công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) trên địa bàn tỉnh chắc chắn đạt hiệu quả cao. Chỉ thị yêu cầu tất cả các Huyện ủy, Thành ủy; các đảng đoàn, Ban cán sự Đảng, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan trong tỉnh nhận thức và quán triệt sâu sắc nội dung chỉ đạo. Mặt khác, thực tiễn đòi hỏi, QLBV&PTR là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mọi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp, từ tỉnh đến thôn, khu phố không chỉ nhận thức mà hành động thường xuyên và quyết liệt.
 
Trong 5 năm qua, bài học đúc kết cho thấy, ở đâu cấp ủy phát huy tốt vai trò chỉ đạo và lãnh đạo thì ở đó đạt nhiều kết quả trong công tác QLBV&PTR; ngược lại, thiếu đồng bộ, không quyết liệt, ít sáng tạo thì ở đó không hiệu quả như mong đợi. 
 
Lực lượng kiểm lâm Đà Lạt kiểm tra rừng
Lực lượng kiểm lâm Đà Lạt kiểm tra rừng
 
Nhiều chuyển biến tích cực 
 
Đã có những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 30 và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13. Trước hết, rất nhiều văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, đơn vị liên quan…Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên toàn tỉnh đã tổ chức 2.084 cuộc với 107.995 lượt người tham gia; hàng ngàn tác phẩm báo chí, bản tin xuất bản trên hệ thống truyền thông đại chúng; 14.450 bản ký cam kết BVR của cá nhân và tổ chức… Mặt khác, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhiều nhiệm vụ được triển khai. Đó là kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy và làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về lâm nghiệp ở địa phương; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của 8/8 công ty lâm nghiệp. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ngày càng đạt hiệu quả (mùa khô 2014-2015 xảy ra 33 vụ, tổng diện tích 80,64 ha; mùa khô 2018-2019 xảy ra 10 vụ, diện tích thiệt hại 21,55 ha). Diện tích rừng và đơn giá khoán BVR tăng dần (năm 2015 giao khoán hơn 383,5 ha; năm 2019 diện tích này tăng gần 449 ha). 
 
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lâm Đồng, số vụ vi phạm, diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại cơ bản giảm dần qua các năm (năm 2015: 1.877 vụ (tăng 2%), diện tích rừng thiệt hại 172 ha (tăng 81%), lâm sản thiệt hại hơn 7.400 m3 (tăng 73%); năm 2016: 1.471 vụ (giảm 22%), diện tích rừng thiệt hại 125 ha (giảm 27%), lâm sản thiệt hại hơn 5.100 m3 (giảm 31%); năm 2017: 1.035 vụ (giảm 30%), diện tích rừng thiệt hại 90 ha (giảm 28%), lâm sản thiệt hại gần 3.800 m3 (giảm 26%); năm 2018: 900 vụ (giảm 13%), diện tích rừng thiệt hại 62 ha (giảm 30%), lâm sản thiệt hại gần 3.700 m3 (giảm 2%) và năm 2019: 735 vụ (giảm 18%), diện tích rừng thiệt hại 57 ha (giảm 8%), lâm sản thiệt hại hơn 3.800 m3, tăng 4%). Từ năm 2015-2019, toàn tỉnh đã giải tỏa trên 1.200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tổ chức trồng lại rừng 879 ha. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương, đơn vị chủ rừng, nhưng việc kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý chưa đủ mạnh để ngăn chặn, răn đe các đối tượng vi phạm. 
 
Cũng thông tin từ Sở NN&PTNT, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 11.563 ha rừng; từ 2015 - 2019, diện tích chăm sóc rừng trồng 50.698 ha và trồng 1.439.984 cây phân tán… Toàn tỉnh hiện còn 328 dự án thuộc 313 doanh nghiệp, hộ gia đình triển khai với 52.914 ha (đã thu hồi 195 dự án với 29.834 ha do không triển khai hoặc chậm tiến độ theo phê duyệt, để rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm nhưng không có biện pháp ngăn chặn và doanh nghiệp tự trả lại). Tháng 10 năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đất lâm nghiệp 596.557 ha (rừng đặc dụng 84.119 ha, rừng phòng hộ 172.800 ha, rừng sản xuất 339.557 ha); đất có rừng 525.262 ha, đất chưa có rừng 71.214 ha và rừng sản xuất 44.478 ha…
 
Những số liệu trên phần nào đã phản ánh sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị tại tỉnh Lâm Đồng. Nhưng nghiêm túc nhìn nhận, nhiệm vụ QLBV & PTR luôn thách thức mỗi cấp, mỗi ngành và cá nhân liên quan. Do đó, tiếp tục khắc phục những tồn tại và vượt qua những hạn chế như: thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện ở một số sở, ngành, địa phương; hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa cao; trồng rừng thay thế không đạt chỉ tiêu kế hoạch và trồng rừng sau giải tỏa còn hạn chế trong việc bảo vệ, chăm sóc; hạn chế tại một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng như đã nêu trên…
 
Kiểm lâm và chủ rừng Công ty Lâm nghiệp ở Di Linh tuần tra rừng
Kiểm lâm và chủ rừng Công ty Lâm nghiệp ở Di Linh tuần tra rừng
 
Tiếp tục phát huy sự chỉ đạo và lãnh đạo
 
Ngày 25/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký Quyết định số 1836/QĐ-UBND ban hành Đề án “Tăng cường công tác quản lý BVR, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là sự cần thiết và cấp bách, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, thu hồi và trồng lại rừng diện tích bị lấn chiếm, trồng xen cây lâm nghiệp trên diện tích lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, ông Võ Danh Tuyên cho chúng tôi biết: “Sở đã ban hành quyết định để triển khai Dự án và đang xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện”. Cùng với đó, để Chỉ thị số 30-CT/TU tăng cường tính hiệu lực hơn nữa, đã đến lúc Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về công tác này. Cũng theo ông Võ Danh Tuyên, hiện dự thảo đã gửi đến các địa phương, đơn vị để tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh. Đây là những hành lang pháp lý quan trọng để toàn hệ thống chính trị ở Lâm Đồng thực hiện. Công tác QLBV&PTR trên địa phương Lâm Đồng sẽ tiếp tục có nhiều tín hiệu vui trong thời gian tới.
 
MINH ĐẠO