Giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng chú trọng đầu tư các nguồn vốn phát triển toàn xã hội. Có hàng ngàn công trình, dự án phục vụ dân sinh, nâng cao đời sống của Nhân dân trong tỉnh đã và đang được đầu tư thực hiện…
Giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng chú trọng đầu tư các nguồn vốn phát triển toàn xã hội. Có hàng ngàn công trình, dự án phục vụ dân sinh, nâng cao đời sống của Nhân dân trong tỉnh đã và đang được đầu tư thực hiện…
|
Từ nguồn vốn đầu tư xã hội, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng |
Chủ trương của lãnh đạo tỉnh
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội là chỉ tiêu quan trọng, quyết định trong việc phát triển và tăng trưởng nền kinh tế; đặc biệt, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân thông qua các công trình xây dựng hạ tầng, công trình dân sinh, phúc lợi xã hội được nâng cấp, xây dựng.
Lâm Đồng vốn có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh thành tựu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (DTTS), các chương trình 134, 135... triển khai trong những năm qua đã tạo diện mạo mới, nâng cao đời sống của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Song, nhìn chung, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, điều kiện sản xuất, đời sống của Nhân dân vẫn còn khó khăn.
Đầu tư toàn xã hội chính là “đòn bẩy” sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của Nhân dân, đó là mục tiêu lớn lãnh đạo tỉnh, các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện, đã và đang mang lại hiệu quả hiển thị rõ nét trong đời sống xã hội.
Điều đáng nói là ngoài ngồn vốn từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương, đầu tư toàn xã hội đã thu hút các nguồn vốn của Nhân dân, doanh nghiệp, tranh thủ nguồn vốn từ bên ngoài, với phương châm: Giảm dần vốn ngân sách, tăng dần vốn ngoài ngân sách trong đầu tư toàn xã hội…
|
Đường cao tốc Liên Khương - Prenn đoạn qua địa bàn xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Ảnh: Chính Thành |
Những thành tựu
Trong 5 năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách, vốn Nhân dân và nguồn vốn từ bên ngoài, việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án phục vụ dân sinh, phúc lợi xã hội trong toàn tỉnh triển khai đạt nhiều kết quả. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, tập trung các lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, phát triển NNCNC, xây dựng NTM, bảo vệ môi trường…
Tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh đạt 109.105 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển bình quân tăng 8,32%/năm, cao hơn tăng trưởng GRDP. Dự ước năm 2020, vốn đầu tư phát triển khoảng 25.139 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,78% trong GRDP; bình quân thời kỳ 2016-2020 tổng vốn đầu tư phát triển chiếm khoảng 23% trong GRDP. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước (kể cả Trung ương, địa phương) chiếm 22,81%; vốn ngoài Nhà nước chiếm 75% và vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA) chiếm 2,19%.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm; do đó, cơ cấu nguồn vốn thay đổi theo hướng: Vốn ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng ngày càng tăng; vốn ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng giảm.
Có thể thấy, nguồn vốn ngoài Nhà nước tăng từ 71,07% (năm 2015) lên 76,29% (năm 2020); vốn nhà nước từ 25,91% (năm 2015) giảm còn 22,81% (năm 2020) và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài từ 3,03% năm 2015, còn 2,19% năm 2020. Cơ cấu đầu tư cũng có sự chuyển dịch, đầu tư ngành nông, lâm nghiệp, xây dựng chiếm 13%, ngành dịch vụ, kết cấu hạ tầng chiếm khoảng 74%/tổng vốn đầu tư toàn xã hội…
Việc lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình lớn của Trung ương hiệu quả; những nỗ lực của các địa phương và sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp... đã có hàng trăm công trình hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng. Đến nay, hệ thống giao thông (giao thông đô thị, nông thôn, nội đồng, cầu, cống...) ở 12 huyện, thành phố đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa thông thoáng, thuận lợi cho Nhân dân sản xuất, sinh hoạt. Trong đó, một số công trình lớn như: Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; Khu Công nghiệp - Nông nghiệp Tân Phú, Khu Công nghệ thông tin tập trung; Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; Dự án Quảng trường trung tâm TP Đà Lạt; các Quốc lộ 20, 27, 28… được xây dựng, nâng cấp.
Hệ thống các hồ, đập thủy lợi: hồ Đạ Sị (Đạ Tẻh), hồ Kazam (Đơn Dương), hồ Đông Thanh (Lâm Hà), hồ Đạ Bro (Di Linh)..., kênh mương, bờ kè phục vụ nông nghiệp, ngăn sạt lở; hàng chục công trình xây dựng, sửa chữa các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS tại các xã vùng DTTS như: Trường Dân tộc nội trú Đồng Nai Thượng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Cát Tiên; trụ sở làm việc của HĐND - UBND huyện Đạ Huoai; trụ sở làm việc, trạm y tế các xã; Trung tâm văn hóa - thể thao các huyện; Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm, Khu Du lịch Đan Kia - Suối Vàng; hàng chục công trình phục vụ sản xuất NNCNC tại các huyện... cũng đã được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư xã hội.
Ngoài ra, tính đến tháng 8/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 605 công trình tiếp tục triển khai thực hiện từ nguồn vốn đầu tư xã hội, như: nâng cấp đường Đan Kia và cầu Phước Thành (Phường 7), đường Phạm Hồng Thái (Phường 10), nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật quanh hồ Xuân Hương (TP Đà Lạt); đường cứu hộ cứu nạn từ QL27 vào Trung tâm xã Rô Men, (từ Ngã ba Bằng Lăng đi Thôn 1, 2, 3 xã Rô Men - giai đoạn 2), xây đập Đạ Ral (Đam Rông); xây dựng hồ chống bồi lắng, Nhà máy xử lý nước thải khu vực Đan kia - Suối Vàng (Lạc Dương); đường liên xã Đạ Đờn - Phi Tô - Nam Ban, Hoài Đức đi Tân Thanh (Lâm Hà);...
Có thể nói, vốn đầu tư toàn xã hội đã và đang“nối dài” những công trình thiết yếu, tạo điều kiện hết sức quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và phục vụ đời sống của Nhân dân ngày càng tốt hơn…
THANH HỒNG