"Đây là cơ hội để biến niềm yêu thích Đà Lạt thành những hành động thiết thực. Dù chỉ là những cây thông nhỏ thôi nhưng đó cũng là đóng góp chung cho môi trường ngày càng thêm xanh…"...
“Đây là cơ hội để biến niềm yêu thích Đà Lạt thành những hành động thiết thực. Dù chỉ là những cây thông nhỏ thôi nhưng đó cũng là đóng góp chung cho môi trường ngày càng thêm xanh…” - Từ suy nghĩ đó, gần 100 người trẻ từ các nơi tụ họp về, không ngại ngần xắn tay áo, cuốc đất, trồng cây, ươm lên những mầm xanh, như chính hi vọng về một môi trường tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng.
|
Một dự án cộng đồng nhỏ nhưng rất nhanh chóng thu hút được nhiều người đến từ nhiều nơi khác nhau |
“Nếu một mình chẳng thể làm gì được, thì chúng ta hãy làm cùng nhau, để bảo vệ màu xanh của nơi này”. Thế là Dự án “Xanh lại Đà Lạt ơi!” ra đời. Và, cũng thật bất ngờ khi dự án lại do các bạn trẻ đang ở cách Đà Lạt hàng trăm km khởi xướng lên.
“Đúng là công cuộc này rất khó để thực hiện. Tụi mình cũng chỉ là những bạn trẻ đến từ TP Hồ Chí Minh và cộng đồng trẻ online yêu Đà Lạt. Trước khi công bố dự án, chúng mình rất lo vì không biết phản ứng của cộng đồng mạng như thế nào. Nào ngờ, chỉ sau một tuần công bố dự án và gây quỹ thì tụi mình không chỉ nhận được những lời động viên rất lớn từ các bạn trẻ yêu Đà Lạt, các cô chú và nhiều người Việt trong và ngoài nước mà tụi mình còn nhận được gần nửa số tiền để có thể thực hiện dự án. Tụi mình hạnh phúc lắm. Vậy mới thấy không phải là ngoài kia chẳng ai muốn đứng lên hành động, mà chỉ là họ chẳng biết làm từ đâu, với ai và sẽ làm gì để làm Đà Lạt xanh lại. Thế nên, chỉ cần ai đó có khả năng đứng lên làm thì cả cộng đồng sẽ cùng chung tay”, niềm vui hiện rõ trên từng câu nói của Nguyễn Hữu Lộc, thành viên Ban tổ chức dự án.
Để bắt đầu, Lộc và nhóm cộng sự của mình đã phải lên xuống Đà Lạt rất nhiều lần, gặp rất nhiều người thì mới có thể lên kế hoạch cụ thể cho dự án. Ở điểm đến đầu tiên, dự án đặt ra mục tiêu trồng được 3.000 cây thông con cho ngọn đồi Bồng Lai (huyện Đức Trọng) trong vòng 8 ngày với số tiền cần có là gần 75 triệu đồng. Để có kinh phí cho việc mua giống cây, dọn cỏ, đào hố, mua phân bón…, Ban tổ chức đã kêu gọi gây quỹ bằng cách bán bộ sản phẩm gồm: Áo, túi, khẩu trang hoặc bất cứ ai muốn đồng hành cùng dự án thì đều có thể đóng góp trực tiếp.
Không quá bất ngờ khi những điều tốt đẹp đều được đón nhận một cách tử tế. Minh chứng là việc dự án đã nhận được tiền quyên góp từ khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Đồng thời, gần 100 tình nguyện viên ở các địa phương đổ về, hăng hái tham gia.
Chỉ trong 2 ngày cuối tuần, 3.000 cây thông xanh non được trồng chứ không phải 8 ngày như dự kiến ban đầu.
Chẳng ai đòi hỏi bất cứ điều gì, tự bỏ tiền túi ra mua vé xe, mua áo gây quỹ từ dự án, bởi đối với nhiều người trong số họ, những hàng thông xanh vẫn mãi là ký ức, là tuổi thơ đẹp đẽ mà không phải nơi nào cũng có thể mang lại. “Ngay khi được nghe tới chương trình mình đã cảm nhận được ý nghĩa và thông điệp mà những người thực hiện muốn gửi gắm. Đây là cơ hội để biến niềm yêu thích Đà Lạt thành những hành động thiết thực. Dù chỉ là những cây thông nhỏ thôi nhưng đó cũng là đóng góp chung cho môi trường ngày càng thêm xanh”, cô bạn trẻ Phụng Nghi chia sẻ.
|
Ý nghĩa cộng đồng được lan tỏa từ dự án |
Khi được hỏi vì sao các bạn lại thực hiện một dự án cho một mảnh đất chẳng phải quê hương của mình như vậy, thì câu trả lời lại thấy nghẹn lòng, rằng: Mình lấy một nơi mà được rất nhiều người yêu thương ra để cảnh tỉnh cộng đồng một điều, nếu không có rừng cây, không có thiên nhiên thì sẽ chẳng còn gì cả.
“Mình nhận thấy rất nhiều người trẻ đang quan tâm đến thiên nhiên và môi trường, nhưng vấn đề là không phải ai cũng biểu thị bằng những hành động trực tiếp. Phải đi đường xa, leo lên đồi dù nhiều đoạn đường trơn trượt… ai cũng mệt, nhưng rất tươi vui và hạnh phúc khi tự tay làm nên sự sống cho thiên nhiên cũng như cho chính tâm hồn mình”, Gia Hảo - một giáo viên đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Phải mất ít nhất vài năm, thậm chí là vài chục năm để một cây xanh trưởng thành. Thế nhưng, để hủy hoại nó, đôi lúc chỉ là một khoảnh khắc của lòng tham. Sâu xa hơn trong dự án mà những người trẻ này đang thực hiện, là mong muốn có thể thay đổi nhận thức cho những người đam mê du lịch. “Sau một thời gian làm fanpage thì mình nhận thấy rằng các bạn ngày càng bị cuốn theo những giá trị trước mắt như những địa điểm check-in vô bổ mà chẳng hề liên quan Đà Lạt. Tư duy đó trực tiếp ảnh hưởng đến thiên nhiên của Đà Lạt mà các bạn chẳng hề nhận ra. Mong là qua những bước chân đầu tiên trồng cây này, nhận thức của các bạn sẽ được nâng lên thiệt cao - đó là điều quan trọng nhất. Khi tư duy du lịch thay đổi, thì thiên nhiên sẽ được bảo vệ”, Hữu Lộc chia sẻ thêm.
HỒNG THẮM - HOÀNG SA