Đến thời điểm hiện tại, huyện Cát Tiên có 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP Lâm Đồng hạng 3 sao là Hạt điều rang muối của HTX Lê Gia và gạo Hạt ngọc Cát Tiên...
Đến thời điểm hiện tại, huyện Cát Tiên có 2 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP Lâm Đồng hạng 3 sao là Hạt điều rang muối của HTX Lê Gia và gạo Hạt ngọc Cát Tiên. Theo Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, đây là nỗ lực nhằm từng bước nâng cao giá trị các nông sản đặc trưng của địa phương.
|
Theo ông Lê Văn Bảy - Giám đốc HTX Lê Gia, chứng nhận OCOP như một giấy chứng nhận cho uy tín của sản phẩm |
Những hạt điều được “gắn sao”
Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ và chế biến hàng nông sản xuất khẩu Lê Gia (viết tắt là HTX Lê Gia) được thành lập từ năm 2008, nhưng ông Lê Văn Bảy - Giám đốc HTX thì đã gắn bó với cây điều và chế biến hạt điều từ năm 2003. Dẫn chúng tôi tham quan xưởng chế biến tại Tổ dân phố 2, thị trấn Phước Cát với hơn 50 công nhân đang làm việc, ông phấn khởi chia sẻ: Sản phẩm hạt điều rang muối được gắn sao như là một chứng nhận cho uy tín, tạo lòng tin cho khách hàng vì sản phẩm đã được đảm bảo chất lượng ổn định, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hiện, HTX Lê Gia có 7 thành viên, liên kết với 5 hộ dân trên tổng diện tích 10 ha cây điều, với tổng vốn điều lệ là 2 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm, HTX Lê Gia thu mua gần 500 tấn điều thô của hơn 100 hộ nông dân các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng, đưa ra thị trường khoảng 125 tấn thành phẩm. Năm 2018, sản phẩm hạt điều rang muối của HTX Lê Gia được Phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên công nhận đoạt giải Ba cuộc thi đánh giá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện. Và mùa xuân năm 2020, sản phẩm này chính thức được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đạt cấp hạng 3 sao OCOP.
Với những tiêu chuẩn khắt khe, HTX Lê Gia chỉ đưa ra thị trường khoảng 20 tấn sản phẩm hạt điều rang muối đạt chứng nhận OCOP 3 sao trong tổng số 125 tấn thành phẩm mỗi năm. Ông Lê Văn Bảy cho biết: Để tạo ra những hạt điều rang muối đạt yêu cầu, đòi hỏi nguồn nguyên liệu phải được lấy từ cây điều ghép, hạt to. Hạt điều được sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo “4 không”: Không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không hương thơm nhân tạo, không chất tạo màu, không chất bảo quản. Quy trình sản xuất đảm bảo khép kín, với nhân hạt điều chiếm đến 99,5%, tạo ra những hạt điều rang muối thơm ngon, chất lượng, trở thành một trong những đặc sản của huyện Cát Tiên. “Để sản phẩm điều rang muối đạt chuẩn OCOP, chúng tôi phải học hỏi và rút kinh nghiệm nhiều, bởi không đơn giản chỉ làm và đưa ra bán, nay hạt điều còn phải được kiểm định chất lượng, đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc” - ông Bảy cho hay.
12 năm thành lập HTX, 17 năm gắn bó với việc thu mua và chế biến hạt điều, ông Lê Văn Bảy đã chứng kiến những thời kỳ mùa điều lao đao, khó khăn vì dịch bệnh, mất mùa, rớt giá. Chính vì vậy, những tín hiệu khả quan khi sản phẩm hạt điều rang muối của HTX được chứng nhận đạt chuẩn OCOP khiến ông vui mừng hơn ai hết. Cụ thể, thị trường đang dần được mở rộng, số lượng đơn hàng tăng lên, quá trình giao lưu, xúc tiến thương mại cũng được quan tâm, tạo điều kiện.
Cùng với việc đầu tư mở rộng nhà xưởng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, từng bước áp dụng công nghệ chế biến hạt điều tiên tiến, những hạt điều được “gắn sao” của HTX Lê Gia đã có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và đang xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Hiện, HTX Lê Gia đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 120 nhân công. Bà Đặng Thị Thu Lan - Phó Chủ tịch thị trấn Phước Cát, cho biết: Hiện toàn thị trấn có 509 ha trồng điều. Việc HTX Lê Gia chủ động thu mua và chế biến đã góp phần giải quyết đầu ra cho nông dân. Địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để HTX Lê Gia tiếp tục phát triển, thăng hạng sao cho sản phẩm hạt điều rang muối, từ đó mở rộng thị trường, đồng thời giải quyết thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương.
|
Anh Ngô Quốc Chí - Giám đốc HTX Nông nghiệp & Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên luôn mong muốn đưa gạo Hạt ngọc Cát Tiên đi xa hơn |
Những cánh đồng thơm mùi “Hạt ngọc”
Giám đốc HTX Nông nghiệp & Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên (Tổ dân phố 13, thị trấn Cát Tiên), anh Ngô Quốc Chí, là một người còn rất trẻ khi mới trên 30 tuổi. Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, nhưng người con được sinh ra và lớn lên nơi xứ lúa vẫn luôn ấp ủ một niềm đam mê to lớn với nông nghiệp. Thử qua nhiều cây trồng, vật nuôi khác nhau, anh quyết định “dừng chân” với thương hiệu lúa gạo đã trở thành niềm tự hào của vùng đất Cát Tiên.
Cái tên “Hạt ngọc Cát Tiên” ra đời, với 3 loại lúa là RVT (CT1), Đài thơm tám (CT2) và Bồ câu (OM6162 và OM4900) được trồng theo phương thức canh tác hữu cơ. Năm 2018, HTX Nông nghiệp & Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên được thành lập, xuất phát từ nhu cầu hình thành nhóm hộ, liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gắn với sản xuất gạo Hạt ngọc Cát Tiên, được UBND huyện cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa - Gạo Cát Tiên”. HTX có 11 thành viên với tổng vốn điều lệ 2 tỷ 590 triệu đồng.
Hiện, HTX liên kết với các tổ hợp tác với tổng diện tích khoảng 200 ha, diện tích nhà xưởng 100 m2 với dây chuyền tự động. Thị trường chủ lực là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước. Anh Ngô Quốc Chí cho biết, mục tiêu sản xuất sản phẩm của HTX đến năm 2024 là 350 tấn gạo/năm.
Cũng trong năm 2018, sản phẩm gạo Hạt ngọc Cát Tiên của HTX Nông nghiệp & Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên được công nhận sản phẩm OCOP cấp huyện. Sản phẩm gạo Ngọc trời là loại gạo có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Gạo được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và phương pháp hữu cơ, được kỹ sư và Phòng NN&PTNT huyện theo dõi về kỹ thuật, đảm bảo hạt gạo không nhiễm chất hóa học độc hại. Lúa được bảo quản trong kho kín, không dùng chất bảo quản. Gạo được xay xát giữ nguyên cám nên vẫn giữ nguyên chất dinh dưỡng, độ ngọt và mùi thơm tự nhiên. Gạo không trộn chất bảo quản để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dùng.
Cuộc trò chuyện với anh Ngô Quốc Chí được diễn ra ngay chính trong xưởng xay xát, tranh thủ lúc anh nghỉ ngơi một chút để kiểm tra máy. Anh Chí chia sẻ: “Ban đầu, nông dân chưa hiểu rõ OCOP là gì, nhưng qua quá trình tập huấn, hướng dẫn, dần dần các thành viên hiểu rõ hơn về yêu cầu và lợi ích mà nó mang lại. Để sản xuất gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, bắt buộc chúng tôi phải sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón cho nông dân”.
Mỗi vụ, HTX Nông nghiệp & Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên liên kết với 50 ha trồng lúa hữu cơ với năng suất đạt từ 4 đến 5 tấn/ha, đưa ra thị trường khoảng 10 tấn gạo hữu cơ, 50 tấn gạo thường mỗi tháng. “OCOP được xem như một giấy chứng nhận đảm bảo cho chất lượng thương hiệu lúa gạo Cát Tiên. Khi nhận được chứng nhận, thị trường của chúng tôi rộng mở hơn, đơn hàng nhiều hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân và chính các thành viên HTX” - anh Chí khẳng định.
Mục tiêu trong thời gian tới của HTX Nông nghiệp & Dịch vụ tổng hợp Cát Tiên là tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chế biến theo công nghệ hiện đại. Đồng thời, từng bước đảm bảo chất lượng, mẫu mã để cung cấp thị trường trong nước, hướng tới thị trường xuất khẩu. Và, hương thơm của những “hạt ngọc” đất trời Cát Tiên nay đã không chỉ vương vít trên những cánh đồng bội thu, mà đã đi xa hơn khi đã có mặt tại các đại lý trên các huyện, thành trong và ngoài tỉnh.
Tạo đột phá từ sản phẩm đặc trưng
Ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cát Tiên cho biết: Đối với Cát Tiên, nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực, là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Chương trình trọng tâm của các nhiệm kỳ cũ và trong nhiệm kỳ mới vẫn là phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, huyện Cát Tiên quyết tâm xây dựng, tạo đột phá từ những sản phẩm OCOP mang lợi thế đặc trưng nổi trội của địa phương.
Đối với sản phẩm hạt điều, việc phát triển thành sản phẩm OCOP giúp huyện Cát Tiên định hướng phát triển theo hướng liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Những năm gần đây, người trồng điều gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, năng suất thấp. Chính vì vậy, huyện đã đẩy mạnh cải tạo, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, hoặc thay những diện tích điều già cỗi, năng suất thấp sang giống điều ghép cao sản tại những vùng không thể chuyển đổi. Nhờ vậy, đến niên vụ năm 2020, năng suất cây điều toàn huyện tăng đáng kể, hiện huyện đang có trên 5.000 ha cây điều.
Đối với thương hiệu Lúa - Gạo Cát Tiên, hiện huyện duy trì diện tích gieo trồng 9.042 ha; năng suất bình quân 64,1 tạ/ha; sản lượng đạt gần 58.000 tấn. Diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ tiếp tục được mở rộng, phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp; trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX nông nghiệp để làm tốt vai trò tổ chức sản xuất. Hiện, huyện Cát Tiên đang tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 85% diện tích; tập trung phát triển mở rộng vùng sản xuất lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Định hướng trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xác định các sản phẩm nông sản đặc thù, đặc trưng của địa phương để tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, xây dựng thêm một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như rượu cần, các sản phẩm sơ chế, chế biến từ gạo, dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ...”, ông Trần Quang Trừng khẳng định. Theo đó, huyện Cát Tiên tiếp tục tiếp nhận và đánh giá ít nhất 4 đến 5 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tại địa phương theo Bộ tiêu chí Quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, lựa chọn sản phẩm trên 3 sao, hoàn thiện hồ sơ gửi Hội đồng OCOP cấp tỉnh, để tham gia đánh giá, công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP.
VIỆT QUỲNH