Hơn 1.400 phần quà với tổng giá trị gần 900 triệu đồng đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Lạt chuyển đến tận tay những người dân Hải Lăng - Quảng Trị bị thiệt hại vì bão lụt thể hiện tấm lòng của người Đà Lạt.
Hơn 1.400 phần quà với tổng giá trị gần 900 triệu đồng đã được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Lạt chuyển đến tận tay những người dân Hải Lăng - Quảng Trị bị thiệt hại vì bão lụt thể hiện tấm lòng của người Đà Lạt.
|
Đoàn từ thiện trao quà cho người dân Hải Lăng - Quảng Trị |
Cần sự giúp đỡ
Theo chân đoàn từ thiện của Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Lạt kết hợp với đạo tràng Mindroling Việt Nam do ni sư Thích nữ Hiền Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tín (đường Sương Nguyệt Ánh, Phường 9, thành phố Đà Lạt) làm Trưởng đoàn, chúng tôi đã có mặt tại huyện Hải Lăng - một huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tỉnh Quảng Trị trong đợt bão lũ vừa qua.
Khu chúng tôi đến nước lụt nơi đây cơ bản đã rút hết, tuy nhiên bùn vẫn còn rất nhiều, gây bất tiện cho việc đi lại của người dân. Rất nhiều người dân vẫn đang tích cực dọn dẹp và khắc phục hậu quả sau bão lũ. Do nước dâng lên bất ngờ nên hầu hết người dân nơi đây đều không có sự ứng phó kịp thời, nhà cửa bị ngập nặng, đồ vật đều bị hư hại, hoa màu, vật nuôi của người dân cũng gần như mất trắng.
Trở về căn nhà của mình sau những ngày di tản do mưa bão, bà Phan Thị Hoa, 58 tuổi, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, với thân hình mảnh khảnh và gương mặt hằn nếp nhăn không khỏi xót xa: “Nhà tôi có 3 mẹ con, đứa con lớn thì đi làm xa nên ở nhà chỉ còn tôi và đứa con nhỏ 9 tuổi. Vì nước lên đột xuất nên chẳng kịp ứng phó gì, chỉ vơ vội mấy bộ quần áo rồi lên ca nô đi di tản. Đến khi nước rút quay về thì nhà cửa đều hư hại hết và không còn lại gì. Hiện tại mọi vật dụng sử dụng trong gia đình tôi đều phải mua sắm lại từ đầu” - bà Hoa cho biết
Còn bà Nguyễn Thị Lạt, 64 tuổi, xã Hải Định, huyện Hải Lăng cũng chia sẻ: “Khi nghe tin có bão đổ bộ nhà tôi đã chuẩn bị sắp xếp đồ đạc lên cao để tránh hư hại. Tuy nhiên, do năm nay mực nước lên quá cao vượt cả mốc nước trước đây nên lúa gạo đều bị ướt hết, đàn gà hơn 200 con nhà tôi cũng trôi hết không còn lại gì”.
Tình người Đà Lạt trong bão lũ
Những ngày qua, theo dõi tin tức về miền Trung, ni sư Thích nữ Hiền Liên đã không khỏi xót xa cho người dân vùng rốn lũ. Được sự đồng ý của Đại đức Thích Vạn Trí - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Lạt, ni sư đã đứng ra kêu gọi mọi người cùng chung tay vì miền Trung ruột thịt.
Sau hơn 7 ngày kêu gọi, đã có rất nhiều nhà tài trợ ủng hộ cho ni sư rau, củ Đà Lạt, gạo, mì, bánh kẹo, tiền mặt. Đoàn từ thiện của Ban Trị sự Giáo hội đã vận chuyển trên 1.400 phần quà này trao đến tận tay cho bà con, mỗi phần quà như thế gồm tiền mặt, rau củ, gạo, bánh tét…
Với rất nhiều người dân tại Hải Lăng, khi biết đoàn từ thiện từ Đà Lạt ra đã rất vui. Như bà Nguyễn Thị Hương, 50 tuổi vui mừng cho biết: “Suốt những ngày bão vừa qua nhà tôi chỉ toàn ăn mì tôm sống. Giờ có gạo, có rau, củ Đà Lạt nên thật sự mừng lắm”.
Là một thành viên đồng hành cùng đoàn từ thành phố Đà Lạt về tỉnh Quảng Trị, cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh (60 tuổi, Phường 4, thành phố Đà Lạt) cho biết: “Nghe tin miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của bão tôi cảm thấy rất lo lắng cho bà con trong vùng lũ lụt. Nên khi có cơ hội đi hỗ trợ miền Trung tôi cảm thấy rất vui, gia đình ai cũng ủng hộ việc làm này. Nhìn những gương mặt hạnh phúc của những người dân khi nhận được quà tôi cũng vui lây”.
Theo ni sư Thích nữ Hiền Liên - Trưởng đoàn từ thiện Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Lạt, khi kêu gọi đã có rất nhiều tấm lòng hảo tâm cùng các phật tử tại chùa tích cực quyên góp, mặc dù thời gian gấp gáp nhưng mọi người ai cũng rất nhiệt tình. Hơn 10 tấn rau củ, 14 tấn gạo, hàng nghìn nhu yếu phẩm được mọi người đem đến cho bà con. “Ni sư rất vui khi có thể góp một phần công sức của mình nhằm giúp đỡ bà con miền Trung có thể phần nào vượt qua khó khăn, khắc phục đời sống sau bão. Mặc dù đường sá xa xôi, thời tiết cũng không được tốt, nhưng nghĩ đến việc mình có thể giúp đỡ nhiều người nên quên hết mọi vất vả. Mong rằng sẽ có thêm nhiều tấm lòng hướng về khúc ruột miền Trung này theo tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam”, Ni sư Thích nữ Hiền Liên tâm sự.
CHÚC DUYÊN - VIẾT TRỌNG