Khi công nghệ hỗ trợ giao tiếp cho trẻ khiếm thính

06:11, 23/11/2020

Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, mọi thứ bỗng trở nên dễ dàng một cách lạ thường với những học sinh khiếm thính nơi đây. Các em thay vì dùng ký hiệu bằng tay để nói chuyện thì nay có thể dễ dàng nhắn tin với bạn bè, người thân.

Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, mọi thứ bỗng trở nên dễ dàng một cách lạ thường với những học sinh khiếm thính nơi đây. Các em thay vì dùng ký hiệu bằng tay để nói chuyện thì nay có thể dễ dàng nhắn tin với bạn bè, người thân.
 
Thảo My (bên phải) và bạn học sau giờ học
Thảo My (bên phải) và bạn học sau giờ học
 
Chìa cho tôi xem màn hình chiếc điện thoại thông minh với dòng chữ nhấp nháy theo ngón tay trên bàn phím, trông Lê Ánh Thảo My (12 tuổi), người Đà Lạt không khác gì những học sinh phổ thông bình thường trong độ tuổi này. Cũng một khuôn mặt tươi vui với ánh mắt sáng, bộ đồng phục học sinh phẳng phiu cùng chiếc cặp với sách vở đến trường hằng ngày.
 
Nhưng thay vì đến trường phổ thông bình thường thì hằng ngày Thảo My lại đi học ở Trường Khiếm thính Lâm Đồng. Năm nay em đang học lớp 6 tại đây. Vì một lý do nào đó, khi sinh ra Thảo My đã bị câm và điếc, gia đình 4 chị em chỉ có mình em bị khuyết tật. Chạy chữa mọi nơi không được, gia đình đã đưa em đến Trường Khiếm thính đi học lâu nay. 
 
Nằm kề trung tâm Thành phố Đà Lạt, Trường Khiếm thính Lâm Đồng năm học này có 130 học sinh đặc biệt như Thảo My. Toàn bộ đang theo học tại 16 lớp học, trong đó có 1 lớp can thiệp sớm, 4 lớp mầm non, 7 lớp tiểu học và 4 lớp trung học cơ sở. Cơ sở dùng làm trường học này giống một ngôi nhà ở hơn là trường, các phòng học nơi đây khá nhỏ với sỹ số học sinh không nhiều, mỗi lớp chừng 10 học sinh trở lại. Lớp nhỏ giúp cho thầy cô giáo nơi đây dễ dàng hơn trong việc giúp đỡ, theo sát từng em trong học tập. Theo Ban Giám hiệu đa số học sinh theo học tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện trong tỉnh, khoảng 95% học sinh đăng ký nội trú tại trường.
 
Nhưng với Thảo My, vì nhà ở Đà Lạt nên em không ở lại trường. Hằng ngày em được cha mẹ hay người thân đưa đón. Gia đình đóng tiền để trưa My ăn cơm và ở lại trường, chiều mới đón về. Trên trường em cần việc gì thì thường thầy cô sẽ liên lạc với gia đình. Nhưng trong vài năm nay Thảo My đã có thể chủ động được mọi thứ nhờ vào chiếc điện thoại. 
 
Với một chiếc điện thoại thường đời cũ thì nhắn tin cũng được, nhưng theo Thảo My điện thoại thông minh tiện lợi hơn nhiều. Hầu như tất cả các ứng dụng trên điện thoại thông minh em đều dùng được, Facebook, Zalo. Cho chúng tôi xem một số tin nhắn gửi cho gia đình, em hỏi thăm sức khỏe cha mẹ, thăm hỏi bạn bè; trang cá nhân riêng của em trên Facebook cũng có hình hoa cỏ, phong cảnh Đà Lạt, thầy cô, bạn bè trong lớp với những lời bình dễ thương như bất kỳ học sinh bình thường nào trong lứa tuổi này.
 
Và không chỉ Thảo My, hầu hết các bạn trong trường nơi đây hầu như em nào cũng có một chiếc điện thoại thông minh. Trong giờ học học sinh được yêu cầu tắt điện thoại và chỉ được sử dụng sau giờ học.
 
“Cái khó nhất chính là dạy cho các em khả năng sử dụng ngôn ngữ. Khi cơ bản nắm được việc sử dụng ngôn ngữ là các em có thể sử dụng điện thoại để nhắn tin được rồi” - cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên dạy môn Văn của Trường Khiếm thính Lâm Đồng cho biết.
 
Nguyên cô Nhàn là hiệu trưởng của trường trong nhiều năm liền, khi về hưu nhà trường vẫn tiếp tục hợp đồng với cô để dạy tại trường vì vốn kinh nghiệm rất lớn của cô trong nhiều năm dạy Văn và Tiếng Việt cho học sinh khiếm thính nơi đây.
 
Trước đây theo cô Nhàn, khi dạy ngôn ngữ cho các em giáo viên phải dùng nhiều cách trong đó có sử dụng ký hiệu tay, việc dạy này tương đối khó, cần kinh nghiệm của giáo viên để các em tiếp thu được nhưng cũng rất chậm. Khi công nghệ thông tin phát triển, trường đã thấy ngay khả năng ứng dụng và nhanh chóng đưa Tin học vào dạy trong trường cho học sinh từ lớp 3.
 
“Thay vì sử dụng ngôn ngữ tay để diễn tả, với các từ thông thường thì tương đối dễ nhưng với các từ và các khái niệm trừu tượng thì rất khó, nay với công nghệ thông tin và máy chiếu, với hình ảnh minh họa trên màn hình nên dễ dàng hơn cho thầy cô cũng như các em rất nhiều. Khoảng từ cuối lớp 3 là các em có thể nhắn tin với các câu với từ đơn giản, lên lớp 5 là các em đã có thể nói chuyện rất suôn sẻ với mọi người bên ngoài bằng nhắn tin điện thoại rồi”- cô Nhàn cho biết.
 
Nhờ công nghệ nên theo cô Nhàn, học sinh nơi đây nay đã có thể dễ dàng hơn trong mọi thứ, từ học tập, trao đổi, nói chuyện với gia đình, người thân, bạn bè, giao lưu với các cộng đồng khiếm thính trong nước. 
 
“Ngày trước các em khi đến đây thường rất do dự, mặc cảm, thu mình lại, rất khó giao tiếp, khó gần. Nhiều em ở xa lên đây học nhớ nhà, nhớ cha mẹ đòi về, cha mẹ phải lên thăm và động viên mới ở lại trường. Nay các em, với chiếc điện thoại đã có thể liên lạc gọi điện với cha mẹ, thầy cô, người thân, có thể đặt mua hàng qua mạng. Với các em nữ trong tuổi mới lớn điều này càng đặc biệt vì các em có thể tâm sự, hỏi riêng cô giáo trong lớp về những chuyện khó nói” - cô Nhàn cho biết.
 
Theo thầy Phan Linh Khánh, Hiệu phó Trường Khiếm thính, việc tiếp cận công nghệ thông tin sớm đã giúp học sinh của trường học tốt hơn rất nhiều trong nhiều môn học. “Các em tiếp thu nhanh hơn, nhiều em trong lớp nay đã có thể sử dụng các ứng dụng trong máy tính để học tập, đọc sách, để tìm hiểu các vấn đề mình quan tâm, yêu thích. Nhiều em lớp lớn đã có thể thiết kế các mẫu thiệp mời, thiết kế các văn bản in ấn với trang trí họa tiết rất đẹp, có tính thẩm mỹ cao”.
 
Chính vì vậy, theo thầy Khánh, trường hiện nay đang đề nghị với Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng và các ngành chức năng tỉnh cho phép mở tiếp bậc trung học phổ thông tại trường để các em khi xong bậc trung học cơ sở có thể tiếp tục học xong bậc phổ thông tại đây. Hiện nay học sinh của trường sau khi hoàn tất chương trình trung học cơ sở muốn học tiếp lên bậc trung học phổ thông phải xuống tận Đồng Nai nhưng điều này rất bất thuận lợi, nằm ngoài khả năng kinh tế của rất nhiều gia đình đang có con em theo học tại đây.
 
Trước mắt, bên cạnh việc đào tạo các nghề may, thêu, làm bánh, trồng hoa... như lâu nay, theo thầy Khánh nhà trường cũng đang định hướng thêm các nghề về công nghệ thông tin cho học sinh của trường chọn lựa như chụp hình, chỉnh sửa hình trên máy tính, làm phim, thiết kế, đồ họa trên máy tính.
 
“Chúng tôi đang lên kế hoạch liên kết với 2 trường nghề trong tỉnh là Cao đẳng Nghề Đà Lạt và Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng để các em khi tốt nghiệp trung học cơ sở qua đó vừa học các nghề như nấu ăn, trang trí hoa, công nghệ thông tin, còn trường sẽ gửi giáo viên qua đó để tiếp tục dạy văn hóa cho các em để các em tốt nghiệp được trường nghề, khi ra trường có một tương lai như bao học sinh bình thường khác” - thầy Khánh mong muốn. 
 
VIẾT TRỌNG