Lâm Đồng làm gì để ứng phó biến đổi khí hậu?

06:11, 09/11/2020

Nhiều giải pháp đã được ngành chức năng tỉnh đưa ra nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan trong thời gian đến.

[links()]
 
Con đường hoa tại một cộng đồng “Xanh sạch đẹp - Bảo vệ môi trường” tại xã Quảng Lập - Đơn Dương
Con đường hoa tại một cộng đồng “Xanh sạch đẹp - Bảo vệ môi trường” tại xã Quảng Lập - Đơn Dương
Nhiều giải pháp đã được ngành chức năng tỉnh đưa ra nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan trong thời gian đến.
 
Thời tiết cực đoan
 
Rất nhiều nông dân - những người đã có đến 20-30 năm canh tác rau, hoa tại Đà Lạt và Đơn Dương đều cho rằng, thời tiết những năm gần đây đã thay đổi đến khó lường, nắng nhiều khô hạn kéo dài nhưng khi mùa mưa đến thì mưa lớn gây ngập úng, gió lốc, mưa đá xảy ra ngày càng nhiều hơn.
 
Đồng ý với ý kiến này, bà Nguyễn Khánh Ngân, chuyên viên phụ trách về Biến đổi khí hậu - Chi cục Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng cho biết: “Theo dự báo của các chuyên gia, thời tiết của Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên sẽ ngày càng chuyển thành cực đoan hơn”.
 
Theo bà Ngân, trước đây từng có đánh giá lượng mưa sẽ giảm trên địa bàn tỉnh những năm đến nhưng nay các ý kiến đưa ra lại ngược lại, nghĩa là mưa sắp đến sẽ tăng lên rất nhiều. Theo Kịch bản Biến đổi khí hậu của Lâm Đồng đưa ra, trong giai đoạn từ năm 2016-2035, lượng mưa hằng năm sẽ tăng lên 6,5%, còn giai đoạn 2046-2065 lượng mưa dự đoán sẽ tăng đến 11,8%. 
 
Mưa tăng tất nhiên kéo theo rất nhiều những hậu quả không mong muốn. Đất lở, lũ lụt gây thiệt hại mùa màng, tài sản và con người; lượng mưa lớn khiến đất bị rửa trôi, nhanh bị bạc màu nếu không có giải pháp hữu hiệu. Còn mùa khô cũng sẽ kéo dài hơn, gây hạn hán, thiếu nước cục bộ. “Hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ dẫn đến tình trạng mưa nắng thất thường, thời tiết không theo thông lệ nên rất khó đoán trước” - bà Ngân dự báo. 
 
Lĩnh vực tác động nhiều nhất cho Lâm Đồng trong thời gian đến, theo Kịch bản dự báo, sẽ là tài nguyên nước. Mưa lớn làm dòng chảy các con sông tăng trong mùa mưa. Và do nhu cầu sử dụng nước trong nền kinh tế ngày càng lớn nên độ thiếu hụt nước sẽ ngày càng trầm trọng hơn, nhất là trong mùa khô.
 
Kèm theo mưa lớn là nhiệt độ của tỉnh, theo kịch bản cũng dần tăng lên theo sự biến đổi khí hậu chung. Nhiệt độ tăng kéo theo nước biển dâng lên, gây ngập những vùng đất thấp ven biển. Tại Lâm Đồng, nhiệt độ tăng sẽ tác động không nhỏ đến nền nông nghiệp địa phương, đặc biệt là làm giảm chất lượng rau, quả ôn đới vốn đang là thế mạnh của nông nghiệp Lâm Đồng - Đà Lạt hiện nay. 
 
Vậy thì địa phương nào trong tỉnh Lâm Đồng có khả năng chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu khi những dự báo trên xảy ra? Theo kịch bản, nhiều nhất chính là vùng Đơn Dương và Đức Trọng. Nguyên do, sự mở rộng đất canh tác nông nghiệp trên 2 địa phương này đang diễn ra rất nhanh hiện nay, đặc biệt là khi canh tác rau, hoa nhu cầu tưới nước rất cao. Nhiều người dân nơi đây khai thác nước ngầm để tưới nhưng với tình trạng khai thác diện rộng và quá mức như hiện nay đang dẫn đến mực nước ngầm ngày càng tụt sâu. 
 
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi thời tiết sắp đến.  Ảnh: Một nhà vườn chuẩn bị đất trồng hoa tại Đà Lạt
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi thời tiết sắp đến. Ảnh: Một nhà vườn chuẩn bị đất trồng hoa tại Đà Lạt
 
Những khó khăn 
 
Như Sở TN&MT Lâm Đồng đã chỉ ra, ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực khá mới, phức tạp, cần thực hiện đồng bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, tuy nhiên do nguồn lực của tỉnh lâu nay còn hạn chế nên chưa triển khai được nhiều dự án như Kế hoạch hành động mà UBND tỉnh đã phê duyệt.
 
Trong khi diễn biến thời tiết của tỉnh ngày càng thất thường và cực đoan nhưng công tác cảnh báo, dự báo lâu nay vẫn rất bị động, chưa kịp thời, một số địa phương và không ít người dân còn chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai nên chịu nhiều thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
 
Với nguồn tài nguyên nước, tình trạng sử dụng nước lãng phí còn diễn ra phổ biến trong sinh hoạt và sản xuất trong tỉnh hiện nay, ý thức tiết kiệm nước và sử dụng các thiết bị, hệ thống tưới tiết kiệm còn hạn chế; vẫn còn tình trạng hành nghề khoan nước ngầm trái phép, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường; các đơn vị cấp, thoát nước chưa đầu tư nhiều thiết bị hoặc chưa tăng cường kiểm soát để hạn chế việc thất thoát nước. 
 
Cùng đó, tình trạng ô nhiễm tại các sông, suối, ao, hồ vào mùa khô ngày càng gia tăng do việc sản xuất nông nghiệp và nước thải sinh hoạt ở phía thượng nguồn thải ra, nhất là tại các khu vực nội thành tập trung đông dân cư, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước và môi trường cảnh quan. 
 
Đặc biệt, việc phát triển rất nhanh và thiếu qui hoạch hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện nay tại các huyện, thành phía bắc Lâm Đồng, theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, đã dẫn đến những hệ quả không mong muốn như làm đất bị thoái hóa, gây ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng các tác động của biến đổi khí hậu như tăng khả năng gây lũ cục bộ trong thời gian ngắn, tạo hiện tượng khí hậu nóng dần và hậu quả là biến đổi hệ sinh thái ở khu vực nhà kính lẫn xung quanh.
 
Trong công tác bảo vệ rừng, áp lực mất rừng và suy thoái rừng dù đã giảm về số vụ vi phạm trong tỉnh nhưng tính chất vụ việc lại phức tạp hơn nhiều gần đây, trong đó nguyên nhân lấy đất sản xuất vẫn là vấn đề nóng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vẫn còn tình trạng không ít doanh nghiệp và chủ dự án không xây dựng các công trình xử lý môi trường, hoặc xây dựng nhưng chỉ để đối phó, không vận hành. 
 
Như nhận xét của Sở TN&MT Lâm Đồng, hiện tượng suy giảm chất lượng môi trường vẫn đang tiếp tục diễn ra hiện nay trong tỉnh. Với áp lực ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội hơn là bảo vệ môi trường, trong tương lai có khả năng xuất hiện các chất gây ô nhiễm môi trường mới khó kiểm soát và quản lý hơn.
 
Cũng cần nói thêm về công tác quản lý và kinh phí bố trí cho hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay trong tỉnh. Theo Sở TN&MT, tuy có sự phân cấp về quản lý môi trường đến cấp huyện nhưng đội ngũ quản lý môi trường cấp huyện, xã còn thiếu và yếu, chưa được chuyên môn hóa, đặc biệt là cấp xã gần như do 1 cán bộ địa chính xã kiêm nhiệm nên hiệu quả quản lý chưa cao. Trong khi đó nguồn kinh phí bố trí lại quá hạn hẹp rất khó đáp ứng được các nhiệm vụ được giao.
 
Cùng đó, công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên chưa thực sự hiệu quả; chưa huy động sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; chưa có sự phân công cụ thể và đầu tư nguồn lực cho một tổ chức có chức năng quản lý nhà nước theo dõi toàn diện về xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường trong tỉnh hiện nay.
 
Và giải pháp 
 
Nhiều giải pháp đã được ngành chức năng tỉnh đưa ra cho công tác bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2021-2030 sắp đến.
 
Trước nhất, theo Sở TN&MT Lâm Đồng, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, khí tượng thủy văn, đa dạng sinh học; rà soát điều chỉnh các văn bản pháp lý có nội dung chồng chéo, bất cập; đề nghị tỉnh ưu tiên phân bổ kinh phí thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm từ cấp tỉnh đến cơ sở; tăng cường và đa dạng hóa nguồn đầu tư tài chính cho quản lý chất thải từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, từ cộng đồng, hợp tác công tư...
 
Tỉnh cũng sẽ có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt bằng các giải pháp công nghệ hiện đại; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin và lưu trữ về đa dạng sinh học, tài nguyên và môi trường toàn tỉnh. 
 
Ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường phổ biến rộng rãi kiến thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học đến các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong tỉnh; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.
 
Sở TN&MT Lâm Đồng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng và phát huy các mô hình về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu có sự tham gia của cộng đồng dân cư đang phát huy vai trò lâu nay trong tỉnh; đồng thời, xây dựng và phát triển thêm lực lượng tình nguyện viên, cộng tác viên bảo vệ môi trường từ các tổ chức đoàn thể, học sinh, sinh viên.
 
VIẾT TRỌNG