Lâm Đồng làm gì để ứng phó biến đổi khí hậu? (bài 1)

05:11, 03/11/2020

Là một tỉnh nông nghiệp, thu nhập của đại đa số người dân Lâm Đồng phụ thuộc nhiều vào lượng nông sản thu hoạch hằng năm...

Là một tỉnh nông nghiệp, thu nhập của đại đa số người dân Lâm Đồng phụ thuộc nhiều vào lượng nông sản thu hoạch hằng năm. Tuy nhiên, nền nông nghiệp Lâm Đồng đang chịu tác động không nhỏ từ sự thay đổi thời tiết trong những năm gần đây. Vấn đề đặt ra cho loạt bài viết này là Lâm Đồng đã, đang và sẽ làm gì để giảm thiểu những tác động do biến đổi khí hậu đó.  
 
Thu dọn cây ngã đổ trên đường phố Đà Lạt trong mùa mưa bão
Thu dọn cây ngã đổ trên đường phố Đà Lạt trong mùa mưa bão
 
Nếu truy ngược lại những con số thống kê về thiên tai trên đất Lâm Đồng những năm gần đây, sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy mức độ thiệt hại do thiên tai gây nên ngày càng tăng nhanh. 
 
Cầu mong mưa thuận gió hòa
 
Với bà Trịnh Thị Nghiên, 71 tuổi, một nông dân hầu như cả đời gắn bó với rau, hoa ở vùng đất thuộc tổ Vạn Thành, Phường 5, Đà Lạt, chuyện ứng phó với thời tiết thay đổi hằng năm là một phần cuộc sống của bà.
 
Bà Nghiên cho biết, ngày trước đất gia đình rộng, nhà bà trồng rau là chủ yếu, rau thì mùa nắng thiếu nước tưới, chờ từng cơn mưa, còn mùa mưa mưa nhiều rau úng rễ thối gốc. Rồi mưa đá hư hại cây, rồi gió lớn lay gốc làm cây chết.
 
Nhiều năm gần đây, vùng đất Vạn Thành này chuyển từ rau sang trồng hoa, hoa hồng, hoa lily, hoa đồng tiền… và bà Nghiên cũng chuyển sang trồng hoa. Đất được gia đình bà cho dần các con, giờ bà chỉ còn canh tác khoảng 2 sào, và được làm nhà lồng (hay còn gọi là nhà kính) bên trong trồng hoa hồng. 
 
Nhưng cũng như nhiều người trong vùng, trước đây nhà lồng của bà Nghiên làm bằng tre, lợp mái ni lông, mất cả trăm triệu đồng. Một cơn lốc trong đầu mùa mưa cách đây 3 năm (năm 2017) đã quét qua vùng này làm hàng loạt nhà lồng tốc mái, trong đó có nhà lồng của bà, làm hư hại toàn bộ số hoa hồng trồng bên trong. 
 
Thế là phải bắt tay lại từ đầu. Gia đình bà đã đầu tư gần 250 triệu đồng để làm lại nhà lồng của mình, thay khung tre thành khung sắt vững chãi, lắp luôn hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động, trong vườn bà giờ có giếng khoan, nước được bơm lên một hồ nhỏ nhà đào để trữ nước rồi bơm vào vườn tưới dần. Trong nhà kính mới này, nay bà chuyển sang trồng hoa đồng tiền và baby trắng, cắt theo lứa. 
 
“Thành phố cũng lên danh sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra cho người dân, tôi cũng được nhận chừng 2 triệu đồng cho toàn bộ nhà lồng bị sập. Thôi thì hỗ trợ bao nhiêu mình mừng bấy nhiêu chứ biết làm sao. Đầu tư nhà kính mới này đến nay tôi vẫn còn nợ tiền ngân hàng chưa trả hết được, làm nông thì cứ phải gắn bó với vườn đất, chỉ mong mưa thuận gió hòa đừng gió bão, hạn hán là được” - bà Nghiên mong muốn. 
 
Khắc phục sự cố lưới điện sau mưa bão
Khắc phục sự cố lưới điện sau mưa bão
 
Khi thiệt hại ngày càng tăng nhanh
 
Thống kê cho biết thiệt hại từ thiên tai tại Lâm Đồng đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây: từ khoảng 33 tỷ đồng trong năm 2012, đến năm 2019 con số thiệt hại này đã tăng vọt lên 285 tỷ đồng, gấp gần 8 lần. 
 
Cụ thể, trong năm 2012, trên địa bàn Đà Lạt mưa bão trong dịp cuối tháng 9 đầu tháng 10 đã làm hư hại 6,25 ha rau, hoa; gây ngập nước nhiều vùng tại Lạc Dương. Tại Cát Tiên, lụt đã gây ngập úng ở các xã Tiên Hoàng, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, làm chết gần 2 nghìn con gia cầm, 33 con gia súc, ảnh hưởng trên 140 ha lúa và 8 ha bắp, trong đó phải gieo cấy lại 22,7 ha lúa và toàn bộ diện tích bắp. Như đánh giá trong năm 2012 này, thời tiết như không theo quy luật thông thường, đã có 24 trận lũ và lũ quét, lốc xoáy trong tỉnh, làm 6 người chết và 5 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng hơn 33 tỷ đồng.
 
Trong năm 2013, mưa đá và lốc xoáy đầu mùa trong đầu tháng 5 tại Đà Lạt đã làm ngập úng cục bộ, hư hại hơn 35 ha rau, hoa và hư hại 22,4 ha nhà kính, gây thiệt hại gần 6,8 tỷ đồng. Trong tháng 7 năm này, lũ quét xuất hiện tại Tiên Hoàng và Nam Ninh - Cát Tiên làm ngập úng 26 ha lúa bắp, 3,4 ha ao cá bị tràn bờ. Tại Đơn Dương, mưa đá và lốc xoáy làm hư hại nhiều nhà kính ở thị trấn Thạnh Mỹ. Trong tháng 9, mưa lớn và lốc xoáy đã làm hư hại hơn 1 nghìn ha rau, hoa, 800 ha cây ăn quả và 200 ha nuôi trồng thủy sản tại Lạc Dương và Đạ Huoai. Trong tháng 11, ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa nhiều làm ngập úng cục bộ, hư hại hơn 194 ha cây trồng, trong đó có 75 ha lúa sắp thu hoạch bị ngã đổ; 79 ha rau, hoa các loại, 4,9 ha nhà kính bị sập, tốc mái tại Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà. Tổng thiệt hại năm 2013 cao hơn nhiều so với năm trước đó.
 
Trong năm 2014, tỉnh có 27 trận lũ và lũ quét, trong đó có 16 trận trên sông Cam Ly; 3 đợt trên sông Đa Nhim và 3 đợt trên sông Đồng Nai. Tại các khu vực thượng nguồn suối Đạ Mis, Đạ Nhar - Đạ Tẻh; suối Lớn - Cát Tiên; suối Đa Đum, Phước Thành - Lạc Dương có 5 đợt lũ quét. Riêng trạm Đại Nga trên sông La Ngà mực nước cao bất thường. Toàn tỉnh năm nay có 15 đợt mưa lớn, 7 đợt mưa đá, 26 đợt mưa kèm lốc xoáy, 4 đợt sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có 5 người chết, 3 người bị thương, 38 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 406 nhà bị tốc mái; 321 nhà bị ngập nước; 9 ha nhà kính bị hư hại; thiệt hại 885,6 ha lúa, trong đó mất trắng trên 151 ha; trên 319,8 ha hoa, rau màu bị hư hại, trong đó mất trắng trên 27 ha; trên 683 cây công nghiệp dài ngày bị hư hại; 10 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tổng thiệt hại thiên tai gây ra trong năm 2014 trên 94,4 tỷ đồng.
 
Năm 2015, hạn hán đầu năm đã làm ảnh hưởng đến 31.976 ha cà phê, 243 ha lúa và 231 ha rau màu. Sương muối xảy ra ngày 11/3/2015 đã gây thiệt hại lớn cho 1.180 ha cà phê đang trong thời kỳ ra hoa tại Lạc Dương, Lâm Hà và Đà Lạt. Toàn tỉnh năm này có 22 đợt mưa lớn,4 đợt mưa đá, 10 đợt lốc xoáy, 2 đợt sét, 2 vụ sạt lở đất; làm 6 người chết, 10 người bị thương; 37 nhà bị đổ, sập, cuốn trôi; 517 nhà bị tốc mái, hư hại; 81 nhà bị ngập nước; gần 13 ha nhà kính trồng hoa bị hư hại; 360 ha hoa màu và 1.244 ha cây dài ngày bị thiệt hại. Ước tổng thiệt hại năm này hơn 139 tỷ đồng.
 
Trong đầu năm 2016, Lâm Đồng lại đối mặt với một đợt hạn hán nghiêm trọng. Trong năm có 6 đợt mưa đá, 30 đợt mưa lớn từng khu vực kèm lốc xoáy, 1 đợt ngập lụt do xả lũ. Thiên tai làm 4 người chết; 2 người bị thương; 166 nhà bị ảnh hưởng; hơn 900 ha lúa và 1.300 ha rau, hoa bị thiệt hại, khoảng 31nghìn ha cây công nghiệp dài ngày giảm năng suất do ảnh hưởng; hơn 7 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tổng thiệt hại do thiên tai năm này tăng vọt lên khoảng 270 tỷ đồng, trong đó chỉ đợt hạn hán đầu năm đã gây thiệt hại 179 tỷ đồng.
 
Năm 2017 cũng là năm Lâm Đồng có những tổn thất lớn về thiên tai. Toàn tỉnh có 12 đợt mưa lớn, 3 đợt mưa đá, 3 đợt lốc xoáy, 1 vụ sét đánh, 3 đợt lũ và lũ quét, 2 vụ sạt lở đất, làm 5 người chết; thiệt hại 283 căn nhà, hơn 257 ha lúa, 565 ha hoa màu, rau màu, cây trồng hàng năm; làm chết hằng nghìn gia cầm, 53 con gia súc; gây hư hỏng 49 ha nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa; thiệt hại khoảng 300 tấn cá tầm, 200 nghìn con cá giống bị chết; hạ tầng các cơ sở nuôi cá nước lạnh bị thiệt hại nặng nề; nhiều công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng nặng; tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 291 tỷ đồng.
 
Trong năm 2018, Lâm Đồng có 13 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 22 vụ lốc xoáy, 2 vụ lũ và lũ quét, 5 vụ sạt lở đất, làm 2 người chết; thiệt hại 295 căn nhà, hơn 2.017 ha lúa, 539 ha hoa màu, rau màu, cây trồng hàng năm, 247 ha cây lâu năm. Mưa bão, lốc xoáy đã phá hỏng 1,6 ha nhà kính, nhà lưới; gây sạt lở sông suối, kênh mương. Tuy nhiên, có thể coi năm này là một năm tương đối “yên bình” cho Lâm Đồng khi mức thiệt hại giảm xuống chỉ còn khoảng 95 tỷ đồng.
 
Nhưng năm 2019 vừa qua lại là một năm Lâm Đồng thiệt hại nặng nề về thiên tai. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm này khoảng 285 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 6 đến ngày 9/8 đã gây thiệt hại khoảng 210 tỷ đồng với hơn 3.400 căn nhà bị hư hỏng; khoảng 5.350 ha lúa, hoa màu và cây lâu năm bị thiệt hại; hơn 5 nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 132 ha nuôi cá bị ngập, hơn 310 tấn cá tầm bị cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, trụ sở cơ quan, trường học, đường giao thông bị hư hỏng.
 
Trong 10 tháng đầu năm 2020, Lâm Đồng đã có 10 đợt mưa lớn, 1 đợt mưa đá, 17 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy, 1 đợt sương muối, 3 vụ sạt lở đất, 4 vụ sét đánh, có 3 người chết, 3 người bị thương; hư hỏng 212 căn nhà, thiệt hai 491 ha cây trồng, chết 12 con bò, 30 ha nhà kính, nhà lưới ngã đổ hay tốc mái. Tổng thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng đợt sương muối xảy ra tại huyện Lạc Dương ngày 5/2 đã gây thiệt hại cho 464 ha cây trồng, gây tổn thất khoảng 50 tỷ đồng.
 
Riêng Đà Lạt, tổng thiệt hại từ thiên tai trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 này khoảng trên 4 tỷ đồng. Thành phố đã chi 545 triệu đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho hằng trăm hộ dân bị thiệt hại như sập nhà lồng do bão, hoa màu hư hại vì ngập úng. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ này không nhiều nếu tính trên mức thiệt hại của từng gia đình, nhà cao nhất cũng chừng 5-6 triệu đồng. “Đà Lạt là nơi đặc thù với mức đầu tư nông nghiệp công nghệ cao rất lớn nên chúng tôi đang đề nghị cần có hạn mức hỗ trợ thiên tai phù hợp hơn, để giúp nông dân khắc phục hậu quả” - ông Lê Tuấn Anh, Phòng Kinh tế Đà Lạt cho chúng tôi biết.  
 
VIẾT TRỌNG