Lâm Đồng làm gì để ứng phó biến đổi khí hậu? (bài 2)

06:11, 04/11/2020

Là tỉnh có sông ngòi nhiều, lượng mưa lớn trong năm, nhưng với nhu cầu dùng nước ngày càng cao theo đà phát triển hiện nay, Lâm Đồng cần có một chính sách quản lý nước hợp lý hơn để tiết kiệm nguồn nước. 

[links()]

Ngay những mảnh vườn ngoài trời ở Đơn Dương cũng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước
Ngay những mảnh vườn ngoài trời ở Đơn Dương cũng áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước
 
Là tỉnh có sông ngòi nhiều, lượng mưa lớn trong năm, nhưng với nhu cầu dùng nước ngày càng cao theo đà phát triển hiện nay, Lâm Đồng cần có một chính sách quản lý nước hợp lý hơn để tiết kiệm nguồn nước. 
 
Đưa nước mưa trở lại đất
 
Với ông Đinh Ngọc Quang, 65 tuổi, người thôn Quảng Thuận, xã Quảng Lập, Đơn Dương, một trong những nguyên do để ông bỏ nhiều tiền đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt này cho khu vườn của mình không chỉ vì thuận tiện mà còn để tiết kiệm nước tưới.
 
Đưa chúng tôi ra thăm vườn sau nhà, rộng trên 3 sào, ông bảo ngày trước chỗ đất này hầu như chỉ canh tác được vào mùa mưa. Mưa đến ông gieo bắp, trồng bí, đậu, tất cả nhờ nước mưa, còn mùa khô gia đình ông bỏ đất không “vì có trồng gì thì lấy nước đâu mà tưới” - ông nói. 
 
Vậy nhưng giờ thì ông đã có thể canh tác quanh năm trong khu vườn này, nhờ nước tưới bơm lên từ giếng khoan. “Cũng không biết sâu bao nhiêu, từ 60 - 80 m gì đó, họ cứ khoan tới nước là được” - ông cho biết. Khu vườn 3 sào này trước đây ông làm nhà lưới, năm ngoái ông quyết định bỏ ra trên 660 triệu đồng để làm một nhà kính mới, cao, rất thoáng, khung sắt, mái lợp ni lông loại tốt. Trong vườn ông đang trồng ớt ngọt, có hệ thống tưới nhỏ giọt tự động lẫn tưới phun sương lắp trên giàn, khi cần chỉ bật nút hẹn giờ và nhấn nút tưới. 
 
Tại gần giếng khoan, ông Quang cho đào một hồ chứa khá rộng đáy trải bạt chống thấm để chứa nước từ giếng khoan bơm lên. Nước được giữ ở đây khá lâu để “thở khí trời” trước khi đưa vào tưới vườn. Cùng đó, ông còn có hệ thống trả nước lại cho đất, đó là “hồ rút” bên cạnh. Hồ này cũng khá lớn dùng để chứa nước mưa, có đáy là nền đất tự nhiên. Nước mưa được ông thu hồi lại từ mái nhà kính, qua hệ thống máng và ống dẫn nước đưa vào đây để nước thấm từ từ xuống đất. 
 
Điều đáng nói ở đây, không chỉ một mình ông Quang làm như thế, mà ông cho biết rất nhiều người xung quanh nhà ông, tại xã Quảng Lập này và nhiều nơi trong huyện cũng có cách làm tương tự. “Nước mưa được đưa lại cho đất, cho xuống lại mạch nước ngầm chứ nước đâu mình bơm hoài lên mà không cạn. Ngày trước mưa còn có đường thấm xuống đất chứ nay nhà kính che hết nước thấm đâu được, mình phải nghĩ cách nào trả nước lại cho đất” - ông Quang chia sẻ.
 
Nguồn nước dồi dào 
 
Là tỉnh có ưu thế về nguồn nước, Lâm Đồng là nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn trong nước như sông Đồng Nai (gồm các dòng chính là sông Đồng Nai và sông La Ngà), sông Krông Nô (thuộc lưu vực Srêpốk của sông Mê Kông), sông Lũy và sông Cái Bình Thuận. Toàn tỉnh có khoảng 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km với 7 hệ thống sông chính gồm sông Cam Ly, sông Đa Nhim, sông Đạ Huoai, sông Đa Dâng, sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Krông Nô. Sông suối tại Lâm Đồng thường có bậc thềm sông hẹp, sườn dốc, nhiều thác ghềnh, dòng chảy mạnh và lưu lượng phân phối không đều trong năm. 
 
Lâm Đồng hiện cũng là tỉnh có lượng mưa tương đối lớn trong năm với khoảng 19,5 tỷ m3, trong đó dòng chảy nước mặt khoảng 11 tỷ m3, số còn lại là lượng nước bốc hơi hoặc thấm xuống đất. Tuy nhiên, lượng mưa Lâm Đồng phân bố không đều trong năm, mùa mưa chiếm 85-90%, mùa khô chỉ chiếm chừng10-15% và có sự cách biệt tương đối lớn giữa các vùng trong tỉnh, trong đó Bảo Lộc là địa phương của tỉnh có lượng mưa lớn nhất trong năm. 
 
Với lượng nước mặt lớn như trên, Lâm Đồng hiện có 27 công trình thủy điện (với tổng công suất trên 1.500 MW) hoạt động; thêm 12 công trình cấp nước sinh hoạt với lưu lượng 77 nghìn m3/ngày đêm và trên 430 công trình thủy lợi, trong đó có 216 hồ chứa, 4 liên hồ chứa, 87 đập dâng, 19 trạm bơm, 92 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng hệ thống gần 770 km kênh mương phần lớn đã được kiên cố hóa. Có 28 hồ chứa nước thủy điện đã vận hành hoặc đang được hoàn thiện trong tỉnh.  
 
Với nước ngầm, theo ngành chức năng tỉnh, Lâm Đồng có 2 tầng chứa nước gồm tầng chứa nước lỗ hổng và tầng chứa nước khe nứt, có thể khai thác mỗi ngày 2,9 triệu m3. Nước ngầm trong tỉnh được đánh giá có chất lượng đạt yêu cầu đáp ứng cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt, tưới cho nông nghiệp. 
 
Hiện tỉnh có 113 công trình cấp nước tập trung sinh hoạt, công nghiệp với tổng lưu lượng khai thác khoảng hơn 35 nghìn m3/ngày; khoảng gần 372 nghìn giếng khoan ngầm quy mô hộ gia đình với tổng lượng khoảng 112 nghìn m3/ngày đêm. Ngoài ra, trong các tháng mùa khô người dân còn khai thác nước ngầm tưới cho cà phê, chè với khoảng 38 triệu m3 trong 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4).
 
Hiện nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động thủy điện, thủy lợi, sinh hoạt và các hoạt động sản xuất công nghiệp tại Lâm Đồng đang liên tục tăng theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tỉnh đặt ra mục tiêu trên 70% diện tích đất canh tác nông nghiệp được tưới hằng năm và 100% người dân nông thôn trong tỉnh có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 
 
Ông Đinh Ngọc Quang với hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn nhà mình
Ông Đinh Ngọc Quang với hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn nhà mình
 
Nhưng không vô tận
 
Lượng mưa tương đối lớn nhưng phân bổ không đều trong năm, Lâm Đồng những năm gần đây đã phải đối mặt với hạn hán khá nghiêm trọng trong mùa khô. 
 
Một ví dụ, mùa khô đầu năm 2020, Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho biết, hạn hán đã gây thiếu nước cho hơn 1.300 ha cây trồng tại các huyện Đạ Tẻh, Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh, Đơn Dương; gây thiếu sinh hoạt cục bộ cho khoảng 920 hộ dân tại các huyện Đạ Tẻh, Lạc Dương và Đơn Dương.
 
Tại Đà Lạt, theo ông Lê Tuấn Anh - Phòng Kinh tế Đà Lạt, đầu mùa khô 2020 vừa rồi mực nước hầu hết các hồ đập trên địa bàn đã tụt xuống mức thấp nhất so với nhiều năm nay. 
 
Nguyên do, như Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Lâm Đồng chỉ ra, đó là sự phân bố không đồng đều của dòng chảy tùy theo địa phương và tùy theo thời gian trong năm. Trừ Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh các địa bàn còn lại đều cạn kiệt và mất dòng do sự điều tiết nước bởi các thủy điện lớn, nhỏ tập trung trên các dòng sông.
 
Và không chỉ thiếu nước trong mùa khô, Lâm Đồng trong một thời gian dài như Sở TN-MT tỉnh đánh giá, do chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với đời sống, sức khỏe và môi trường, chưa chú trọng đến quản lý và bảo vệ cũng như quy hoạch sử dụng tài nguyên nước, sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả đã dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên nước, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước, khan hiếm nước đã xuất hiện ở nhiều nơi trong tỉnh và đang có xu hướng gia tăng, nhất là tại một số vùng cây công nghiệp dài ngày, tập trung vào các tháng đầu năm. 
 
Cùng đó, nhu cầu dùng nước trong tỉnh đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, dẫn đến mất tình trạng cân bằng, không đảm bảo cung cầu tại nhiều nơi; nhiều khu vực thiếu nước mặt đã phải khai thác nguồn nước ngầm để sử dụng, khiến áp lực khai thác nước ngầm ngày càng lớn. 
Chính vì vậy, đã đến lúc Lâm Đồng cần chuyển đổi hình thức quản lý tài nguyên nước từ truyền thống sang quản lý tổng hợp. Trước mắt, tỉnh cần đánh giá đầy đủ và toàn diện về nguồn nước của mình, về tình hình khai thác và sử dụng, tiến tới quy hoạch và quản lý tài nguyên nước trên các lưu vực sông thuộc địa bàn tỉnh.
 
Vận động dân chung tay tiết kiệm nước 
 
Ngành TN-MT Lâm Đồng trong nhiều năm nay đã tổ chức các lớp tập huấn trong tỉnh hằng năm, cấp phát tờ rơi đến tận tay người dân nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cũng như vận động người dân tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước.
 
Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh nên khuyến khích các nhà máy sử dụng lượng nước lớn áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, áp dụng chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn trong quá trình sản xuất, nhằm tiết kiệm được lượng nước sạch đầu vào và giảm thiểu được lượng nước ô nhiễm thải ra. Trong xử lý nước thải nên khuyến khích tái sử dụng lượng nước thải đạt chuẩn vào các khâu dịch vụ khác để giảm bớt lượng nước cấp đầu vào cũng như giảm bớt phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
 
Đối với các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, tỉnh nên yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng hệ thống cấp nước tập trung, nhằm hạn chế khai thác nước ngầm và thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước của các doanh nghiệp.
 
Trong thời gian qua, Sở TN - MT tỉnh đã tiến hành điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, nhằm xác định tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn nước, tiến đến việc khoanh định vùng hạn chế và khu vực phải đăng ký khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở cũng xây dựng danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước và các giá trị gắn liền với nguồn nước để làm cơ sở cắm mốc bảo vệ trong thời gian đến, nhằm hạn chế việc lấn chiếm đất ven các sông, hồ gây mất ổn định,  sạt lở bờ, biến đổi cảnh quan, ô nhiễm môi trường vùng ven nguồn nước.
 
Và một tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này, đó chính là đại đa số nông dân, những người như ông Quang, ông Bích đề cập ở đầu bài viết này, đã dần ý thức được về chuyện tiết kiệm nước tưới trong sản xuất. Bên cạnh phong trào đào ao hồ nhỏ để chứa nước tưới cho mùa khô đang nở rộ hiện nay, rất nhiều nông dân nay đã chuyển sang sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
 
Một ước tính toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 58 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó một phần không nhỏ diện tích này đã dần áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm. Đặc biệt, sản xuất rau hoa công nghệ cao hiện nay sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương rất phổ biến; nhiều trang trại hay nhà vườn nay đã tiến đến việc sử dụng bộ định giờ, hệ thống điều khiển tưới tự động qua điện thoại, vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng. 
 
Như nông dân Đinh Ngọc Quang mộc mạc với chúng tôi: “Dù có nông nghiệp công nghệ cao gì đi nữa thì vẫn cứ là “nhất nước nhì phân”, không có nước thì làm gì được?”.
 
V.TRỌNG