Lâm Đồng làm gì để ứng phó biến đổi khí hậu? (bài 3)

06:11, 06/11/2020

Với trên 597.600 ha rừng, rừng ở một tỉnh nông nghiệp như Lâm Đồng giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong cán cân kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như trong bảo vệ môi trường. Giữ được rừng là giữ được rất nhiều thứ trong đó có nguồn nước cho cuộc sống và cho sản xuất.

[links()]

Trên đường tuần tra rừng
Trên đường tuần tra rừng
 
Với trên 597.600 ha rừng, rừng ở một tỉnh nông nghiệp như Lâm Đồng giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong cán cân kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như trong bảo vệ môi trường. Giữ được rừng là giữ được rất nhiều thứ trong đó có nguồn nước cho cuộc sống và cho sản xuất. 
 
Giữ rừng từ cộng đồng
 
Phải cố gắng lắm chúng tôi mới bắt kịp ông Vũ Đình Khánh cùng nhóm tuần tra rừng đang thoăn thoắt trên những con dốc đứng. 
 
Cuối tháng 10 mùa này Đơn Dương đã ngớt mưa, hoa quỳ đã bắt đầu nở trên những sườn đồi, chỉ thỉnh thoảng bắt gặp những cơn mưa bất chợt do ảnh hưởng áp thấp hay bão đâu đó trong nước. Mùa mưa đường trơn, cực hơn cho những người giữ rừng khi tuần tra rừng nhưng bù lại họ lại không lo lắm về chuyện cháy rừng như trong mùa khô. “Nhưng dù mùa mưa hay mùa khô thì chúng tôi cũng đều phải đi tuần tra thường xuyên” - ông Khánh cho biết.
 
Năm nay 53 tuổi, ông Khánh đã có trên 10 năm làm công tác giữ rừng, hiện là tổ trưởngTổ nhận khoán Bảo vệ rừng tại khu vực Hamasing thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ D’ran - Đơn Dương.
 
Nghề giữ rừng đến với ông Khánh và những thành viên trong tổ tuần tra như anh Bùi Thanh Tuấn, anh Bùi Hữu Vi, anh Ya Vũ và với rất nhiều người dân nơi đây bắt đầu từ năm 2009. Khu vực ông Khánh quản lý gồm Tiểu khu 315 và một phần Tiểu khu 312 A, rộng gần 2.300 ha, trong đó có trên 410 ha được khoán chi trả từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, diện tích còn lại được chi trả từ nguồn dịch vụ môi trường rừng của tỉnh. Nơi đây từng là một điểm nóng về nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép của khu vực D’ran, Đơn Dương. Nhưng từ khi diện tích này được giao khoán cho người dân, trật tự hầu như đã được lập lại; không còn cái cảnh phá rừng ngang nhiên như trước.Trên những vùng đất trống bị phá rừng trước kia nay đã có trên 20 ha thông được trồng và màu xanh đang trở lại.
 
Tại Tiểu khu 315, theo ông Khánh, có 63 thành viên nhận khoán bảo vệ rừng, hầu hết là những người dân trong thôn Hamasing như ông, được chia theo từng nhóm, mỗi nhóm từ 10 - 11 thành viên. Là tổ trưởng quản lý, ông Khánh đưa ra lịch phân công tuần tra rừng cho từng nhóm rõ ràng, bất kể lúc nào tại đây cũng có một nhóm chịu trách nhiệm tuần tra, lịch trực các nhóm xoay vòng trong tháng, người trực rừng cần đảm bảo mọi thứ trong rừng được kiểm soát, có gì bất ổn phải xử lý hoặc báo cáo kịp thời. Đặc biệt trong mùa khô cần theo dõi các khu vực dễ cháy để kịp thời báo cáo lên cấp trên. 
 
Hầu hết rừng nhận khoán theo ông Khánh đều có ranh giới cắm mốc khá rõ ràng, mọi người đều biết và tuân thủ nên ít có tình trạng lấn chiếm đất rừng. Trong trường hợp phát hiện vi phạm các hộ nhận khoán sẽ bị xử lý theo qui định, nếu nghiêm trọng sẽ bị cắt hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế đến nay như ông Khánh cho biết, rất ít vi phạm xảy ra và cũng chưa có trường hợp nào bị cắt hợp đồng như thế.
 
Lâu nay ông Khánh cùng các thành viên trong tổ nhận khoán cũng tích cực vận động người dân trong khu vực mình cùng chung tay giữ rừng, đặc biệt là với cộng đồng người dân tộc thiểu số trong vùng. Bằng nhiều hình thức vận động, trong đó có việc tổ cử người đến nhà thăm, nói chuyện, giải thích về ích lợi của việc giữ rừng. 
 
Cho đến nay đa số người dân Hamasing nơi đây theo ông Khánh đã ý thức được sự cần thiết của giữ rừng. Những gia đình nhận khoán đều nỗ lực làm tốt công việc của mình, đảm bảo an toàn cho khu vực mình quản lý, kể cả các hộ người dân tộc thiểu số. “Khi thấy mọi người trong vùng nhiệt tình hợp tác mới thấy công việc giữ rừng của những người dân như mình vừa là trách nhiệm vừa là niềm vui” - ông nói.
 
Tại một điểm nghỉ chân của tổ tuần tra rừng Hamasing - D’ran, Đơn Dương
Tại một điểm nghỉ chân của tổ tuần tra rừng Hamasing - D’ran, Đơn Dương
 
Tăng tỷ lệ che phủ rừng
 
Đơn Dương cho đến nay là một huyện đang làm rất tốt việc giữ rừng trên địa bàn. Giữ rừng bằng nhiều hình thức trong đó có việc phát huy trách nhiệm của các cộng đồng dân cư nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
 
Theo Hạt Kiểm lâm Đơn Dương, toàn huyện Đơn Dương hiện nay có 40.816 ha rừng, trong đó có 17.200 ha rừng phòng hộ và 23.616 ha rừng sản xuất. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về tầm quan trọng của công tác giữ rừng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, khí hậu và cảnh quan của địa phương, những năm qua, Đơn Dương còn nỗ lực trong quản lý và bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, hạn chế tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.
 
Trong giữ rừng huyện đã chú ý nâng cao trách nhiệm của các Ban Lâm nghiệp xã, thị trấn; huy động các đội thường trực bảo vệ rừng tuần tra tại các điểm nóng, các vùng giáp ranh, tăng cường bảo vệ rừng từ cấp cơ sở; đôn đốc các đơn vị chủ rừng, các doanh nghiệp đẩy nhanh việc trồng rừng, chăm sóc tái sinh rừng.
 
Tính trong 5 năm qua, ngành chức năng Đơn Dương đã phát hiện và ngăn chặn 202 vụ vi phạm; xử phạt hành chính 199 vụ, khởi tố hình sự 3 vụ, nộp ngân sách nhà nước trên 1,2 tỷ đồng. Và điều đáng nói nhất, diện tích rừng trên địa bàn tính từ 2015 đến nay đã tăng thêm trên 650 ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 58,96%, tăng 2,16% so với những năm trước.
 
Cùng với Đơn Dương, nhiều huyện, thành khác tại Lâm Đồng cũng có những nỗ lực nhất định trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng của Lâm Đồng tăng lên trong những năm gần đây.
 
Tính trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã trồng thêm 1.486 ha rừng mới, chủ yếu là rừng sản xuất. Còn nếu tính chung trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2020, Lâm Đồng đã trồng hơn 11.544 ha rừng, trồng 1,47 triệu cây phân tán, trồng xen cây lâm nghiệp trên 2.655 ha; giải tỏa trên 1.200 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, trồng lại rừng sau giải tỏa 879 ha, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh từ 52,5% trong năm 2015 lên 55% trong năm 2020, đứng thứ 6 trong cả nước và đứng 2 khu vực Tây Nguyên. 
 
Đặc biệt, diện tích đất lâm nghiệp có rừng được giao khoán cho hộ dân và cộng đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và từ ngân sách tỉnh đã tăng dần từ năm 2013 đến nay. Mô hình quản lý rừng đặc thù này đến nay đã chứng tỏ được tác dụng hiệu quả của nó. Nếu như trong năm 2013 Lâm Đồng mới chỉ giao khoán quản lý bảo vệ với tổng diện tích 378.352,8 ha thì đến nay con số này đã nâng lên đến 439.808,3 ha, tính bình quân tăng khoảng 12 nghìn ha /năm, giải quyết sinh kế cho khoảng 400-500 hộ dân/năm, nhất là các hộ nhận khoán là người dân tộc thiểu số trong vùng sâu, vùng xa. 
 
Lâm Đồng lâu nay cũng là một trong các địa phương trong nước được chọn thí điểm Chương trình UN-REDD Việt Nam nhằm định giá trữ lượng Carbon của rừng, đưa ra các giải pháp hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, hướng đến việc quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng Carbon rừng nhằm đem lại lợi ích cho chủ rừng và người sử dụng rừng tại địa phương.
 
Cùng đó, để ứng phó với biến đổi khí hậu, một số đơn vị chủ rừng trong tỉnh đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đến nay nhiều đơn vị trong tỉnh đã đạt được chứng chỉ rừng trồng của châu Âu.
 
Trong thời gian đến, ngành chức năng tỉnh cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn, hạn chế thấp nhất hoặc giảm thiểu tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và đất lâm nghiệp; khôi phục rừng trên đất bị lấn chiếm thông qua việc huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.
 
Lâm Đồng cũng cam kết tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để góp phần hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng, trồng rừng mật độ thấp trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm; trồng cây phân tán, cây che bóng nhằm tăng độ che phủ rừng và nâng cao giá trị môi trường rừng.
 
Ngành lâm nghiệp tỉnh cũng phát triển thêm các giống cây lâm nghiệp mới có giá trị kinh tế cao hơn đưa vào trồng rừng sản xuất, gắn với phát triển chế biến lâm sản và khai thác hiệu quả lâm sản phụ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong 5 năm đến, Lâm Đồng phấn đấu trồng 7 nghìn hecta rừng, 250 nghìn cây phân tán, hàng năm giảm 10% số vụ vi phạm; diện tích rừng, khối lượng lâm sản thiệt hại giảm ít nhất 10%, trong đó số vụ vi phạm vắng chủ giảm xuống dưới 30%.
 
VIẾT TRỌNG