Việc giải tỏa và trồng lại rừng, đặc biệt là đối với diện tích rừng bị lấn chiếm ở Lâm Hà trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế này đã được các đơn vị chủ rừng, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp thừa nhận, dù họ đã cố gắng và nỗ lực.
Việc giải tỏa và trồng lại rừng, đặc biệt là đối với diện tích rừng bị lấn chiếm ở Lâm Hà trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế này đã được các đơn vị chủ rừng, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp thừa nhận, dù họ đã cố gắng và nỗ lực.
|
Điệp khúc người dân phá bỏ rừng trồng - đơn vị quản lý nhổ bỏ, trồng lại thông vẫn chưa có hồi kết |
Dù có nhiều biện pháp mạnh tay để xử lý nhưng thực tế trên địa bàn huyện Lâm Hà vẫn liên tiếp diễn ra các vụ phá rừng, đặc biệt vụ sau thường có quy mô còn lớn hơn vụ trước. Không dễ để giải tỏa và trồng lại rừng, đặc biệt là đối với diện tích rừng bị lấn chiếm này. Bởi rất nhiều cây rừng vừa trồng lên ngày hôm trước, hôm sau đã bị nhổ bỏ, thậm chí có nhiều nơi vừa giải tỏa xong, đào hố để chuẩn bị trồng cây cũng đã bị san lấp. Thực trạng báo động này, đáng buồn lại diễn ra tại rất nhiều địa phương của Lâm Hà.
Theo ông Trương Quang Trung, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Lâm Hà, tình trạng phá hoại rừng trồng sau giải tỏa đã và đang diễn ra khá phức tạp. Mới đây nhất, tại Tiểu khu 287, xã Phúc Thọ, đơn vị vừa trồng 2,2 ha thông ba lá vào đầu mùa mưa, đến nay toàn bộ diện tích này đã bị các đối tượng lấn chiếm nhổ bỏ. Qua quá trình xác minh hiện trường rừng trồng bị nhổ bỏ, đơn vị đã phát hiện việc tái lấn chiếm đất lâm nghiệp bằng hình thức trồng chuối trên diện tích 5.195 m2. Đây đã là lần thứ 3 toàn bộ diện tích cây thông ba lá mới được trồng đã bị nhổ bỏ hoàn toàn.
Tại địa bàn xã Phi Tô, trên diện tích thiết kế trồng rừng có 2,8 ha bị các đối tượng tái lấn chiếm trồng cà phê, mắc ca. Cụ thể: Tại Tiểu khu 244 có 2,5 ha/7 hộ cư trú tại xã Phi Tô lấn chiếm; qua nắm bắt đối tượng lấn chiếm có tiền án, tiền sự, nghiện hút rất phức tạp, đơn vị đã làm việc với các hộ này và yêu cầu các đối tượng tự giải tỏa di dời cây trồng trái phép trên đất lấn chiếm nhưng các hộ không chịu hợp tác. Còn tại địa bàn xã Phúc Thọ đã trồng 3,5 ha, tuy nhiên diện tích rừng trên cũng bị các đối tượng nhổ phá. Hình thức nhổ trắng, thiệt hại 100%, các đối tượng nhổ, giũ bỏ cây và chất lại từng đống cho cây chết. Bên cạnh đó, các hợp đồng trồng rừng giữa Ban QLRPH Lâm Hà với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn Păng Pá, xã Đạ K’Nàng tại các Tiểu khu 252, 287 xã Phúc Thọ bị các đối tượng xã hội đen đe dọa, gây áp lực làm bà con lo sợ không dám trồng. Tất cả những vụ việc trên, Ban QLRPH Lâm Hà đã lập biên bản chuyển Hạt Kiểm lâm đề nghị xác minh điều tra xử lý.
Điệp khúc người dân phá rừng, nhất là những khu nằm liền kề đất sản xuất nông nghiệp để trồng cà phê, chanh dây và những loại cây có giá trị kinh tế cao khác - đơn vị quản lý đã nhổ bỏ, trồng lại thông... và ngược lại liên tục diễn ra, cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa có hồi kết. Chỉ tính riêng đầu năm đến nay, BQLRPH Lâm Hà đã giải tỏa và trồng được gần 48 ha rừng sau giải tỏa, tuy nhiên những diện tích này vẫn đang bị một số đối tượng lăm le phá hoại.
Có thể nói, ngoài việc thiệt hại về tài chính, hành động phá hoại rừng trồng còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Hầu hết, diện tích rừng trồng lại đều là diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Việc tổ chức quản lý thiếu chặt chẽ ngay từ ban đầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quản lý rừng trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm khó khăn hơn so với việc trồng rừng thông thường khác; đồng thời, cũng sẽ khiến cho ý định tiếp tục tái lấn chiếm của người dân thêm “động lực” ở những lần tiếp theo.
Ông Trương Quang Trung cho biết, việc quản lý rừng trồng sau giải tỏa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu và người dân đã canh tác trên diện tích đó trong một thời gian dài, rất khó để họ từ bỏ diện tích đất đang sinh lời, là “miếng cơm” của họ. Thêm vào đó, đất đai, nhất là đất nông nghiệp lại đang lên giá từng ngày; đơn vị quản lý trên địa bàn rộng trong khi lực lượng cán bộ của Ban mỏng khiến cho công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng thiếu kịp thời…
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nguyên nhân cũng đã được xác định, tuy nhiên vấn đề trồng lại rừng sau giải tỏa nhằm phủ xanh đất trống và khôi phục tài nguyên rừng lại vẫn bị xoáy trong vòng luẩn quẩn. Trong thời gian tới, đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật từ trước năm 2012, ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp để trồng lại rừng theo Đề án 02. Huyện cũng chủ trương kiên quyết giải tỏa tất cả những phần diện tích được khai phá sau năm 2012, bố trí lực lượng bảo vệ những diện tích giải tỏa trồng rừng. Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ việc lấn chiếm lại cũng sẽ không được sản xuất để họ từ bỏ ý định sản xuất trên đất lâm nghiệp.
HOÀNG YÊN