Đó là nội dung mà Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng để mất rừng…
Đó là nội dung mà Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng nhưng để mất rừng…
|
Diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá đang khoanh nuôi tái sinh |
Theo đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững (gọi tắt là BCĐ Lâm nghiệp) tỉnh Lâm Đồng, đề nghị UBND huyện Lạc Dương tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý. bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn. Khẩn trương làm rõ trách nhiệm sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý để xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định.
BCĐ Lâm nghiệp tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Lạc Dương tập trung chấn chỉnh Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn (Ban QLRPHĐN) Đa Nhim trong công tác QLBVR, lập hồ sơ ban đầu chuyển cho cơ quan, người có thẩm quyền xử lý. Và yêu cầu chỉ được trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá sau khi đã có kết quả xử lý các vụ vi phạm của cơ quan chức năng.
Đối với Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, BCĐ Lâm nghiệp tỉnh đề nghị khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng trái pháp luật tại khu vực Tiểu khu 118, xã Đạ Sar; định giá trị lâm sản thiệt hại để xem xét, khởi tố vụ án về tội hủy hoại rừng theo quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực rừng bị phá tại các vị trí Khoảnh 1, Khoảnh 2, Tiểu khu 118, xã Đạ Sar, lâm phần do Ban QLRPHĐN Đa Nhim quản lý. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định hơn 7,7 ha rừng đã bị tác động, trong đó hơn 7,2 ha là đất quy hoạch cho rừng sản xuất, phần còn lại là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Kết quả kiểm đếm hiện trường có 624 cây rừng, chủ yếu là thông ba lá đã bị tác động. Trong số này, 50 cây (đường kính gốc từ 17 đến 56 cm, dài 12 - 15 m, tổng trữ lượng lâm sản hơn 36 m3) đã bị ken vanh gốc nhưng vẫn còn sống; 220 cây thông khác (đường kính gốc từ 11 đến 82 cm, cao từ 7 - 19 m, tổng trữ lượng gỗ thiệt hại khoảng hơn 146 m3) đã chết; và số cây bị cưa hạ còn trơ lại phần gốc đã khô mục tại hiện trường là 209 gốc, với đường kính mặt cắt từ 12 - 84 cm. Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm, chỉ còn 29 cây chưa bị tác động.
Quan sát hiện trường cho thấy, hầu hết cây rừng tại đây đã bị hủy hoại bằng cách ken vanh vỏ để cây chết từ từ; số khác thì bị cưa hạ bằng cưa máy, lâm sản còn lại ở hiện trường hầu hết đều trong tình trạng khô, mục. Theo cơ quan chức năng, rừng tại Tiểu khu 118, xã Đạ Sar xác định đã bị phá qua nhiều năm.
|
Hầu hết thông bị ken vanh gốc đã chết và đang sắp chết |
Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, lịch sử diện tích đất, rừng tại khu vực trên trước đây thuộc về cộng đồng dân cư Thôn 1 và Thôn 4, xã Đạ Sar quản lý, bảo vệ. Cụ thể, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, ngày 27/1/2010, UBND huyện Lạc Dương ban hành quyết định giao hơn 605 ha đất, rừng tại khu vực trên cho cộng đồng dân cư Thôn 1 và Thôn 4, xã Đạ Sar quản lý, bảo vệ. Nhưng chưa đầy 3 năm sau ngày giao rừng, qua kiểm tra cho thấy cộng đồng dân cư Thôn 1 và Thôn 4 quản lý không hiệu quả, đã để rừng bị phá, bị lấn chiếm tại 95 vị trí, với diện tích trên 80 ha.
Trên cơ sở đó, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã có văn bản báo cáo UBND huyện về tình hình vi phạm trong khu vực rừng giao cho cộng đồng dân cư quản lý, đồng thời đề xuất UBND huyện thu hồi diện tích đất, rừng giao cho Ban QLRPHĐN Đa Nhim (tháng 7/2013) quản lý, bảo vệ, trồng lại rừng. Trong thời gian này, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập hồ sơ xử lý, tham mưu xử lý 37 vụ vi phạm tại khu vực giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư Thôn 1 và Thôn 4, xã Đạ Sar. Trong số này có 36 vụ hành chính (32 vụ có chủ, 4 vụ vắng chủ) và một vụ hình sự.
Cùng với đó, từ năm 2010 đến nay, Ban QLRPHĐN Đa Nhim cũng đã phát hiện, lập tổng cộng 19 biên bản vi phạm, tuy nhiên chỉ có 4 vụ bắt được đối tượng vi phạm chuyển Hạt Kiểm lâm Lạc Dương xử lý, số còn lại do chưa phát hiện được đối tượng vi phạm nên chỉ làm biên bản ghi nhận hiện trường, không chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Báo cáo Ban QLRPHĐN Đa Nhim cũng cho thấy từ tháng 7/2013 đến nay, đơn vị này cũng đã ban hành tới 69 văn bản chỉ đạo Trạm QLBVR Đạ Sar tăng cường công tác QLBVR trên địa bàn. Hàng tháng, Trạm QLBVR Đạ Sar cũng ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra rừng; đôn đốc các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại khu vực Tiểu khu 118. Nhằm hỗ trợ các đơn vị chủ rừng nâng cao hiệu quả công tác QLBVR, Hạt Kiểm lâm Lạc Dương còn chỉ đạo Đội 12 của huyện xây dựng kế hoạch trấn áp tội phạm trong QLBVR vào dịp lễ, tết, mùa mưa hàng năm. Tuy nhiên, do đối tượng vi phạm có người cảnh giới nên tình hình vi phạm tại khu vực này vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Vụ việc trước đó như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, nhiều ha rừng thông tự nhiên tại khu vực Tiểu khu 118, xã Đạ Sar đã biến mất, số còn lại chết đứng, phần thì đang trong tình trạng vàng lá, chờ chết. Việc rừng thông tự nhiên tại khu vực Tiểu khu 118, xã Đạ Sar bị hủy hoại đã xảy ra trong thời gian dài, nhưng chủ rừng không có biện pháp ngăn chặn để cả gần chục ha rừng thông nguyên sinh xanh tốt ngày nào nay biến mất, khiến dư luận bất bình…
Liên quan vụ việc, ngày 24/11, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương Đồng Văn Lâm cho biết hiện đơn vị đã phối hợp với Công an huyện, Viện Kiểm sát cùng cấp tổ chức kiểm tra, khám nghiệm hiện trường và đang hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án hủy hoại rừng tại Tiểu khu 118, xã Đạ Sar để điều tra, xử lý theo luật định.
THỤY TRANG