Một ước tính của ngành chức năng Lâm Đồng cho biết: Những năm gần đây trung bình mỗi năm nông dân Lâm Đồng sử dụng khoảng 4.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
Một ước tính của ngành chức năng Lâm Đồng cho biết: Những năm gần đây trung bình mỗi năm nông dân Lâm Đồng sử dụng khoảng 4.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật trên đồng ruộng.
|
Một người dân Đạ Tẻh thu gom rác thải là bao bì hóa chất bảo vệ thực vật để đưa vào các bể thu gom trên đồng |
Trong số 4.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật này, theo tỷ lệ tính toán của ngành chức năng, tỷ lệ bao bì chiếm khoảng 300 tấn/ năm, chủ yếu trong đó là chai nhựa (chiếm 70%), gói và loại khác (chiếm 30%).
Điều này có nghĩa lượng chai nhựa, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra môi trường hàng năm tại Lâm Đồng khoảng 300 tấn/năm. Cần nói rõ rằng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật là chất thải nguy hại, nếu không được thu gom xử lý tốt sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của con người, động thực vật.
Số liệu thống kê từ ngành chức năng tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã lắp đặt được 2.208 bể thu gom bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đặt tại các trục đường nội đồng. Tuy nhiên, lượng bao bì được thu gom và tiêu hủy đúng quy định hàng năm trung bình 22 tấn/300 tấn (chỉ chiếm 7,3%). Như vậy, cứ mỗi năm sẽ có khoảng 278 tấn vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật xâm nhập vào môi trường, làm gia tăng mức độ ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.
Cùng đó, không ít nông dân thường có xu hướng sử dụng phân bón nhiều hơn mức được khuyến nghị, trong khi đó cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 60% cho đạm, 40% cho lân và 50% cho kali, lượng phân bón dư thừa còn lại ngấm vào đất và nước (qua dòng chảy) gây ô nhiễm cho nguồn nước mặt và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm trong tỉnh.
Đã đến lúc Lâm Đồng cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu gom xử lý rác thải vỏ bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng trên đồng ruộng, nhà vườn trong tỉnh, đồng thời có những khuyến cáo cho nông dân sử dụng phân bón một cách hợp lý hướng đến một nền nông nghiệp sạch cho mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã đưa ra.
VIẾT TRỌNG