Như đã nêu, từ vụ vi phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLR PH) Tà Nung, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 8517 chỉ đạo các sở liên quan cùng 12 UBND huyện, thành phố của tỉnh "kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và xử lý nghiêm vi phạm". Không chỉ tại BQLR PH Tà Nung mà còn tại một số chủ rừng để xảy ra vi phạm thời gian qua trên toàn tỉnh.
Như đã nêu, từ vụ vi phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLR PH) Tà Nung, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 8517 chỉ đạo các sở liên quan cùng 12 UBND huyện, thành phố của tỉnh “kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) và xử lý nghiêm vi phạm”. Không chỉ tại BQLR PH Tà Nung mà còn tại một số chủ rừng để xảy ra vi phạm thời gian qua trên toàn tỉnh.
|
Công ty cổ phần Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh để xảy ra phá rừng trên 257 ha |
Phải là chủ thực sự của rừng và đất rừng
Tỉnh Lâm Đồng hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp 596.476 ha, trong đó diện tích có rừng 539.366 ha (82.682 ha rừng đặc dụng, 148.757 ha rừng phòng hộ, 307.927 ha rừng sản xuất). Theo đó, hiện đang giao cho 27 đơn vị chủ rừng nhà nước trực tiếp quản lý 524.640 ha. Bao gồm, 17 BQLR và chủ rừng khác nhận 254.066 ha; 8 công ty lâm nghiệp nhận 173.714 ha và 2 vườn quốc gia nhận 96.860 ha. Các BQLR tuy có rừng sản xuất (118.327,6 ha), nhưng tỉnh chưa có chủ trương khai thác, ngoài các hoạt động tỉa thưa theo định kỳ, nhiệm vụ chính vẫn là QLBVR. Theo quy định, các chủ rừng được trích 10% tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, số kinh phí quản lý này mỗi năm có tổng số tiền mấy chục tỷ đồng. Đối với chủ rừng ngoài nhà nước, Lâm Đồng đang giao cho 312 doanh nghiệp, tổ chức, 8 cộng đồng và 1.824 hộ gia đình. Tổng diện tích 59.994 ha, chiếm 10,06% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Từ năm 2006 đến nay, Lâm Đồng thu hút 489 dự án đầu tư liên quan lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó nhiều nhất là thành phố Đà Lạt với 137 dự án.
Tuy nhiên, sau 15 năm, có những dự án hoạt động hiệu quả; nhưng còn nhiều dự án chưa triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Trong đó, có những chủ dự án đầu tư không đúng mục tiêu ban đầu, QLBVR chưa tốt, thậm chí chưa thực hiện các thủ tục thuê rừng, để xảy ra mất rừng, lấn chiếm đất rừng. (Điển hình như tại địa bàn huyện Đức Trọng, lâm phần do 2 BQLR PH Đại Ninh và Tà Năng quản lý, kết luận thanh tra tháng 4/2020 cho biết: 12/26 doanh nghiệp chưa ký hợp đồng thuê đất hoặc thuê rừng; 11/26 dự án thực hiện chậm tiến độ; 26/26 doanh nghiệp không có phương án QLBVR; 20/26 dự án để xảy ra vi phạm về QLBVR, quản lý và sử dụng đất rừng…). Toàn tỉnh đến nay đã có 161 dự án bị thu hồi toàn bộ diện tích, tổng cộng hơn 25.628 ha; 34 dự án bị thu hồi một phần (hơn 4.167 ha). Các chủ dự án đầu tư đã để rừng bị phá lên đến 1.619,6 ha. Theo quy định, chủ dự án để mất rừng phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường tài nguyên rừng, bồi thường môi trường rừng, tổng số tiền 228,3 tỷ đồng. Nhưng, các doanh nghiệp mới chỉ nộp 8,38 tỷ đồng, chiếm 3,67%; còn 219,9 tỷ đồng, chiếm 96,33% chưa nộp? (số liệu tháng 7/2020).
Đối với chủ rừng là cộng đồng dân cư, từ năm 2009 đến nay, Lâm Đồng giao rừng cho 10 cộng đồng (chiếm 0,38% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh). Tuy nhiên, có đến 7 cộng đồng không thực hiện theo phương án giao rừng được phê duyệt, để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Qua hai lần tiến hành thu hồi, hiện còn 3 cộng đồng, được giao hơn 989 ha rừng. Riêng chủ rừng là hộ gia đình, Lâm Đồng đã cấp sổ đất lâm nghiệp cho 1.824 hộ dân với tổng diện tích gần 8.596 ha để thực hiện QLBVR và trồng rừng. Song, trong thực tế, một bộ phận hộ dân chỉ quan tâm trồng cây lương thực, cây nông nghiệp, không thực hiện trồng rừng; thậm chí một số hộ đã tự ý sang nhượng trái phép cho các đối tượng khác.
Kịp thời phát hiện các sai phạm, vi phạm
Mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ rừng. Luật Lâm nghiệp quy định rõ: “Chủ rừng phải thực hiện quản lý rừng bền vững; có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo Quy chế quản lý rừng” (Điều 24, Khoản 2). Theo Luật Lâm nghiệp, nếu chủ rừng để rừng bị phá, bị lấn chiếm, ngoài phải bồi thường tài nguyên, môi trường rừng còn chịu xử lý như đối tượng vi phạm.
Cũng như nhiều địa phương trên toàn quốc, địa bàn Lâm Đồng còn rất nhiều chủ rừng để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, có những nơi trở thành “điểm nóng”. Từ năm 2015 đến 2019, trên địa bàn Lâm Đồng, đã phát hiện và lập hồ sơ 6.018 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng bị thiệt hại 506,733 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại cả 4 hành vi (phá rừng, khai thác rừng, mua bán và vận chuyển) gần 23.854 m
3. Trong đó, số vụ không xác định được đối tượng vi phạm còn chiếm tới 53%. Nhiều vụ gây thiệt hại tài nguyên rừng gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử: tháng 7/2016, Bộ Công an phát hiện vụ phá rừng tự nhiên khu vực giáp lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5 (Tiểu khu 390, lâm phần Công ty TNHH Một thành viên Lộc Bắc quản lý). Hậu quả thiệt hại trên 110 m
3 gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an báo cáo toàn bộ diễn biến. Tháng 1/2017, dự án Thủy điện Krông Nô 2 làm ngập 12,48 ha diện tích có rừng nhưng chủ dự án là Công ty Cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô chưa hoàn thành các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa đền bù giá trị tài nguyên rừng; đồng thời làm ngập 0,86 ha đất có rừng thuộc lâm phần quản lý của BQLR PH đầu nguồn Đa Nhim. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lâm Đồng kiến nghị “phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự”.
Qua cung cấp của Chi cục Kiểm lâm, năm 2020 có một số vụ điển hình như sau: tháng 7, cơ quan chức năng phát hiện vụ khai thác trái phép 11 cây gỗ de và bạch tùng (nhóm IV) tại Tiểu khu 249, huyện Lâm Hà, lâm phần BQLR PH Lâm Hà quản lý; tổng khối lượng lâm sản thiệt hại gần 20,5 m
3 gỗ. Vụ chôn lấp 171 lóng gỗ thông 3 lá (nhóm IV) với khối lượng hơn 16,4 m
3, tại Tiểu khu 443, lâm phần Công ty TNHH An Phú Nông quản lý, địa bàn huyện Bảo Lâm, phát hiện tháng 8. Vụ cưa hạ trái phép 29 cây thông 3 lá, tổng khối lượng gần 33 m
3, tại Tiểu khu 214, lâm phần BQLR PH Phi Liêng quản lý, địa bàn huyện Đam Rông, phát hiện tháng 11. Tháng 10 và 11, xảy ra 2 vụ phá rừng phòng hộ trên cùng Tiểu khu 132, địa bàn huyện Lạc Dương; gồm 1,2 ha, 38 cây thông 3 lá, khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 67,6 m
3, lâm phần BQLR PH đầu nguồn Đa Nhim quan lý và phá gần 0,6 ha (57 cây thông, 1 cây dẻ), khối lượng lâm sản thiệt hại 73,5 m
3, lâm phần Công ty TNHH Thủy điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng quản lý. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác minh làm rõ vụ việc phá rừng này…
Tình trạng phá rừng trái pháp luật đều diễn ra trên 12/12 địa bàn huyện và thành phố trong tỉnh Lâm Đồng. Hành vi vi phạm về khai thác lâm sản chủ yếu tập trung tại các địa bàn có vùng giáp ranh với các tỉnh khác như các huyện Di Linh, Đức Trọng, Lạc Dương, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và Đơn Dương. Đây là những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn. Tuy chủ rừng là các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng chỉ chiếm 9,57% diện tích rừng toàn tỉnh, nhưng diện tích vi phạm và khối lượng lâm sản thiệt hại cao. Điều này cho thấy năng lực QLBVR của các đơn vị chủ rừng còn hạn chế, lực lượng quản lý mỏng. Có cả hiện tượng buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong QLBVR. Số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho thấy: chỉ 20 tháng (từ 1/1/2019 đến 19/8/2020), cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 4 tập thể và 60 cá nhân của các đơn vị chủ rừng (2 người xử lý hình sự, 2 cách chức, 3 cảnh cáo, 32 khiển trách và 21 phê bình rút kinh nghiệm). Một thực tế khác, hầu hết các chủ rừng chưa thành lập lực lượng chuyên trách BVR theo quy định tại Nghị định 01/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với hành vi vi phạm lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng vào tháng 8/2018, đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất bị xâm canh để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là trên 52.041 ha (bao gồm rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng). Diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu tại chủ rừng nhà nước, chiếm 90,51%.
|
Vụ phá rừng tự nhiên tại Tiểu khu 390, lâm phần Công ty TNHH Một thành viên Lộc Bắc quản lý thiệt hại trên 110 m3 gỗ |
Bảo vệ, phát triển rừng luôn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu
Ở Lâm Đồng, mỗi năm có hàng trăm văn bản chỉ đạo của các cấp chính quyền, từ tỉnh đến huyện. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ban hành Chỉ thị số 30/CT-TU ngày 26/3/2015 để tập trung triển khai thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả. Văn bản này yêu cầu cả hệ thống chính trị và cộng đồng cùng thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ vậy, vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp vẫn diễn ra ở mọi nơi với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Tháng 10/2017, chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại, diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo Thủ tướng, do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành. Địa phương thiếu cương quyết trong xử lý.
Tại Văn bản 8517 đã nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra BVR và giám sát hoạt động QLBVR của các đơn vị chủ rừng để kịp thời phát hiện các sai phạm, vi phạm trong công tác QLBVR và đất lâm nghiệp tại các đơn vị chủ rừng. Kịp thời xử lý đối tượng vi phạm theo quy định; xem xét trách nhiệm của chủ rừng để kịp thời chấn chỉnh xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định, để răn đe, phòng ngừa… “Rà soát, chấn chỉnh để kịp thời khắc phục các sai phạm trong nội bộ lực lượng làm nhiệm vụ QLBVR, nâng cao trách nhiệm trong công tác QLBVR; chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm/san gạt đất lâm nghiệp phức tạp trên địa bàn quản lý”, Văn bản 8517 của UBND tỉnh nêu. Phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, ông Võ Danh Tuyên cho chúng tôi biết: Lãnh đạo Sở đã giao cho các đầu mối rà soát, tổng hợp về tình hình QLBVR của các đơn vị chủ rừng trên toàn tỉnh.
Thiết nghĩ, nhiệm vụ QLBVR không thể đạt hiệu quả cao, nếu không triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên và quyết liệt. Trong đó, quan trọng phải từ các đơn vị chủ rừng. Cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, trong đó có lực lượng kiểm lâm. (Hiện Lâm Đồng thiếu 214 người so với quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Mặt khác, trong thực tế, vị thế pháp lý của kiểm lâm hạn chế, chưa xác lập quyền hạn pháp lý đủ mạnh của cơ quan thừa hành pháp luật về rừng để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Hơn lúc nào hết, vai trò và trách nhiệm của đơn vị chủ rừng cần được rà soát nghiêm túc, kỹ lưỡng; cần thực thi những giải pháp chấn chỉnh thực sự đủ mạnh. Những giải pháp và biện pháp này không chỉ đối với Lâm Đồng mà ở mọi tỉnh, thành có chủ rừng. “Đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng,…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, ngày 10/11/2020.
MINH ĐẠO